Đánh giá kết quả học tập của học sinh theo tiếp cận năng lực là hoạt động đã quen thuộc với thế giới, nhưng tại Việt Nam, đây lại là vấn đề mới.
Thạc sỹ Trần Thị Thơm cho rằng, chúng ra vẫn thường quen với cách đánh giá truyền thống, đánh giá theo mục tiêu, theo nội dung.
Do đó, khi chuyển sang đánh giá theo tiếp cận năng lực, cả chủ thể và đối tượng đánh giá đều chưa hiểu rõ nội dung, phương pháp, hình thức đánh giá. Thậm chí, có khi còn không ghi nhận sự tiến bộ của hình thức đánh giá mới này.
Vì vậy, để hoạt động đánh giá diễn ra một cách thống nhất, Thạc sỹ Trần Thị Thơm cho rằng cần phải tổ chức các buổi tập huấn để nâng cao nhận thức và góp phần định hướng cách làm đúng đắn về đánh giá theo tiếp cận năng lực cho các thành phần tham gia vào quá trình đánh giá.
Nội dung các buổi tập huấn tập trung làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động đánh giá kết quả học tập theo tiếp cận năng lực, như: Tại sao phải đổi mới hoạt động đánh giá? Những điểm khác biệt giữa đánh giá truyền thống và đánh giá theo tiếp cận năng lực và chúng được sử dụng như thế nào trong suốt quá trình dạy học?
Đặc biệt, phải đưa ra những ví dụ, những minh chứng cụ thể đối với mỗi hình thức và phương pháp đánh giá.
Theo Thạc sỹ Trần Thị Thơm, hiện nay chúng ta đã và đang triển khai nhiều buổi tập huấn về đánh giá kết quả học tập của học sinh theo tiếp cận năng lực. Tuy nhiên, chất lượng những buổi tập huấn này vẫn là vấn đề băn khoăn.
Do đó, để nâng cao chất lượng những buổi tập huấn này, cần có những quy định chặt chẽ trong quá trình tổ chức tập huấn như điểm danh thường xuyên; yêu cầu tham gia thảo luận nhóm nhiều hơn; có hình thức đánh giá kết quả tập huấn một cách chính xác, khách quan.
Đồng thời, sau mỗi đợt tập huấn, những thành viên tham gia cần tổ chức hội thảo, semina hoặc các hình thức báo cáo về kết quả tập huấn để chia sẻ kinh nghiệm.
Tập trung vào phương pháp, kỹ thuật hình thức đánh giá mới
Thạc sỹ Trần Thị Thơm cho biết: Đánh giá kết qua học tập theo tiếp cận năng lực học sinh là hình thức đánh giá mới, có kỹ thuật mới so với cách đánh giá truyền thống. Mặt khác, có nhiều thành phần tham gia vào quá trình đánh giá, trong đó giáo viên là thành phần chính.
Do đó, để nâng cao hiệu quả đánh giá, yêu cầu quan trọng và cần thiết là phải tăng cường bồi dưỡng giáo viên về phương pháp, hình thức và kỹ thuật đánh giá, giúp họ hiểu và có kỹ năng đánh giá thành thạo.
Các hình thức bồi dưỡng có thể là: Tập huấn, hội thảo, tổ chức các cuộ thi viết như viết sáng kiến kinh nghiệm nhằm tập hợp, thu hút những ý tưởng sáng tạo.
Bản thân mỗi giáo viên phải không ngừng nỗ lực cố gắng tìm hiểu, nghiên cứu những kiến thức liên quan đến hoạt động đánh giá theo hướng tiếp cận năng lực.
Bên cạnh đó, đánh giá là một khoa học, do đó, đòi hỏi giáo viên phải có kiến thức, kỹ năng, làm chủ được quá trình đánh giá và phải biết sử dụng nhiều công cụ, phương pháp, nhiều hình thức đánh giá khác nhau.
Phương pháp đánh giá càng đa dạng thì mức độ chính xác trong đánh giá càng cao vì phản ánh khách quan tốt hơn. Trong quá trình đánh giá như vậy, bản thân người giáo viên cũng sẽ nâng cao được năng lực dạy học nói chung và năng lực đánh giá nói riêng.
Đa dạng hóa các hình thức, phương pháp đánh giá
Thạc sỹ Trần Thị Thơm cũng đưa ra các hình thức đánh giá phản ánh năng lực thực hiện của học sinh bên cạnh những phương pháp truyền thống.
Đó là phương pháp đánh giá bằng sản phẩm. Học sinh phải tạo ra sản phẩm cụ thể thông qua vận dụng các kiến thức đã học như bài luận, báo cáo khoa học, báo cáo thực hành, biểu đồ…. Đồng thời, phải tự báo cáo sản phầm của mình; giáo viên sẽ xem xét, đánh giá sản phẩm và quá trình tạo ra sản phẩm đó.
Đánh giá bằng các dự án học tập: Thông qua các dự án học tập giáo viên có thể đánh giá năng lực của học sinh như tìm kiếm, thu thập thông tin, phân tích, tổng hợp, kỹ năng làm việc nhóm, giải quyết các tình huống, các vấn đề…
Đánh giá thông qua thực hiện nhiệm vụ cụ thể: Giáo viên có thể yêu cầu học sinh tiến hành thí nghiệm, đi khảo sát thực tế, tự tổ chức các hoạt động, từ đó quan sát, đánh giá khả năng thực hiện nhiệm vụ của học sinh.
Bên cạnh đó, giáo viên cũng cần tổ chức, hướng dẫn để học sinh biết tự đánh giá, tạo điều kiện để học sinh được đánh giá lẫn nhau. Hoạt động này có thể thực hiện sau khi thảo luận nhóm xong, hoặc các thành viên trong tổ, nhóm đánh giá các bạn khác trong tổ, nhóm của mình.
Bên cạnh các hoạt động đánh giá quá trình như trên, ThS Trần Thị Thơm cho rằng, có thể tăng thêm hứng thú cho học sinh bằng các đề thi mở. Cuối cùng, cần lưu ý, mọi sự đổi mới kiểm tra, đánh giá đều phải làm cho học sinh tích cực hơn, phải dẫn đến sự biến đổi ở người học, không chỉ làm chủ kiến thức kỹ năng mà quan trọng hơn là thay đổi thái độ, niềm tin…
Thực hiện thống nhất với đổi mới quá trình dạy học tích cực
Dạy học là một quá trình hoạt động có tính mục đích, bao gồm các thành tố cơ bản, từ xây dựng mục tiêu, thiết kế nội dung, tổ chức hoạt động dạy học đến kiểm tra, đánh giá.
Do đó, để quá trình đánh giá đạt hiệu quả cao, cần phải tiến hành đổi mới quá trình dạy học một cách tích cực, hợp lý.
Đổi mới quá trình dạy học phải bắt đầu tư sự đổi mới mục đích của quá trình dạy học. Mục đích quá trình dạy học hiện nay là bên cạnh hướng dẫn học sinh tiếp thu kiến thức, kỹ năng, còn cần phải tổ chức cho học sinh thực hiện những hoạt động học tập và trên cơ sở những hoạt động ấy, làm cho học sinh khám phá, trải nghiệm, tương tác, để làm chủ được những tri thức, kỹ năng thay đổi thái độ; trên cơ sở đó, làm thay đổi chính chủ thể là người học.
Dạy học tích cực phải hình thành ở người học năng lực quan sát, thu thập thông tin, năng lực tự đánh giá, năng lực phát hiện, giải quyết vấn đề, năng lực giao tiếp, trình bày miệng, năng lực tạo ra sản phẩm… Tất cả những năng lực ấy đều phải được thể hiện, phản hồi trong quá trình đánh giá.
Phối hợp chặt chẽ giữa phụ huynh và nhà trường
Đánh giá theo tiếp cận năng lực quan tâm đến những gì học sinh làm được thông qua các tình huống, các trường hợp cụ thể trong thực tế. Mặc khác, hoạt động đánh giá phải đảm bảo khách quan, dân chủ.
Do đó, Thạc sỹ Trần Thị Thơm cho rằng, để nâng cao hiệu quả đánh giá, cần phải có sự kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và phụ huynh trong đánh giá, trong đó nhà trường giữ vai trò chủ đạo.
Vai trò của nhà trường trong đánh giá học sinh thể hiện thông qua việc thực hiện đánh giá học sinh trên lớp học, trong quá trình học tập ở trường, về tinh thần, ý thức thái độ học tập, kết quả học tập, năng lực học tập, làm việc.
Với gia đình học sinh, việc phối hợp thực hiện đánh giá thông qua thường xuyên giúp đỡ, theo dõi sự tiến bộ của con em mình; thường xuyên kèm cặp, chỉ bảo, hướng dẫn con em chăm chỉ, tích cực học tập, dần rèn luyện ý thức tự giác học tập.
Đồng thời, kịp thời thông báo cho giáo viên những khó khăn trong học tập mà học sinh gặp phải; phối hợp chặt chẽ với nhà trường giải quyết các vấn đề của học sinh.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]