Đối với phân khúc BĐS bán lẻ, trong năm 2015, thị trường bán lẻ tại TP.HCM và Hà Nội mỗi nơi ghi nhận thêm 150.000 m2 diện tích thực thuê. Đa số các dự án này được phát triển với diện tích mặt sàn lớn, tích hợp nhiều tiện ích hơn và chi phí đất thấp hơn, nhằm đáp ứng nhu cầu lớn dần của các khu vực ngoài trung tâm.
Tỷ lệ trống của các khu trung tâm thương mại (TTTM) trong TP.HCM dự đoán vẫn tiếp tục duy trì ở mức trung bình 10% nhờ vào các khách thuê chủ chốt.Tương tự tại Hà Nội, tỷ lệ trống ổn đinh ở mức 8 - 9%.Mặc dù nguồn cung sẽ gia tăng, xu hướng tỷ lệ trống này sẽ được giữ vững trong năm 2016.
Theo CBRE Việt Nam, giá thuê trong tương lai sẽ tăng với tốc độ chậm do ngày càng nhiều TTTM khai trương tại khu vực ngoài trung tâm. Các TTTM này đã làm giảm giá thuê trong năm 2015 khoảng 10% so với năm trước đó.
Ở lĩnh vực văn phòng, không có diễn biến nào đáng kể trong năm 2015 vừa qua, với chỉ một tòa nhà Hạng A mới tại TP.HCM (Vietcombank Tower) và không có tòa nào tại Hà Nội.
Trong năm nay, tỷ lệ hấp thụ của TP.HCM sẽ giảm vì không có nguồn cung mới nào được hoàn thành và đồng thời diện tích sàn còn trống trên thị trường cũng rất giới hạn. Nhờ vào đà phục hồi kinh tế và nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tỷ lệ hấp thụ sẽ tăng mạnh từ năm 2017 trở đi khi có thêm nhiều nhu cầu từ các công ty ngoại quốc.
Tăng trưởng nguồn cung văn phòng tại Hà Nội trong 4 năm vừa qua là nguyên nhân chính cho việc giá thuê thị trường giảm. Với tỷ lệ hấp thụ hiện tại chậm hơn so với tốc độ tăng nguồn cung mới, tỷ lệ trống cho các tòa nhà Hạng A được dự báo sẽ tăng bảy điểm, đạt mức 24.7% vào năm 2016.
Ngoài ra, nguồn cung mới Hạng A ở phía Tây và khu vực Đống Đa, Ba Đình sẽ phải chào giá thấp hơn hẳn so với trung tâm để có thể cạnh tranh với các nguồn cung hạng B tương lai gần đấy. Nhu cầu từ việc mở rộng của các tập đoàn đa quốc gia cũng như các công ty địa phương dự kiến sẽ tăng trong một vài năm tới.
Cuối cùng, trên thị trường nhà ở, trong năm 2015 ở các phân khúc có 41.787 căn hộ được ước lượng chào bán tại TP.HCM và 28.283 căn tại Hà Nội.
Phần lớn của những con số này tập trung vào phân khúc “hạng sang,” với chất lượng biến đổi tùy thuộc vào định nghĩa các chủ đầu tư. Các căn hộ hạng sang và cao cấp đã có sự trở lại ngoạn mục nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2012 với 16.674 căn được chào bán, nằm dọc tuyến metro số 1 tại khu Đông của thành phố.
Hà Nội đã ghi nhận được 6.000 căn, với phần lớn các dự án hạng sang và cao cấp tọa lạc tại khu rìa trung tâm và phía Tây. Các tòa nhà này hướng đến khách mua là nhà đầu tư mua để cho thuê lại vì tỷ suất sinh lời cao khoảng 6 – 8%. Ngoài ra, phân khúc bình dân cũng chiếm một phần lớn của nguồn cung được chào bán và là lựa chọn số một cho hầu hết khách mua để ở.
Tỷ lệ tăng trưởng giá dự kiến sẽ đạt đỉnh điểm vào năm 2016. Với người mua ngày càng kén chọn hơn trong khi nguồn cung thì lại dồi dào hơn, chủ đầu tư sẽ phải cẩn trọng trong việc tăng giá để đảm bảo mục tiêu doanh số như kế hoạch đề ra. Giá chỉ tăng chủ yếu nhờ những dự án mới ở vị trí vàng và khu vực trung tâm mở rộng chào ở mức 2.500- 10.000 USD/m2 cho TP. HCM, và khoảng từ 1.600 – 3.500 USD/m2 cho Hà Nội.
Xét về nguồn cầu, tỷ lệ tiêu thụ năm 2016 dự kiến sẽ chậm hơn so với năm 2015, và giảm trong năm 2017 và 2018 cho cả hai thị trường.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]