Để dạy có hiệu quả nhóm bài này, cô Hà chia sẻ 5 bước tiến hành như sau:
Giúp học sinh quan sát và nhận diện nội dung bài học
Đây là bước đầu tiên các em tiếp xúc với bài học, vì vậy, giáo viên có thể dẫn dắt học sinh tìm hiểu nội dung bằng hệ thống câu hỏi:
Bài học nêu lên vấn đề gì? Kết cấu bài học gồm mấy phần, nội dung cơ bản và mối quan hệ giữa các phần? Nội dung nào là quan trọng nhất? Điều em quan tâm nhất trong bài học này là gì?
Tuy nhiên, ở khâu này cần phải lưu tâm với những bài, những phần sách giáo khoa viết chưa phù hợp, thiếu tiện lợi khi sử dụng.
Ví dụ như tiết 62 Nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi và tiết 84 Diễn đạt trong văn nghị luận (Ngữ văn 12, tập 2) các ngữ liệu đưa ra chưa thực sự ích dụng.
Giáo viên có thể trao đổi với học sinh để tìm ra những ngữ liệu phù hợp hơn.
Chẳng hạn ở tiết 62, cô Hoàng Thị Hà chọn các ngữ liệu là các tác phẩm và trích đoạn trong chương trình Ngữ văn 12 ở một số bài vừa học xong (như Vợ chồng A Phủ tiết 55, 56 hoặc Vợ nhặt tiết 60, 61).
Điều đó sẽ vừa giúp cho việc khảo sát ngữ liệu nhanh chóng, thuận lợi vừa phục vụ trực tiếp cho việc ôn tập những tác phẩm quan trọng trong nội dung ôn thi cuối cấp.
Ở tiết 84 Diễn đạt trong văn nghị luận, thay vì sử dụng ngữ liệu là một đoạn văn của Xuân Diệu trong Lời tựa cho tập “Lửa thiêng”, cô Hà cho biết mình chọn những đoạn văn tiêu biểu trong bài làm của trò.
Điều đó sẽ tránh cho học sinh sự xa lạ, khó hiểu, “hàn lâm” và tăng sự gần gũi, sinh động, thiết thực của tiết học
Hướng dẫn học sinh phân tích ngữ liệu
Ở bước này, học sinh tiến hành phân tích, xử lí ngữ liệu theo yêu cầu của giáo viên dưới dạng câu hỏi hoặc bài tập.
Giáo viên có thể dựa vào gợi dẫn trong sách giáo khoa để tạo lập hệ thống câu hỏi khai thác thông tin, xử lí ngữ liệu một cách chi tiết, cụ thể và phù hợp nhất.
Trong khâu này, học sinh cần phát huy tính tích cực, tự tìm hiểu, tự phân tích và rút ra nhận xét mang tính cá nhân.
Với giáo viên, không nên chỉ chú ý đến kết quả phân tích, xử lí ngữ liệu mà còn giúp các em hình thành và rèn luyện cách phân tích và xử lí thông tin
Tổ chức học sinh trao đổi, thảo luận
Giáo viên gọi cá nhân hoặc tổ nhóm trình bày cụ thể kết quả đã tìm hiểu được, đồng thời biện giải cơ sở, con đường đi đến kết quả đó.
Ở phần này, giáo viên nên khuyến khích động viên các em tranh luận, phản biện về các vấn đề, nội dung mà bạn khác đã nêu ra theo gợi dẫn.
Như vậy, sẽ vừa giúp các em rèn luyện khả năng lập luận, nói trước tập thể vừa tìm ra nội dung bài học mà giáo viên không phải quá “khó nhọc”. Đồng thời, qua đó, các em cũng tự rút ra kết luận cho chính mình.
Bổ sung, điều chỉnh và chốt
Những kết luận mà học sinh rút ra là rất quan trọng và cần được trân trọng, cổ vũ, động viên.
Song không phải kết luận nào học sinh tìm ra cũng đã trọn vẹn, chính xác. Vì nhiều vấn đề khoa học nhất là các thuật ngữ, khái niệm các em phải được hiểu chính xác và thống nhất.
Vậy nên giáo viên khi đứng trước kết quả lao động của các em cần phải bổ sung điều chỉnh và chốt một cách đầy đủ, chính xác, ngắn gọn nội dung kiến thức các em cần có trong bài học.
Củng cố, khắc sâu
Mặc dù trọng tâm của bài học là hình thành kiến thức, kĩ năng ở dạng lí thuyết và sẽ có tiết luyện tập phía sau.
Song, giáo viên cũng nên dành một phần thời gian của tiết học để cho các em làm một bài tập ứng dụng nội dung kiến thức vừa được hình thành.
Như vậy, sẽ giúp các em củng cố, khắc sâu hơn lí thuyết và những bài tập còn lại ở tiết luyện tập phía sau các em sẽ giải quyết một cách dễ dàng hơn.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]