Những trường ưu tú như ĐH Harvard, Yale, Princeton hay Stanford luôn là mục tiêu của nhiều học sinh trung học. Theo US News, mỗi năm, các trường này nhận hàng chục nghìn hồ sơ đăng ký.
Hành trình nhập học của ứng viên thường được ví là cuộc so tài gay gắt và khốc liệt. Ngoại trừ các yếu tố cơ bản như điểm số, thành tích ngoại khóa và giải thưởng hay thư giới thiệu, học sinh còn phải biết làm hồ sơ của mình trở nên nổi bật trong hàng chục nghìn hồ sơ gửi tới trường.
Tuy nhiên, việc học Havard, Yale hay Stanford đều không thể đảm bảo rằng sau này các em sẽ thành công. Rất nhiều người cố gắng nhập học và cuối cùng tốt nghiệp mà không có mục đích rõ ràng.
Theo Allen Cheng - chuyên gia về tuyển sinh tại Mỹ - thành công trong cuộc sống phụ thuộc vào bản thân, không phải do môi trường hay các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát.
Đồ họa: Phượng Nguyễn.
Ước mơ thành những người sẽ thay đổi thế giới
Nhiều trường đại học hàng đầu hoạt động vì mục đích phi lợi nhuận và hướng tới việc tạo ra giá trị cho thế giới này nhiều nhất có thể.
Giá trị này tồn tại trong nhiều hình thức. Một trong số đó là thông qua nghiên cứu của thành viên, đóng góp vào những thứ có thể cải thiện một cách đáng kể cuộc sống của con người.
Các trường cũng tạo ra giá trị bằng cách đào tạo sinh viên, những người sau này trở thành người kiến tạo những điều tuyệt vời cho thế giới.
Thực tế, tỷ phú Bill Gates từng học ở Harvard trước khi bỏ học. Larry Page và Sergey Brin, người sáng lập Google, từng học ở Stanford, trong khi cựu Tổng thống Barack Obama tốt nghiệp trường Luật của Harvard. Mỗi trường đều sở hữu những cựu sinh viên khiến họ tự hào.
Dean Fitzsimmons, người phụ trách tuyển sinh cho Đại học Harvard suốt một thời gian dài, cho biết: “Mỗi năm, chúng tôi nhận khoảng 2.100 ứng viên. Tất cả đều có cá tính và phẩm chất cá nhân mạnh mẽ. Họ sẽ giáo dục và truyền cảm hứng cho các bạn cùng lớp trong 4 năm đại học và tạo ra sự khác biệt sau khi rời Harvard”.
Do đó, công việc của các ứng viên là thuyết phục nhà trường rằng bạn xứng đáng là người được chọn.
Các quy tắc vàng
Một trong những quy tắc vàng mà các trường tuân thủ là yếu tố dự báo tốt nhất về thành tích trong tương lai. Ngoài ra, ứng viên phải thuyết phục nhà trường rằng dựa trên những thành tựu đó, họ sẽ tiếp tục thành công và tạo ra những điều tuyệt vời khác.
Một sai lầm mà hầu hết ứng viên mắc phải là cho rằng các trường đại học hàng đầu thích những người giỏi toàn diện. Do đó, nhiều học sinh cố gắng chứng minh năng lực thông qua một loạt kỹ năng, từ thành tích học tập đến khả năng chơi nhạc cụ, cũng như làm tình nguyện viên hàng trăm giờ trong bệnh viện hay tham gia vài câu lạc bộ.
“Tôi không có thời gian rảnh. Tôi tham gia một loạt lớp học, hoạt động thể thao, tình nguyện và ban nhạc. Tôi về nhà muộn và làm bài đến 1h sáng”, đó là những câu quen thuộc mà nhà tuyển sinh thường đọc.
Thật không may, những điều ấy không làm tăng cơ hội được nhận vào trường. Những đại học như Yale hay MIT thường không để ý những học sinh này.
Hãy nhớ rằng không ai quan tâm Tom Brady, cầu thủ bóng bầu dục, không phải là nhà toán học và chẳng ai để ý Mark Zuckerberg không phải huấn luyện viên. Họ muốn thấy bạn xuất sắc ở một lĩnh vực.
Với nhiều nhà tuyển sinh, "một nghề cho chín còn hơn 9 nghề". Việc cái gì cũng biết bị xem "tầm thường ở mọi phương diện", trong khi họ muốn tuyển sinh và đào tạo những nhà lãnh đạo thay đổi thế giới.
Đồ họa: Kim Ngân.
Cơ hội nhập học chỉ là con số
Theo tính toán, tỷ lệ nhập học tại Harvard là 6% nhưng con số này không có nghĩa ai cũng nhận 6% cơ hội. Sự thật là mỗi ứng viên có phần trăm cơ hội khác nhau. Nếu là "siêu sao", cơ hội của bạn có thể lớn hơn 90% và ứng viên yếu, tỷ lệ này gần như không có.
Bốn đến 5 triệu học sinh trung học tốt nghiệp mỗi năm song chỉ khoảng 0,1% trong số đó là những người được cho là sẽ làm thay đổi thế giới. Con số này tương đương 5.000 người.
Đồ họa: Kim Ngân.
Trong số 5.000 người, khoảng 1.000 người đăng ký vào Harvard và trường chỉ nhận 900 người. Những người còn lại được cho là có đức tính và phẩm chất không phù hợp.
Thực tế, những trường đại học hàng đầu quan tâm nhiều về các "siêu sao". Họ không muốn bỏ lỡ ai. Đó là lý do tại sao tỷ lệ nhập học của những ứng viên xuất sắc rất cao. Phần còn lại là bài toán khiến nhà tuyển sinh đau đầu.
Các cán bộ tuyển sinh của những trường hàng đầu như Yale hay UPenn thường nói: "Quyết định cuối cùng là vô cùng khó khăn".
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]