Hứng thú từ hiểu lợi ích của việc học
Hứng thú học tập trước, theo GS.TS Lê Phương Nga, trước hết được tạo ra bằng cách làm cho học sinh ý thức được lợi ích của việc học để tạo động cơ học tập.
Với mỗi bài học cụ thể, giáo viên cần giúp cho học sinh nhận ra tính lợi ích của một nội dung nào đó. Chẳng hạn, sự cần thiết của dấu phẩy sẽ được làm rõ khi chỉ ra sự khác nhau về nghĩa của hai câu: “Đêm hôm, qua cầu gãy” và “Đêm hôm qua, cầu gãy”.
Mục tiêu này có thể được trình bày một cách tường minh ngay trong tài liệu học tập (như cách trình bày của tài liệu hướng dẫn học của dự án Mô hình trường học mới Việt Nam) hoặc có thể trình bày thông qua các tình huống dạy học cụ thể.
GS.TS Lê Phương Nga cho rằng, ngay từ những ngày đầu học sinh đến trường, chúng ta cần làm cho các em nhận thức về lợi ích của việc học một cách tích cực và thiết thực.
Chẳng hạn: “Con mà biết chữ thì thật là thú vị. Cô có thể viết cho con lời nhắn, con có thể đọc truyện...”; “Con làm được một đồ chơi đẹp, vẽ được một bức tranh đẹp, làm thế nào để mẹ và cô biết là của con;
Hãy học để viết tên lên đồ chơi và tranh nhé!”; “Và đây là căn nhà đầy đồ chơi. Chìa khóa để mở có ghi một chữ, ai biết đọc sẽ mở được ngay”; “Đây là một vương quốc thật diệu kì chỉ dành cho những người biết đọc, biết viết”…
Tính lợi ích của một nội dung dạy học cũng được thể hiện rõ khi chúng ta đặt ra sự đối lập giữa “có nó” và “không có nó”. Ví dụ: Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có chữ viết? Chuyện gì sẽ xảy ra khi chúng ta không có những từ đồng nghĩa, không có câu ghép?...
Kiến thức khô khan cũng có thể gây hứng thú
Nội dung dạy học được chia ra rất nhiều cấp độ. Ví dụ, trong môn Tiếng Việt, trước hết đó là các phân môn, các mạch kiến thức - kĩ năng, cụ thể hóa đến nhóm, kiểu, dạng bài tập và cho đến tận từng bài tập cụ thể. Từ bình diện nội dung dạy học, trên một bài tập, ta có thể tác động vào phần lệnh hoặc phần ngữ liệu.
Dẫn chứng về việc lựa chọn ngữ liệu dạy học tiếng Việt, theo GS.TS Lê Phương Nga, không có con đường nào khác để làm nảy sinh và duy trì hứng thú của học sinh với tiếng Việt và Văn học ngoài cách giúp các em thấy được sự thú vị, vẻ đẹp và khả năng kì diệu của chính đối tượng học tập - tiếng Việt, văn chương. Đây cũng chính là ngữ liệu của dạy tiếng.
Từng giờ, từng phút trong giờ tiếng Việt, người giáo viên đều hướng đến hình thành và duy trì hứng thú cho học sinh.
Không có cách gì tạo ra hứng thú với tiếng mẹ đẻ và văn chương ngoài con đường cho trẻ tiếp xúc trực tiếp, càng nhiều càng tốt, với những tác phẩm văn chương, những mẫu hình sử dụng ngôn ngữ mẫu mực
GS Lê Phương Nga
Đó có thể là một lời vào bài hấp dẫn cho giờ tập đọc: “Đây là một con chim sẻ rất nhỏ bé. Thế nhưng nhà văn Tuốc-ghê-nhép đã kính cẩn nghiêng mình thán phục trước nó, vì sao vậy? Chúng ta hãy cùng nhau đọc bài Con sẻ để trả lời câu hỏi này”.
Hứng thú của học sinh cũng được khơi dậy từ việc chỉ ra vẻ đẹp của một từ, cái hay của một tình tiết truyện, chẳng hạn: Tiếng hót của chim chiền chiện không phải “ríu rít”, “thánh thót” mà “ngọt ngào”, “long lanh”, “chan chứa” thì mới gây ấn tượng.
Hoa sầu riêng nở “tím ngát” chứ không phải chỉ “tím ngắt” hay “ngan ngát”. Như thế thì mới có cả màu hoa, hương hoa chỉ trong một từ.
Tình tiết người mẹ cho hồ nước đôi mắt của mình để tìm đường đến chỗ Thần Chết đòi trả lại con trong chuyện Người mẹ của An-đéc-xen đến nay còn lay động tâm can biết bao người...
Ngay cả những vấn đề lí thuyết ngữ pháp khô khan cũng đều có thể gây hứng thú cho HS nếu chúng ta biết lựa chọn ngữ liệu khai thác những đặc điểm thú vị của tiếng Việt.
Chẳng hạn đó là mối quan hệ giữa kiểu nghĩa và cấu tạo từ, giá trị gợi tả gợi cảm của lớp từ láy, quy luật chuyển nghĩa của từ nhiều nghĩa; khả năng tạo những “định danh nghệ thuật”, “đồng nghĩa kép” của hiện tượng đồng nghĩa, sự bất ngờ thú vị của hiện tượng đồng âm.
Chẳng hạn, bài tập phân tích nghĩa của câu sẽ thú vị hơn nếu giáo viên sử dụng ngữ liệu đồng âm, đặc biệt là đồng âm cú pháp. Ví dụ: “Nhiều bạn gái đang múa hát rất hay, Chúng tôi học qua lod”
Ngữ liệu tiếng Việt trở nên hấp dẫn khi thể hiện tính năng sản của ngôn ngữ.
Ví dụ, tiếng “học”, từ “tay”... hoàn toàn trở thành ngữ liệu hấp dẫn trong các bài tập: “Tìm các từ có chung tiếng tiếng học”, “Tìm thành ngữ, tục ngữ cùng chứa từ tay”... Vì tiếng “học” có mặt trong rất nhiều từ ngữ: học bạ, học bổng, học cụ, học đòi, học đường, học gạo, học giả, học hành, học hỏi, học kì, học lỏm, học phí, học sinh, học tập... ; từ tay xuất hiện trong 21 thành ngữ, tục ngữ.
Ngữ liệu hấp dẫn phản ánh được nét độc đáo của tiếng Việt, một ngôn ngữ đơn lập mà phương thức ngữ pháp chủ yếu là trật tự từ.
Với bài tập yêu cầu học sinh sắp xếp các từ cho trước để tạo câu, nên chọn những từ có khả năng sắp xếp thành nhiều câu khác nhau, ví dụ nếu chọn 5 từ “sao”, “nó”, “không”, “đến”, “bảo”, có khả năng tạo thành trên 50 câu khác nhau.
Những kiến thức ngữ pháp, GS Lê Phương Nga cho rằng, nên được xem xét dưới góc độ của người sử dụng ngôn ngữ sẽ gây được hứng thú.
Ví dụ, dạy bài “Danh từ riêng” có thể bắt đầu bằng cách nhận xét về cách đặt tên của người Việt.
Khi dạy “Đại từ nhân xưng”, có thể cho học sinh nhận xét về văn hoá của người Việt trong cách xưng hô.
Học sinh chưa hiểu hết được sự tế nhị trong cách xưng hô của người Việt và không phải em nào cũng biết xưng hô với bạn bè, cha mẹ, người thân một cách có văn hoá nên phát hiện này đối với các em cũng là điều thú vị.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]