Câu chuyện đến trường của Trung đầy những gian nan. Cái nghèo khó, thiếu thốn luôn bủa vây nhưng Trung vẫn đang cố sức nuôi dưỡng, xây đắp ước mơ của mình...
Trung và cha mỗi sớm ra biển trên chiếc thúng nhỏ.
Mùa hè ở biển
4h sáng trên bãi biển Bình Châu, trời còn nhập nhoạng, cách bờ chừng 300m Trung và cha đang cặm cụi thu lưới rập bắt cua, ghẹ. Trung đưa tay ra hiệu rồi vào bờ đón tôi ra thúng thu lưới cùng.
Quần áo ướt sũng, Trung tay thoăn thoắt kéo lưới vẫn nở nụ cười bảo: “Em về quê nghỉ hè được năm ngày rồi. Về là đi biển với cha luôn”. Trong lưới, những mớ cua, ghẹ được đưa lên thúng. Thành quả một chuyến biển sớm của cha con Trung được gần 10kg. “Số cua, ghẹ này mẹ bán cũng được 50.000 đồng” - Trung khoe.
Ông Nguyễn Văn Kiểng - cha Trung dù cụt một bàn tay, mù một mắt do bị trúng pháo kích năm 1973 nhưng vẫn bám trụ với nghề biển. Ông già hơn tuổi 54. Lúc trai trẻ ông theo tàu đi bạn ở Hoàng Sa, Trường Sa. Về sau sức khỏe yếu, chủ tàu ngại chuyện ông bị cụt một bàn tay, mù một mắt nên không để ông đi biển cùng. Vậy là cuộc sống của gia đình ông rơi vào cảnh khó khăn. Vợ chồng ông Kiểng vay mượn tiền sắm một chiếc thúng nhỏ để ông thả lưới đánh bắt ven bờ kiếm sống nhưng cũng bữa đói bữa no và lo cho các con ăn học.
Thương cha mẹ, lúc còn là học sinh cấp III Trung đã xin đi biển để đỡ đần cha mẹ. Vậy là Trung trở thành ngư dân từ đó. Buổi đi học, buổi đi biển. Ngày qua ngày như thế. Cuộc sống khó khăn nhưng Trung vẫn bay bổng với ước mơ trở thành một kiến trúc sư. Rồi Trung trở thành sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP.HCM, một cửa hẹp mà không phải bạn trẻ nào cũng có thể với tới. “Làm ngư dân thì dễ, làm sinh viên em thấy khó trăm bề. Hai năm qua em bươn chải rất nhiều để không phải bỏ học giữa chừng” - Trung nói.
Đi bộ 30 phút đến chỗ làm thêm Cha mẹ
Trung đang phải nuôi cùng lúc ba người con học đại học. Ngoài Trung ra còn có anh trai là Nguyễn Văn Hoàng đang học đại học Bách khoa Đà Nẵng và chị là Nguyễn Thị Nhung, đại học Nông lâm Huế. Nghề biển của cha Trung lúc có lúc không. Nghề làm thuê ở bến cá của mẹ Trung cũng bấp bênh. Lúc không còn tiền để gửi cho con, cha mẹ Trung phải đi vay mượn, rồi vay tiền theo diện hỗ trợ sinh viên học tập.
Đến giờ số tiền gia đình Trung vay để lo chuyện học hành cho cả ba anh em đã 60 triệu đồng, mỗi tháng phải trả lãi khoảng 300.000 đồng. “Không biết bao giờ vợ chồng tôi mới trả được số nợ này. Nhưng thôi kệ, vì chuyện học của con, vì tương lai sau này của con, khổ mấy vợ chồng tôi cũng chịu được” - ông Kiểng nói.
Thương cha mẹ, chàng sinh viên Nguyễn Văn Trung ngoài đi học còn phụ bán cho một quán cơm trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh, mỗi tháng được 500.000 đồng. Mỗi ngày đi làm, Trung phải đi bộ quãng đường hơn 30 phút để đến được quán cơm. “Em đi học có hôm bằng xe buýt, có hôm đi nhờ bạn học. Còn đi làm thì đi bộ để tiết kiệm. Không có tiền mua xe, em mong ước mình có chiếc xe đạp để đi học vì vào năm học 3 phải đi học, đi thực tế nhiều” - Trung nói.
Trung còn nhận dạy kèm, mỗi tháng được 600.000 đồng. Nhưng cả hai khoản tiền ấy cộng với tiền cha mẹ tiện tặn gửi hằng tháng vẫn không đủ để Trung trang trải việc học, thuê trọ, ăn uống. Học ngành kiến trúc phải mua rất nhiều dụng cụ. Nhiều lúc Trung phải nhịn ăn để mua dụng cụ học tập. Ước mơ có được một chiếc máy vi tính phục vụ ngành học kiến trúc vẫn còn quá xa vời với Trung. Bạn học trong lớp đều có máy vi tính, chỉ Trung không có tiền nên vẫn chưa có dù việc học rất cần.
Biết được nhận học bổng từ báo Tuổi Trẻ Trung mừng lắm. Nhà trường bảo ngày 9-7 tới phải có mặt ở TP.HCM để nhận học bổng, nhưng Trung tính cả đi và về tốn cả triệu đồng, “em không đi có được nhận không?”, nghe thắt cả lòng
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]