Sau khi một số trường đại học thông báo tuyển sinh cho ngành mới trong năm 2016, tiến sĩ Phạm Mạnh Hà - chuyên gia tư vấn hướng nghiệp (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cảnh báo, thí sinh dễ chọn sai ngành vì thiếu thông tin.
Thí sinh làm bài thi THPT quốc gia 2015. Ảnh: Anh Tuấn.
Mở nhiều ngành mới
Trong kỳ tuyển sinh 2016, Đại học Công nghiệp TP HCM dự kiến tuyển sinh thêm 15 ngành học mới, gồm: Công nghệ kỹ thuật điều khiển và tự động hóa, Công nghệ kỹ thuật máy tính, Công nghệ chế tạo máy, Công nghệ kỹ thuật xây dựng, Công nghệ kỹ thuật giao thông, Công nghệ thông tin, Kỹ thuật phần mềm, Hệ thống thông tin, Khoa học môi trường, Quản lý tài nguyên và môi trường, Kiểm toán, Marketing, Kinh doanh quốc tế, Luật kinh tế, Luật quốc tế.
Thạc sĩ Nguyễn Thanh Tùng, Phó hiệu trưởng Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vĩnh Long cho biết, năm nay, trường dự kiến tuyển 1.400 chỉ tiêu đại học chính quy, 180 chỉ tiêu cao đẳng (giảm 50% so với 2015). Trong đó, trường tuyển sinh 2 ngành mới là Thú y (thi khối B) và Công tác xã hội (khối C), mỗi ngành 50 chỉ tiêu.
Theo thạc sĩ Lê Văn Toàn, Trưởng phòng Đào tạo, Đại học Bà Rịa Vũng Tàu, trường sẽ mở 5 chuyên ngành mới gồm: An ninh thông tin, Cơ khí ô tô, Kỹ thuật phân tích, Kế toán ngân hàng, Đông Nam Á học, bổ sung tổ hợp môn Toán - Vật lý - Lịch sử; Toán - Vật lý - Địa lý.
Đại học Nguyễn Tất Thành cũng dự kiến mở thêm 12 ngành mới (8 ngành đào tạo trình độ đại học và 4 ngành trình độ thạc sĩ). Cụ thể, trình độ đại học có các ngành: Thiết kế thời trang, Thiết kế nội thất, Thanh nhạc, Piano, Marketing, Đạo diễn điện ảnh truyền hình, Quay phim, Diễn viên kịch điện ảnh. Trình độ thạc sĩ có 4 ngành: Công nghệ sinh học, Tài chính ngân hàng, Công nghệ thông tin, Quản trị kinh doanh.
Việc các trường mở nhiều ngành học mới giúp thí sinh có thêm lựa chọn. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tư vấn cảnh báo, nếu các em không tìm hiểu, cân nhắc kỹ, chỉ đăng ký xét tuyển theo phong trào, dễ dẫn đến hậu quả đáng tiếc.
Những kịch bản rủi ro
Theo thống kê của Viện Khoa học Lao động và Xã hội, trong quý 2 năm 2015, cả nước có gần 199.400 lao động trình độ đại học, sau đại học thất nghiệp. Một trong những nguyên nhân chính là lựa chọn ngành học của học sinh chưa sát thực tế, nhiều người dễ bị hút vào những trường có ngành "hot" mà không cân nhắc nhu cầu nhân lực. |
PGS Hoàng Minh Sơn, Hiệu trưởng Đại học Bách khoa Hà Nội, cho rằng, các ngành mới mở đều nằm trong danh mục đào tạo của Bộ GD&ĐT và có thể được một số trường khác đã triển khai đào tạo.
Thí sinh có thể tham khảo về chất lượng đào tạo, cơ sở vật chất và thực trạng việc làm của sinh viên ra trường. Trong đó, việc tra cứu thông tin về hướng đầu ra của ngành, cũng như trường có cam kết và xác định rõ đầu ra cho sinh viên không, khá quan trọng.
Còn tiến sĩ Phạm Mạnh Hà nói, những ngành mới mở thường có 2 mục đích: Có thể xuất phát từ nhu cầu đào tạo nhân lực thực tế, nhưng cũng có thể các trường cố ý đặt tên ngành hấp dẫn để thu hút thí sinh.
Sự lẫn lộn giữa 2 mục đích này khiến các em có thể bị nhiễu thông tin, đôi khi chỉ nhìn tên ngành hấp dẫn, cộng với việc nghe quảng cáo thấy nhiều người ra trường xin được việc là nộp hồ sơ. Những yếu tố như năng lực bản thân hay chất lượng đào tạo không được xem xét kỹ.
Là chuyên gia tâm lý học hướng nghiệp, ông Hà nhận thấy cách chọn ngành học của nhiều thí sinh hiện nay khá giống với cách chọn giống cây trồng của người nông dân: Thiếu thông tin dẫn đến "được mùa mất giá".
Tiến sĩ Phạm Mạnh Hà. |
Vòng luẩn quẩn này bắt đầu từ việc các trường mở ngành ồ ạt, không xét tới năng lực đào tạo và nhu cầu nhân lực. Nghe thấy tên ngành hấp dẫn, thí sinh cũng ồ ạt lao vào học. Quá nhiều người học dẫn đến nguồn nhân lực dư thừa, "được mùa mất giá".
Đến lúc đó, sinh viên cũng rất khó tìm công việc trái ngành, vì các ngành mới mở đa phần mang tính đặc thù, đào tạo chuyên sâu một lĩnh vực cụ thể.
"Khi muốn học ngành mới mở tại trường dân lập, thí sinh cần tìm hiểu trường đó uy tín không? Nếu là trường chất lượng cao, có liên kết quốc tế thì có thể cân nhắc. Nếu không xác định được chất lượng đào tạo, thí sinh nên chọn một trường công lập có thâm niên đào tạo ngành này. Tránh tình trạng học trường kém uy tín dẫn đến bằng cấp không được các doanh nghiệp đón nhận", vị tiến sĩ tâm lý này tư vấn.
Một kịch bản rủi ro khác cũng được giảng viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam đề cập là thí sinh chọn được ngành đào tạo chất lượng với nhu cầu nhân lực cao, nhưng bản thân không có tố chất phù hợp ngành. Đây chính là yếu tố "phù hợp nghề" mà nhiều thí sinh và phụ huynh ít quan tâm.
Bốn bước chọn nghề cho thí sinh Sau nhiều năm nghiên cứu, tư vấn hướng nghiệp cho học sinh, tiến sĩ Phạm Mạnh Hà đưa ra lời khuyên các bước chọn ngành, nghề như sau: Bước 1: Tôi thích nghề gì? Liệt kê những nghề mà bản thân biết và có hứng thú. Mong muốn của tôi về nghề nghiệp có thể đáp ứng: Cơ hội thăng tiến; Môi trường làm việc; Thu nhập; Giờ giấc; Tính chất công việc hấp dẫn; Uy tín xã hội. Sau đó, bạn lập danh sách thứ tự ưu tiên của các nghề. Bước 2: Tôi phù hợp nghề gì. Học sinh tìm hiểu yêu cầu của từng nghề (năng lực, tính cách, điều kiện lao động…), có thể tham khảo ở mục tuyển dụng trên các báo, tạp chí. Trên cơ sở đó, bạn tìm ra các điểm chung giữa yêu cầu của nghề và khả năng đáp ứng của bản thân. Bước 3: Tôi chọn nghề gì? Nghề bản thân thích; Nội dung công việc; Điều kiện lao động; Giá trị ý nghĩa đối với bản thân; Các cơ hội - nghề bản thân có năng lực đáp ứng; Sức khỏe; Năng lực học tập; Điều kiện gia đình. Bước 4: Tôi nên học tập ở đâu? Nghề đó thuộc lĩnh vực nào - Trường nào có đào tạo lực vực đó; Lập danh sách ưu tiên các trường công lập – dân lập; Điểm chuẩn - chỉ tiêu tuyển sinh; Danh tiếng – uy tín (thời gian thành lập – thành tích); Thời gian đào tạo (đại học – cao đẳng – trung cấp); Địa điểm đào tạo (gần nhà – xã nhà). |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]