Những đề xuất thay đổi môn thi
Dự thảo được đưa ra dựa trên nội dung quan trọng từ Nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8, trong đó yêu cầu ngành GD&ĐT phải đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông nhằm giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh.
Đổi mới phương thức thi nhằm đảm bảo độ tin cậy. Ảnh minh họa
Hiện đề xuất đổi mới thực hiện ngay từ năm 2014 đang được xem xét, theo đó, thí sinh sẽ chỉ còn thi 4 môn: 2 môn bắt buộc là Toán và Ngữ văn; 2 môn còn lại do mỗi thí sinh tự chọn trong số 5 môn Lý, Hóa, Sinh, Địa và Sử. Ngoài ra, học sinh có thể đăng ký môn thi ngoại ngữ để được cộng điểm khuyến khích để xét tốt nghiệp.
Những ý tưởng đề xuất cũng bao gồm việc mở rộng diện được miễn thi tốt nghiệp phổ thông, gia tăng mức độ linh hoạt trong việc lựa chọn môn thi, công nhận kết quả học tập lớp 12 và xếp loại tốt nghiệp.
Bên cạnh những diện được miễn thi hiện hành, những học sinh có kết quả học tập và rèn luyện tốt cũng sẽ được miễn thi dựa theo tỷ lệ miễn thi chung cho các địa phương do Bộ Giáo dục xác định. Tỷ lệ này sẽ được xem xét điều chỉnh. Tuy nhiên, học sinh được miễn thi vẫn có thể đăng ký dự thi tốt nghiệp.
Việc thực hiện đổi mới thi tốt nghiệp sẽ góp phần đảm bảo tính minh bạch, khách quan, công bằng trong kì thi.
Sự ủng hộ tích cực
Ủng hộ tinh thần khẩn trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo về vấn đề đổi mới thi cử, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng việc đặt vấn đề đổi mới ngay từ năm 2014 chứ không chờ tới năm 2015 là một động thái rất tích cực.
Tuy nhiên, TS Lâm cũng cho biết ý tưởng đổi mới vẫn chưa đáp ứng được những nhu cầu mà kỳ thi tốt nghiệp THPT hiện nay cần có. Đó là đảm bảo giáo dục toàn diện, ảnh hưởng tích cực trở lại quá trình dạy học tại trường phổ thông, sử dụng kết quả thi để làm căn cứ xét tuyển vào ĐH.
Đồng thời, ông khẳng định việc miễn thi là điều không nên, bởi chúng ta vẫn cần phải có một kỳ thi để các trường ĐH lấy đó làm căn cứ xét tuyển và để tránh những tiêu cực nảy sinh.
PGS Văn Như Cương - Hiệu trưởng trường THPT DL Lương Thế Vinh (Hà Nội) cũng đồng ý với đề xuất đổi mới môn thi tốt nghiệp THPT và cho rằng đó là những dấu hiệu đáng mừng. PGS Cương đề xuất môn Ngoại ngữ nên là môn tự chọn nhằm khuyến khích cộng thêm điểm cho những em điểm cao.
Ông cho biết: "Nếu học sinh đã thi 4 môn nhưng đăng ký thi Ngoại ngữ để cộng thêm điểm thì vẫn cần có 3 ngày thi. Nếu thành môn tự chọn sẽ đảm bảo thi 4 môn, 2 ngày". Bên cạnh đó, PGS Cương cho rằng Bộ cần nghiên cứu cụ thể tỷ lệ miễn thi để tránh tình trạng những em học chưa tốt chạy vào chỉ tiêu 20% này.
Với tinh thần ủng hộ tích cực, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng cần phải đặt vấn đề đổi mới thi tốt nghiệp THPT, đặc biệt trong bối cảnh hướng tới bỏ ba chung trong tuyển sinh ĐH. Việc chỉ thi hai môn bắt buộc là văn và toán là chưa đủ mà cần thêm môn ngoại ngữ.
“Về lâu dài thì ngoại ngữ là môn công cụ rất quan trọng, nên xác định đó là môn bắt buộc trong kỳ thi tốt nghiệp THPT”, GS Nguyễn Minh Thuyết nói.
GS Nguyễn Minh Thuyết còn đề xuất các môn khác cũng cần được thi nhưng tổ chức rải rác trong năm học và có thể để cho các trường THPT tự tổ chức thi.
“Có thể những người đề xuất ý tưởng thi 4 môn muốn giảm áp lực cho học sinh, nhưng quả thật tôi không hiểu khi nói chỉ thi 4 môn hay 6 môn thì họ căn cứ vào đâu? Theo tôi biết, các nước có tổ chức thi tốt nghiệp THPT thì học sinh được học môn nào họ đều cho thi môn đó, nhưng họ không dồn vào một kỳ thi mà rải đều ra”, GS Nguyễn Minh Thuyết nhận xét.
Tuy nhiên, hiện nay ý tưởng đề xuất đang được xem xét, bàn bạc. Bộ sẽ sớm hoàn thiện dự thảo đổi mới thi tốt nghiệp THPT, sau đó sẽ lấy ý kiến dư luận để có sự điều chỉnh hợp lý.
Theo Ngô Hà - Doisongvaphapluat
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]