1. Giáo sư Nguyễn Hữu Đức - Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức là nhà nghiên cứu cao cấp về vật liệu nano, tác nhân quan trọng của hợp tác khoa học giữa Pháp và Việt Nam. (Nguồn Internet)
Giáo sư Nguyễn Hữu Đức là nhà nghiên cứu cao cấp về vật liệu nano, tác nhân quan trọng của hợp tác khoa học giữa Pháp và Việt Nam. Năm 1980, ông tốt nghiệp ngành vật lý Đại học quốc gia Hà Nội và phát triển hoạt động nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Vật lý nhiệt độ thấp tại Hà Nội. Ông đã nhanh chóng giữ nhiều trọng trách tại trường Đại học Quốc gia: Phó hiệu trưởng và Hiệu trưởng trường Trường Đại học Công nghệ (thuộc Đại học Quốc gia) và từ năm 2008, ông là Phó giám đốc trường Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ông cũng tiến hành những trao đổi khoa học với các trường đại học của Pháp (Đại học Grenoble, Đại học Rouen, Đại học Paris Sud). Đồng thời ông là người thiết lập và chủ trì nhiều chương trình đào tạo và nghiên cứu giữa Pháp và Việt Nam.
2. Bà Nguyễn Thanh Huyền - Phó Chánh Văn phòng Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo
Bà Nguyễn Thanh Huyền là đối tác của Đại sứ quán Pháp trong mọi chủ đề về hợp tác giáo dục và phát triển tiếng Pháp, và trong mọi chủ đề hợp tác đại học trong suốt nhiều năm. (Nguồn Internet)
Bà Nguyễn Thanh Huyền bắt đầu sự nghiệp của mình vào năm 1982, khi đó bà là giáo viên tiếng Pháp tại trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Năm 2004, bà giữ chức Vụ phó Vụ hợp tác Quốc tế, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam.
Trên cương vị này, bà là đối tác của Đại sứ quán Pháp trong mọi chủ đề về hợp tác giáo dục và phát triển tiếng Pháp, và trong mọi chủ đề hợp tác đại học trong suốt nhiều năm. Hiện nay, bà tiếp tục đóng góp vào hoạt động của trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (USTH), dự án quan trọng trong hợp tác Pháp Việt lĩnh vực giáo dục.
3. Giáo sư, Nhà giáo Nhân dân Phan Huy Lê
Giáo sư Phan Huy Lê là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam. (Nguồn Internet)
Là một trong những chuyên gia hàng đầu về lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam: Khóa II (1990–1995), khóa III (1995–2000), khóa IV (2000–2005, khóa V (2005–2010) và khóa VI (2010-2015).
Từ năm 1988 cho đến nay, GS. Phan Huy Lê liên tục là Chủ tịch Hội Sử học Việt Nam. Ông còn giữ cương vị lãnh đạo chủ chốt hay là uỷ viên của nhiều Hội đồng Quốc gia như Hội đồng Quốc gia chỉ đạo biên soạn Từ điển Bách khoa, Hội đồng Chính sách Khoa học và Công nghệ Quốc gia, Hội đồng Lý luận Trung ương, Hội đồng Khoa học và Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội đồng Chức danh Giáo sư Nhà nước, Hội đồng Quốc gia Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước, Hội đồng Di sản Văn hóa Quốc gia... Ở cương vị nào ông cũng đều có những đóng góp xuất sắc.
Ông được phong học hàm Giáo sư (1980), Nhà giáo ưu tú (1988), Nhà giáo nhân dân (1994), được tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhì (1985), Huân chương Lao động hạng Nhất (1998), hạng Nhì (1994), hạng Ba (1974), được tặng Giải thưởng Nhà nước (2000), Giải thưởng Quốc tế Văn hoá châu Á Fukuoka, Nhật Bản (1996), Huân chương Cành cọ Hàn lâm của chính phủ Pháp (2002).
Tên ông đã trở thành niềm kiêu hãnh của học trò và đồng nghiệp trong nước và quốc tế.
4. PGS Đặng Thị Hạnh - Nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ Văn - ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV – ĐHQGHN
Trong suốt 25 năm công tác tại Trường, PGS Đặng Thị Hạnh đã tham gia đào tạo nhiều sinh viên ngành văn học Pháp cũng như truyền tình yêu văn học Pháp cho những sinh viên này. Ảnh minh họa. (Nguồn Internet)
Với những đóng góp tích cực trong việc quảng bá nền văn học Pháp tại Việt Nam, PGS Đặng Thị Hạnh (nguyên cán bộ giảng dạy Khoa Ngữ Văn - ĐH Tổng hợp Hà Nội, nay là Trường ĐHKHXH&NV - ĐHQGHN) đã vinh dự nhận Huân chương Cành cọ Hàn lâm của Cộng hòa Pháp. Buổi lễ diễn ra ngày 21/02/2013 tại Trung tâm Văn hóa Pháp, Hà Nội.
Trong suốt 25 năm công tác tại Trường, PGS Đặng Thị Hạnh đã tham gia đào tạo nhiều sinh viên ngành văn học Pháp cũng như truyền tình yêu văn học Pháp cho những sinh viên này. Bên cạnh đó, PGS Đặng Thị Hạnh còn tham gia xây dựng chương trình giảng dạy Văn học Pháp tại các trường phổ thông cũng như đại học trong nước. Bà cũng là người có nhiều đóng góp quan trọng trong việc đào tạo các dịch giả trẻ của Việt Nam. Đặc biệt, những nghiên cứu của bà về Victor Hugo và các nhà thơ Pháp ở thế kỉ XX là công trình có uy tín, được giới chuyên môn đánh giá cao. Nhân dịp kỉ niệm 100 năm ngày thành lập Đại học Đông Dương, bà đã dịch cuốn sách Thư Hà Nội của Jean Tardieu. Cuốn sách được xuất bản đã để lại nhiều dấu ấn trong đời sống Văn học Việt Nam và cũng là một minh chứng về tình hình thuộc địa ở Đông Dương vào những năm 1930.
Ngài Đại sứ đã đánh giá cao vai trò của PGS Đặng Thị Hạnh trong việc truyền bá văn hóa, đặc biệt là văn học Pháp tại Việt Nam. “Nhờ có những công trình nghiên cứu, và tác phẩm dịch của bà mà nền văn học Pháp ở thế kỉ XIX và XX đã được biết đến ở Việt Nam” – Đại sứ Jean Noel Poirier nhấn mạnh.
Huân chương Cành cọ Hàn lâm là phần thưởng của Cộng hoà Pháp ra đời vào năm 1808. Napoléon I đã quyết định trao Huân chương này nhằm vinh danh những cá nhân xuất sắc trong giáo dục bậc đại học. Ngày nay, Huân chương Cành cọ Hàn lâm mở rộng đối tượng, dành cho những cá nhân có đóng góp quan trọng việc làm giàu di sản văn hóa, phát triển tri thức khoa học và nghệ thuật của Pháp trên toàn thế giới.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]