Nhiều ý kiến băn khoăn, lo lắng về Dự thảo Chương trình phổ thông mà Bộ GD&ĐT vừa công bố. Ảnh: Q.Anh
Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông (Bộ GD&ĐT vừa công bố), học sinh phổ thông sắp tới sẽ được “cởi trói” bởi chương trình học, sách giáo khoa rút ngắn. Bên cạnh đó, học sinh cũng được tự chọn môn học theo sở thích, năng lực riêng... Tuy nhiên, nhiều phụ huynh cũng như các nhà giáo đều băn khoăn, lo lắng.
Học sinh sắp được “cởi trói”?
Theo Dự thảo Chương trình giáo dục phổ thông, từ năm học 2018-2019 học sinh ở một vài cấp học sẽ áp dụng chương trình mới, được lựa chọn môn học cho mình theo sở thích, năng lực. Cũng theo Dự thảo, các môn học phổ thông sẽ được thiết kế tích hợp mạnh ở các lớp học dưới, phân hoá dần ở các lớp học trên... Theo đó, thay vì phải học 13 môn như hiện nay, học sinh THCS sẽ chỉ phải học 7 - 8 môn bắt buộc, ở bậc THPT có 4 môn bắt buộc. Một số môn ở cả 3 cấp sẽ được tích hợp và thay đổi tên gọi.
Các môn học ở cả 3 cấp học được chia thành môn học bắt buộc và môn học tự chọn. Các môn học tự chọn gồm: Tự chọn tùy ý, tự chọn trong nhóm môn học, tự chọn trong môn học. Đơn cử, ở cấp THPT, học sinh được tự chọn tùy ý các môn: Nghiên cứu khoa học kỹ thuật, Ngoại ngữ 2; Tự chọn trong nhóm môn học gồm 4 môn (lớp 10, 11) và 3 môn (lớp 12) trong các môn: Sử, Địa, Văn 2, Lý, Hoá, Sinh, Tin học, Công nghệ, Toán 2, Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội. Học sinh được tự chọn trong môn học gồm: Âm nhạc, Mĩ thuật, Thể thao, Hoạt động trải nghiệm sáng tạo (lớp 10, 11, 12); Chuyên đề học tập (lớp 11, 12).
Dự thảo có thể được coi như “cởi trói” áp lực học tập, thi cử đối với học sinh phổ thông. Bởi thế, Dự thảo đã nhận được sự quan tâm rất lớn của nhà trường và các bậc phụ huynh. Nhiều phụ huynh cũng trông mong chương trình mới sẽ tiến bộ, hướng tới người học nhiều hơn thay vì “nhồi nhét” như hiện nay. Theo ghi nhận, phụ huynh cũng rất đồng tình với thay đổi chương trình, sách giáo khoa phổ thông, nhưng yêu cầu đặt ra là học sinh phải được thích nghi, làm quen sớm.
Đánh giá về Dự thảo, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại - Hiệu trưởng Trường THPT Wellspring Hà Nội cho rằng, đây là con đường đi đúng đắn, việc thay đổi chương trình, sách giáo khoa là hết sức cần thiết. Góp phần giảm tải cho học sinh, lại định hướng nghề cho học sinh THPT. Đây rất có thể là sự thay đổi chương trình giáo dục phổ thông một cách toàn diện, triệt để nhất.
Lo học sinh học khó hơn
Tuy nhiên, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại cho rằng, thời điểm thực hiện trước năm 2018, sẽ rất gấp gáp. “Có chương trình đồng nghĩa phải có tài liệu kèm theo, tạm gọi là sách giáo khoa. Sách giáo khoa cho chương trình này là theo kiểu tích hợp và lần đầu tiên có tại Việt Nam. Từ nay đến năm 2017 có sách giáo khoa là khó, bởi từ năm 2018 thực hiện rồi. Đội ngũ giáo viên của ta được đào tạo và thể nghiệm theo cách học, cách dạy cũ, bây giờ chuyển sang cái mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Kèm theo đó là cơ sở vật chất, gắn với đó là những trang thiết bị, đồ dùng dạy học, thí nghiệm… cho học sinh chủ động, sáng tạo”, Nhà giáo ưu tú Đặng Đình Đại băn khoăn.
Cho rằng, chương trình mới cũng không hề nhẹ, TS. Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: “Xem Dự thảo mà thấy có quá nhiều điều phải lo lắng. Bộ GD&ĐT cho rằng, chương trình mới sẽ giảm tải cho học sinh nhưng việc tích hợp các môn học không hề nhẹ hơn cho cả học sinh và giáo viên. Tôi cũng chưa thể hình dung được cách thức tổ chức và thực hiện chương trình mới như thế nào?. Thực tế cho thấy, cơ sở vật chất của nước ta đến năm 2018 đáp ứng được yêu cầu này chưa? đó là vấn đề cần phải suy nghĩ kỹ và tính toán hợp lý trước khi triển khai”.
Còn theo một số giáo viên, chương trình mới chỉ một số giáo viên đáp ứng được đòi hỏi, bởi dạy tích hợp sẽ phải đi học thêm các môn khác để dạy. Bên cạnh đó, giảm số môn học, tăng môn tích hợp (dạy cả 3 môn) sẽ phải giảm một lượng lớn giáo viên. Bên cạnh đó, một số giáo viên cũng lo lắng học sinh đang quen với cách dạy và học cũ, nếu chuyển sang phương pháp mới bản thân thầy cô cũng bỡ ngỡ, chứ không riêng gì phụ huynh hay học sinh.
Theo Bộ GD&ĐT, nếu được áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ bắt đầu thực hiện theo hình thức “cuốn chiếu”. Từ năm học 2018 - 2019: Triển khai chương trình sách giáo khoa mới ở lớp 1, lớp 6, lớp 10. Năm học 2019 - 2020: Triển khai ở lớp 2, lớp 7, lớp 11. Năm học 2020 - 2021: Triển khai ở lớp 3, lớp 8, lớp 12. Năm học 2021 - 2022: Triển khai ở lớp 4, lớp 9. Năm học 2022 - 2023: Triển khai ở lớp 5.
Trước những băn khoăn, lo lắng của giáo viên, phụ huynh, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết: “Dự thảo sẽ áp dụng ở mức độ vừa phải, phù hợp trình độ giáo viên hiện nay. Giáo viên sẽ không bị mất việc, nhưng cần phải bồi dưỡng thêm để đáp ứng chương trình mới. Giáo viên cũng cần tổ chức học tập thường xuyên, học hỏi đồng nghiệp để không ngừng nâng cao trình độ. Sắp tới, qua quá trình bồi dưỡng và đào tạo mới của các trường sư phạm, một giáo viên sẽ dạy được cả một môn tích hợp chứ không cần phân cho nhiều người dạy một môn”. |
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]