Sức mạnh của sự chân chính
Đề Văn thường là tâm điểm của dư luận với những câu hỏi thiết thực với đời sống. Ngoài hai câu hỏi gây nhiều bất ngờ cho sĩ tử, năm nay, câu nghị luận của khối C lại bàn về sức mạnh chân chính.
Cụ thể: Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng kích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai của mình. (Đời thừa - Nam Cao, Ngữ văn 11 Nâng cao). Ý kiến trên gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia. Đề bài yêu cầu viết nghị luận trong khoảng 600 chữ.
Tại HV Cảnh sát nhân dân, nhiều thí sinh ra khỏi phòng thi với vẻ mặt căng thẳng. Đa số sĩ tử đều cho rằng cấu trúc mới với câu hỏi đọc hiểu khiến đề thi khó hơn so với mọi năm. Mặc dù văn bản này vẫn nằm trong sách giáo khoa nhưng thuộc phần nâng cao, nên nhiều thí sinh không ôn tập kỹ lượng.
Với câu hỏi nghị luận xã hội về một câu trích trong tác phẩm Đời thừa (Nam Cao): "Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình", đa số thí sinh đều liên hệ đến hành động sai trái của Trung Quốc khi hạ đặt trái phép dàn khoan Hải Dương 981 trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.
Trần Thị Ngọc Diễn (Thái Bình) chia sẻ bài làm của mình: "Trung Quốc là kẻ mạnh, nhưng với những hành động ngang ngược, gây hấn với các nước láng giềng xung quanh, chắc chắn sẽ bị cô lập, lên án".
Với đề thi này, các em nhận định chỉ đạt 5-7 điểm, khó có thể đạt 8-9. Nguyễn Đình Chí (Thanh Hóa) cho biết: "Phần đọc hiểu và nghị luận xã hội đều là các tác phẩm nằm trong chương trình đọc thêm, nâng cao khiến em chủ quan chỉ đọc qua. Mặc dù đã được ôn tập và thi tốt nghiệp dạng đề này nhưng em vẫn cảm thấy lúng túng".
Đỗ Thị Duyên (Hà Tây) còn chia sẻ: "Câu 5 điểm về hình tượng sông Hương trong bút ký Ai đã đặt tên cho dòng sông cũng là nội dung rất ít khi xuất hiện trong đề thi".
Sự cống hiến và hưởng thụ
Nguyễn Thị Thanh Huyền, THPT Hoàng Văn Thụ Hà Nội, tại hội đồng thi ĐH Sư phạm cho biết: "Đề bài năm nay có 3 câu. Trong đó câu một phân tích tác phẩm Đất nước của Nguyễn Đình Thi. Em thấy câu này dễ phân tích nhưng khá bất ngờ vì bài ở phần đọc thêm - không nghĩ lại vào đề. Câu nghị luận năm nay bàn về sự cống hiến hết mình, hưởng thụ vừa đủ là một phương châm sống".
Hoàng Chu Linh (trường THPT Thái Thuận, Bắc Giang) cũng không ôn tập kĩ câu 3. Đối với câu nghị luận, em nhấn mạnh vào việc không phải ai cũng biết hưởng thụ đúng cách. Điều đó còn phụ thuộc vào điều kiện kinh tế của từng gia đình và cần phải cống hiến cho cả bản thân mình cùng những người xung quanh.
Lê Phương Thảo (dự thi khối M, đến từ Nam Định) cho biết: "Đề thi Văn năm nay khá bất ngờ, nhất là câu 3 - phân tích hình tượng Lorca trong tác phẩm Đàn ghita của Lorca. Bởi trong chương trình ôn tập, bọn em không ôn tập nhiều phần này.
Lã Thị Hà (trường THPT Lý Nhân Tông, Nam Định) cho biết, thí sinh này cũng đã hoàn thành tốt bài thi của mình. Trong câu 2 về nghị luận xã hội, Hà phân tích cống hiến liên quan đến giá trị vật chất và tinh thần, liên hệ đến hình ảnh những chiến sĩ ngoài đảo xa, ngày ngày chiến đấu bảo vệ đất nước. Bên cạnh đó, Hà cũng phê phán thói vô vảm của các bạn trẻ hiện đại (mà nguyên nhân chính do sự phát triển quá nhanh của internet).
Tại hội đồng thi trường THPT Nguyễn Hữu Thọ (Q.4), điểm thi của ĐH Luật TP.HCM, nhiều thí sinh cũng chia sẻ sự bỡ ngỡ với bài làm văn từ tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông.
Ra khi mới hết 2/3 thời gian, thí sinh Nguyễn Hữu Hậu (quê An Giang, thi Luật dân sự) chia sẻ: “Em chỉ làm được 1 tờ giấy thi vì bài làm văn khá ngắn và không hay lắm".
Đỗ Thị Lan (quê Đồng Tháp, thi Luật quốc tế) cho biết: “Thường thầy cô cho chúng em ôn những bài về chủ đề đất nước, kháng chiến như Rừng xà nu, Những đứa con trong gia đình. Chúng em khá bất ngờ khi đề Văn năm nay lại ra tác phẩm Ai đã đặt tên cho dòng sông. Bài này em hiểu gì làm nấy, chứ không có ôn tập kĩ”.
Như nhiều thí sinh khác, Sinh cũng bày tỏ sự ngỡ ngàng khi bài làm văn nói về tác phẩm của Hoàng Phủ Ngọc Tường. Nhiều thí sinh khác lại than vì câu số 1, yêu cầu giải nghĩa đoạn thơ qua hai từ lảo đảo, thập thững trong tác phẩm Đò Lèn của nhà thơ Nguyễn Duy.
Lê Thị Ngọc Thời (quê Bến Tre) giải thích: "Em ở miền Tây, không biết mặt hai từ này. Em nghĩ hai từ này là phát âm của miền Bắc. Vì vậy nên khó giải nghĩa được”.
Theo Zing.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]