Năm nay, mỗi thí sinh dự kỳ thi THPT quốc gia đăng ký 4 môn thi tối thiểu, trong đó 3 môn bắt buộc (Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ) và một môn tự chọn trong số Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý. Vì thế, tùy vào sở trường, tổ hợp xét tuyển cao đẳng (CĐ), đại học (ĐH) mà thí sinh chọn thi bao nhiêu môn và những môn gì.
Những người đã tốt nghiệp THPT chỉ cần đăng ký dự thi những môn trong tổ hợp xét tuyển ngành nghề mình dự định xét tuyển.
70% thí sinh đăng ký thi 5 môn
Theo nhiều chuyên gia tư vấn tuyển sinh, với phương thức dự thi “2 trong 1”, vừa công nhận tốt nghiệp THPT và dựa vào điểm số để xét tuyển các trường ĐH, CĐ, thí sinh nên chọn đăng ký 5 môn.
Ông Trần Văn Nghĩa, Phó cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định Chất lượng (Bộ GD&ĐT), cho biết, năm 2015, khoảng 70% thí sinh đăng ký dự thi 5 môn. Ông Nghĩa thông tin thêm, kỳ tuyển sinh năm nay, thí sinh có kết quả thi mới đăng ký xét tuyển, nhưng quá trình xét tuyển lại phụ thuộc việc đăng ký dự thi và lựa chọn môn thi. Vì thế, quan trọng nhất cần chọn những ngành học yêu thích, xem xét những ngành ấy sẽ xét những tổ hợp môn nào, có đúng sở trường, điểm mạnh của bản thân không.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Hiệu trưởng ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, thí sinh trước hết cần chọn ngành nghề phù hợp năng lực bản thân mà mình đam mê. Ngành nghề đó có bao nhiêu trường xét tuyển, mỗi trường xét tuyển dựa vào tổ hợp môn nào? Có môn nào nhân hệ số 2 không?
“Ở trường tôi hàng năm, khoảng 500 sinh viên bỏ học để thi lại trường khác, chủ yếu do chọn không đúng ngành nghề yêu thích. Trong số đó, phần lớn là các bạn trúng tuyển vào nguyện vọng bổ sung, ít có lựa chọn và có tâm lý 'chọn đại' để đi học. Các em chọn 5 môn là vừa và hợp lý, không nên chọn thi 4 môn và cũng không nên chọn nhiều hơn 5 môn”, ông Dũng nêu quan điểm.
Thí sinh tìm hiểu thông tin về tuyển sinh tại TP HCM. Ảnh: Hoàng Bình.
Bổ sung vấn đề này, TS Trần Đình Lý, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Nông lâm TP HCM nói, thí sinh phải xác định mình giỏi nhất môn gì? Những môn nào có thể gộp được nhiều tổ hợp xét tuyển? Sau khi có điểm, thí sinh sẽ tự tin hơn trong việc lựa chọn trường để nộp đơn xét tuyển.
"Hãy tập trung ôn thi những tổ hợp mà mình đã xác định học, khi ấy điểm sẽ tốt hơn và cơ hội trúng tuyển cao hơn”, TS Lý khuyên.
Chú ý ngành học nhân hệ số xét tuyển
Những năm trở lại đây, để đảm bảo nguồn tuyển tốt hơn, phù hợp các ngành nghề, nhiều trường áp dụng phương thức nhân hệ số của một vài môn khi xét tuyển. Ở khu vực miền Nam, ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM, ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TP HCM), ĐH Sư phạm TP HCM… áp dụng hình thức này.
Hiện, nhiều ngành của Đại học Sư phạm TP HCM có tổ hợp xét tuyển giống nhau như Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ; Ngữ văn, Lịch sử, Địa lý, Toán, tiếng Anh (các ngành khoa học xã hội); Vật lý, Hóa, Toán, tiếng Anh (khoa học tự nhiên).
“Thí sinh nên chọn xét tuyển vào ngành nào có tổ hợp nhân hệ số 2 môn sở trường của mình, khi ấy cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn. Vì khi có tổng điểm 3 môn bằng nhau, nhân hệ số 2 môn sở trường, ai cao hơn sẽ có cơ hội trúng tuyển”, TS Lê Chí Thông, Trưởng phòng Đào tạo, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM) chia sẻ kinh nghiệm.
Theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, phương thức nhân hệ số 2 của môn thi khi xét tuyển sẽ giúp nguồn tuyển đầu vào tốt hơn. “Ở trường chúng tôi, những ngành thiên về tính toán sẽ nhân hệ số 2 môn Toán; khoa ngoại ngữ nhân hệ số 2 môn Ngoại ngữ; ngành thiên về điện, cơ thì nhân hệ số 2 môn Vật lý; khoa học sinh học nhân hệ số 2 môn Sinh học…”, vị hiệu trưởng này thông tin.
Có nhiều ngành nghề cùng chung một trường lại có điểm chuẩn khác nhau ở hai tổ hợp xét tuyển. Ví dụ, ngành Nuôi trồng thủy sản của ĐH Nông lâm TP HCM, điểm xét tuyển tổ hợp khối A sẽ thấp hơn điểm xét tuyển tổ hợp khối B. TS Trần Đình Lý khuyên thí sinh nên xem xét các ngành có nhiều tổ hợp xét tuyển, thì hãy lựa chọn những tổ hợp nào điểm cao hơn.
Chú ý những tổ hợp môn thi mới Sinh viên Nguyễn Thị Mỹ Linh (ĐH Luật TP HCM) chia sẻ kinh nghiệm: Hiện nay, các trường xét một lúc rất nhiều tổ hợp, trong đó có nhiều tổ hợp mới không đúng như truyền thống các khối thi. Ví dụ, ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TP HCM), năm ngoái, xét tuyển tổ hợp Toán, Hóa, tiếng Anh cho ngành Công nghệ hóa thực phẩm. Vì thế, trước hết, cần xác định xét vào ngành nào, trường nào để chọn môn thi. "Rất nhiều tổ hợp mới có thêm tiếng Anh và Toán. Nếu các bạn thiên về ngành xã hội nhân văn thì thi thêm Lịch sử, Địa lý. Người thiên về khoa học tự nhiên có thể chọn lựa 3 môn Vật lý, Hóa học, Sinh học vì vẫn còn rất nhiều trường vẫn xét tuyển 2 tổ hợp truyền thống là khối A và B”, Mỹ Linh nói. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]