Thời gian gần đây dư luận đang có nhiều ý kiến khác nhau về việc có nên không việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia, thay vào đó là phương thức xét tốt nghiệp. Báo Người Đưa Tin đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Phó Hiệu trưởng thường trực trường Cao đẳng Công nghệ và Thương mại Hà Nội về vấn đề này.
- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang, thời gian gần đây dư luận lại nóng lên về việc có nên hay không việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Cá nhân ông nghĩ sao về vấn đề này?
Theo quan điểm cá nhân của tôi thì thi hay không thi tốt nghiệp (tức xét tốt nghiệp thay vì thi) không phải là vấn đề. Vấn đề là thực học của học sinh ra sao hay vẫn chạy theo thành tích. Nếu phân luồng tốt để đảm bảo chất lượng với đối tượng học THPT cũng như bỏ được bệnh thành tích được thì nên xét tốt nghiệp. Bởi kết quả tốt nghiệp của chúng ta vẫn là một căn cứ để xét đầu vào đại học, cao đẳng nên cần phải thực chất hơn.
'
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang ủng hộ phương án phân luồng mạnh từ cấp 2.
- Đó là cái nhìn sâu xa, còn ít nhất việc xét tốt nghiệp cũng giúp giảm gánh nặng cho xã hội chứ, thưa ông?
Như năm nay việc thi tốt nghiệp làm khá tốt, không có gì quá nặng nề mà ít nhiều vẫn đảm bảo chất lượng nhất định. Nếu xét tốt nghiệp ngay thì tôi e rằng bệnh thành tích nặng hơn và các trường đại học, cao đẳng dựa vào kết quả học THPT để xét tuyển sẽ phải làm tiếp một kỳ kiểm tra đầu vào để đảm bảo chất lượng.
Tôi không bảo thủ nhưng muốn xét tốt nghiệp cũng nên có lộ trình, dẫu biết rằng thi tốt nghiệp đỗ gần hết cũng chưa phản ánh đúng thực chất giáo dục vì nếu làm nghiêm túc sẽ rất khó có con số đỗ cao vậy.
- Theo ông một lộ trình như nào sẽ hợp lý?
Tôi vẫn ủng hộ phương án phân luồng mạnh từ cấp 2. Thực tế chúng tôi đã và đang đào tạo nghề cho cả đối tượng đầu vào tốt nghiệp cấp 2, sau 3 năm học nghề ra có thể làm ngay được việc và có thu nhập tốt.
Còn việc xét tốt nghiệp thay cho hình thức thi trước hay sau cũng phải làm nhưng trước khi làm nên phân luồng mạnh sau THCS để "lọc" đầu vào THPT đảm bảo chất lượng, đồng thời phải có sự đánh giá thực chất trong suốt quá trình học THPT của học sinh, tránh bệnh thành tích.
Tiến sĩ Nguyễn Xuân Sang - Bên trái
- Việc phân luồng mạnh mẽ sẽ đem lại lợi ích như thế nào, thưa ông?
Việc phân luồng hiện tại cũng còn gặp khó khăn do tâm lý của cha mẹ học sinh sợ con còn nhỏ đã phải đi học nghề và vẫn muốn con cái phải tốt nghiệp cấp 3. Tuy nhiên chúng ta phải kiên trì và dứt khoát làm, chắc chắn sẽ làm được. Lợi ích mang lại sẽ rất to lớn.
Chúng ta có thể "sắp xếp" lại hệ thống giáo dục, giảm dần tình trạng thừa thầy kém mà thiếu thợ giỏi, thay đổi dần suy nghĩ lập nghiệp phải vào đại học như hiện nay.
Thực tế là chúng ta đang thiếu khá trầm trọng đội ngũ thợ có tay nghề cao mặc dù các doanh nghiệp sẵn sàng trả lương rất cao. Nếu phân luồng tốt thì 5 năm sau chúng ta sẽ có một thế hệ thợ ra trường từ đầu vào hết THCS, giúp giải quyết dần việc thiếu thợ trầm trọng như hiện nay
Tôi vẫn có suy nghĩ là nên thu hẹp dần các Trung tâm GDTX bởi chất lượng đào tạo văn hoá của các trung tâm này khá yếu do đầu vào thấp hơn các trường THPT.
Rất mừng là hiện nay các tỉnh đang tiến hành sáp nhập Trung tâm GDTX với Trung tâm dạy nghề ở các huyện lại làm một để kết hợp đào tạo sâu về nghề, phù hợp với học lực của học sinh, tránh lãng phí về cơ sở vật chất dạy nghề đã được nhà nước đầu tư rất lớn.
Chân thành cảm ơn Tiến sĩ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]