Tổng Giám đốc CBRE Việt Nam Marc Townsend cho biết, hiện tại người nước ngoài có tâm lý lạc quan vào thị trường BĐS thương mại của Việt Nam vì tỷ suất sinh lời cao.
Bên cạnh đó, các công ty niêm yết có vốn sở hữu 100% của nước ngoài không thuộc lĩnh vực nhạy cảm được phép hoạt động từ ngày 1/9/2015. Điều này sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động thu mua BĐS của nhà đầu tư nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu chiến lược kinh doanh.
Theo ông Marc Townsend, hiện vốn đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore là nguồn vốn tích cực nhất trong lĩnh vực BĐS và tâm lý đầu tư sẽ chỉ tăng lên khi cân nhắc các điều luật mới trên.
Nghiên cứu mới đây của công ty TNHH CBRE Việt Nam cho biết, trong số các nhà đầu tư nước ngoài đang "săn mua" dự án BĐS tại Việt Nam, Nhật Bản đang chiếm vị trí quán quân với 22%, đứng thứ hai là Singapore 17%, thứ ba là Hàn Quốc 14% và Mỹ là 8%...
Điều này cho thấy thị trường BĐS Việt Nam đang thực sự hấp dẫn các công ty Nhật Bản. Thực tế, trong năm 2015 đã có khá nhiều tập đoàn, quỹ đầu tư lớn của Nhật Bản hợp tác đầu tư, M&A các dự án BĐS với các công ty trong nước.
Tổng số vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2015 đã đạt đến con số 1,28 tỷ USD
Nổi bật, Creed Group - một quỹ đầu từ lớn của Nhật có tổng tài sản 5 tỷ USD đang rót vốn mạnh vào BĐS Việt Nam thông qua việc cam kết đầu tư 200 triệu USD vào một doanh nghiệp BĐS tại Tp.HCM.
Được biết, giai đoạn đầu, Creed Group sẽ mua lại 20% cổ phần một công ty BĐS Việt Nam để cùng bắt tay phát triển dự án, ăn chia theo tỷ lệ 50/50. Cùng với đó, cung cấp các khoản vay với lãi suất 5%/năm cho đơn vị này đi mua các dự án để tiếp tục phát triển.
Hay một công ty BĐS trong nước khác là Nam Long trong năm qua cũng đã ký hợp đồng hợp tác với 2 nhà đầu tư khác đến từ Nhật là Nishi Nippon Railroad và Hankyu Realty để phát triển Dự án Flora Anh Đào (quận 9). Thương vụ hợp tác này được phía Nam Long công bố giá trị lên tới 20 triệu USD từ vốn các nhà đầu tư Nhật Bản.
Hiện nay, các công ty Nhật Bản ngày càng quan tâm tới kinh doanh BĐS tại Việt Nam. Vào ngày 23/2, một đoàn công tác của tỉnh Gifu (Nhật Bản) cũng đã tới khảo sát cơ hội đầu tư vào tỉnh Nghệ An. Cụ thể, đoàn nhà đầu tư này đã khảo sát trực tiếp một số khu công nghiệp thuộc Khu Kinh tế Đông Nam. Những nhà đầu tư rất chú trọng tìm hiểu kỹ hơn về chính sách thuế thu nhập doanh nghiệp, miễn tiền thuê đất và hạ tầng tại các khu công nghiệp.
Kết quả khảo sát thực trạng hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Châu Á – Thái Bình Dương do Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) vừa công bố cho thấy, năm 2015 những rủi ro mà doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam phải đối mặt đang ngày càng xấu đi so với năm trước.
Được biết, tổng số vốn đầu tư từ Nhật Bản vào Việt Nam trong năm 2015 đã đạt đến con số 1,28 tỷ USD.
Con số vốn đầu tư của quốc gia này "đổ" vào thị trường BĐS Việt Nam trong năm qua được đánh giá là khá hấp dẫn, đúng với tiềm năng thực tế của thị trường. Cụ thể, vốn Nhật Bản trong năm 2015 chiếm 6% (76 dự án) trong tổng vốn đăng ký đầu tư vào Việt Nam, tương đương 76,8 triệu USD.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]