Đã có nhiều điểm 10
Cụm thi Trường ĐH Thủy Lợi (Hà Nội) năm nay phải chấm lượng bài thi gấp đôi so với các năm trước. Theo GS-TS Trịnh Minh Thụ - Trưởng ban chấm thi cụm thi này, với bài thi môn văn, trong số 30% số bài thi đã chấm có khoảng 70% bài đạt từ 5 – 7 điểm, điểm cao nhất là 8,25. Môn toán có 75% số bài đạt từ 5 – 8 điểm. Tương tự, điểm chấm thi cụm ĐH Công nghiệp Hà Nội cũng đã chấm được gần 1.200 bài môn văn và trên 1.000 bài môn toán, điểm cao nhất môn toán là 9, môn văn là 8,5. Đa số bài thi đã chấm cũng chỉ đạt 5-7 điểm.
Các giáo viên chấm thi tại ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM sáng 7.7. Ảnh: Quốc Hải
Lãnh đạo Cụm thi ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết, đến sáng 8.7 đã xuất hiện 3 điểm 10 môn toán. PGS Nguyễn Phong Điền – Trưởng phòng đào tạo nhà trường thông tin: “Môn toán đã có điểm 10, nhưng cũng có rất nhiều điểm 0. Ở phần tự luận môn ngoại ngữ có nhiều thí sinh đạt 0 điểm và nhiều bài thi bỏ trống phần này. Riêng phần trắc nghiệm trường sẽ gửi về Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng (Bộ GDĐT) nhờ chấm”.
Tại cụm thi 19 do Trường ĐH Tây Bắc chủ trì, ông Nguyễn Văn Bao – Hiệu trưởng nhà trường cho hay, bắt đầu từ ngày 7.7, hơn 100 cán bộ chấm thi đã bắt tay vào công việc. Kết quả 2 ngày chấm cho thấy, đa số bài thi có điểm từ 4 - 7, chưa có điểm tuyệt đối. Tương tự, cụm chấm thi ĐH Vinh đã chấm được 16.000 bài thi môn toán, phổ điểm chủ yếu từ 4-7, trong đó có 2 điểm 10. Đối với các môn xã hội phổ điểm từ 4 - 8, riêng môn địa lý điểm khá cao, đa số từ 6 - 8 điểm, đã có 4 điểm 10 môn này.
Tại khu vực TP.HCM, thạc sĩ Phạm Thái Sơn - Phó Giám đốc Trung tâm Tư vấn tuyển sinh và Dịch vụ đào tạo Trường ĐH Công nghiệp Thực phẩm TP.HCM cho biết, từ ngày 5.7, giảng viên của trường và giáo viên tăng cường của 2 trường THPT Lê Quý Đôn và THPT Nguyễn Thị Minh Khai đã bắt đầu chấm thử các môn toán, văn để rút kinh nghiệm và đưa ra định hướng chung về cách chấm bài thi. Tổng cộng đợt chấm thi này nhà trường đã huy động khoảng 220 giáo viên. “Điểm phổ biến các môn đạt 5 - 7 điểm, đã xuất hiện 8,25 điểm môn toán, chưa có điểm tuyệt đối, ngoài ra cũng có nhiều bài được 1-2 điểm” - ông Sơn nói.
Trong khi đó, tại ĐH Quốc gia TP.HCM, TS Nguyễn Quốc Chính - Trưởng ban Đào tạo ĐH và sau ĐH thông tin: “Dự kiến ngày 10.7 chúng tôi sẽ chấm xong toàn bộ bài thi trắc nghiệm. Các môn xã hội như địa, sử có số thí sinh dự thi không nhiều nên áp lực không cao. Riêng môn văn, cụm thi ĐH Quốc gia có khoảng 22.000 bài thi phải chấm trong vòng 2 tuần nên khá áp lực. Hiện ĐH Quốc gia đã phối hợp Sở GDĐT huy động 150 cán bộ để chấm môn văn. “Trong trường hợp cần thiết, chúng tôi sẽ kéo dài thời gian chấm bài trong ngày, có thể tới 19 giờ tối thay vì 17 giờ như trước đây để kịp tiến độ mà Bộ GDĐT quy định” - ông Chính thông tin.
Xét tuyển ĐH từ 1.8
Theo quy định của Bộ GDĐT, trước ngày 20.7, các cụm thi sẽ phải hoàn thành công tác chấm thi và gửi kết quả về Bộ. Trước ngày 25.7, các Sở GDĐT phải hoàn thành xét công nhận tốt nghiệp THPT, các Sở nhận đơn phúc khảo bài thi thời hạn 10 ngày kể từ ngày công bố điểm thi. Từ ngày 27.7, hiệu trưởng các trường THPT sẽ cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp tạm thời và trả học bạ cho thí sinh.
Đối với quy định về xét tuyển vào ĐH, CĐ, từ 30.7, các Hội đồng thi do trường ĐH chủ trì sẽ in và gửi giấy chứng nhận kết quả thi cho thí sinh đăng ký dự thi để xét tuyển ĐH, CĐ. Từ ngày 1 đến 20.8 các trường ĐH, CĐ bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển nguyện vọng 1. Trước ngày 25.8 các trường sẽ phải công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1. Thí sinh không trúng tuyển nguyện vọng 1 sẽ xét tuyển bổ sung ở 4 nguyện vọng tiếp theo từ ngày 25.9 đến 15.11.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]