Vào đầu tháng 7, Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở sửa đổi chính thức có hiệu lực với nhiều quy định thông thoáng cho phép người nước ngoài và Việt kiều được quyền sở hữu BĐS Việt Nam. Ăn theo cú huých tâm lý của chính sách đó, khá nhiều doanh nghiệp bắt đầu tung sản phẩm để thăm dò sự quan tâm của khách nước ngoài.
Điển hình, đêm 1/7, Vingroup đã tổ chức mở bán Vinhomes Central Park dành riêng cho nhóm đối tượng là khách hàng có yếu tố nước ngoài ở Hà Nội và Tp.HCM. Đại gia BĐS này đã thu được kết quả khả quan với 112 căn hộ đã được giới đầu tư nước ngoài đặt mua.
Công tác chuẩn bị từ khá sớm, Dự án Azura tọa lạc gần cầu sông Hàn, Đà Nẵng cũng đã triển khai chiến lược săn khách ngước ngoài mua nhà từ quý II/2015, nghĩa là trước thời điểm những quy định mới có hiệu lực. Nhằm thuyết phục những "thượng đế" ngoại vốn vẫn còn đang băn khoăn về tính công khai, minh bạch của thị trường BĐS Việt Nam, chủ đầu tư đã cam kết khách hàng sẽ được thu được lợi nhuận ngay từ việc sang nhượng những hợp đồng đã có sẵn với thời hạn từ 1-2 năm và được tặng kèm gói nội thất cao cấp. Tới giữa quý II, bên cạnh những giao dịch mua lẻ, một công ty ngoại đặt mua 17 căn hộ dự án này để làm quỹ nhà ở cho các chuyên gia.
Tương tự, Tập đoàn Novaland cũng đã chọn ngày 1/7 để bắt đầu triển khai chương trình 100 căn hộ đầu tiên chào đón người nước ngoài và kiều bào tại 4 dự án: Sunrise City, The Sun Avenue, Lucky Palace, The Botanica. Nhằm câu khách, chủ đầu tư đã tung nhiều ưu đãi: tặng gói dịch vụ hỗ trợ quản lý trong giai đoạn tiến hành hoàn thiện nội thất và gói cam kết cho thuê 8% trong năm đầu tiên. Đặc biệt, doanh nghiệp còn cam kết hoàn tiền mua nhà kèm theo lãi suất phát sinh nếu trong vòng 1 tháng từ thời điểm giao nhà ở, khách hàng vẫn chưa hài lòng về sản phẩm.
Những ông lớn trong ngành BĐS Việt Nam đang bước vào cuộc đưa bán nhà cho người nước ngoài
Dự án The Eastern trên đường Liên Phường, quận 9 đã thu hút nhiều công ty Hàn Quốc xuống tiền mua nhà với chiêu giảm giá 5% cho khách hàng trả toàn bộ giá trị hợp đồng. Thống kê từ bộ phận bán hàng của doanh nghiệp này cho thấy, từ tháng 5 tới giữa tháng 7, mỗi tháng thị trường này hấp thụ 30 căn hộ. Trong đó, 65% là khách hàng Hàn Quốc, 5% khách châu Âu và khách Việt là 30%. Người mua nhà chủ yếu là các công ty, tổ chức đối tác của Samsung để chuẩn bị quỹ nhà ở cho chuyên gia sắp sang nước ta làm việc ở khu công nghệ cao Tp.HCM.
Mới đây (ngày 17/7), tại Hội thảo về những dự thảo nghị định quy định chi tiết Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở, đại diện Công ty Sacomreal cho biết, doanh nghiệp cũng đang từng bước chuẩn bị các chính sách bán sản phẩm, tiến hành khảo sát nguồn cầu, soạn thảo hợp đồng mua bán bằng tiếng Anh và thành lập tổ tư vấn pháp lý riêng dành cho khách nước ngoài.
Theo chia sẻ của ông Yoshida, trưởng đại diện văn phòng của một công ty Nhật có trụ sở tại Tp.HCM, mặc dù hiện tại chưa có ý định mua nhà ở Việt Nam nhưng tương lai có thể ppng sẽ xem xét tới khả năng này và định cư ở đây.
Đặc biệt, vị doanh nhân người Nhật còn đưa ra đề xuất tăng tỷ lệ khách nước ngoài mua nhà từ 30% lên thành 40-50% trong tổng số lượng nhà tại dự án bởi các chuyên gia nước ngoài có nhu cầu nhà ở khá lớn trong thời gian tới. Ông Yoshida cho biết, ông mong sớm có hướng dẫn cụ thể về việc cho người nước ngoài, nhất là giảm bớt thời gian tiến hành các thủ tục để các chuyên gia có thể nhanh chóng định cư ở Việt Nam.
Jonathan Tizzard, Giám đốc bộ phận nghiên cứu và định giá Cushman & Wakefield nhận định, số lượng người nước ngoài mua nhà ở tại Việt Nam hiện này vẫn còn thấp hơn so với tiềm năng của thị trường.
Theo ông Jonathan Tizzard, thống kê của Tổng cục Quản lý Đất đai (Bộ Tài nguyên và Môi trường Việt Nam), tới tháng 11/2014, sau 6 năm thí điểm cho phép khách nước ngoài mua nhà ở, chỉ có hơn 200 người nước ngoài và 580 Việt kiều sở hữu nhà ở trong nước. Như vậy có thể thấy, còn khoảng hơn 80.000 người nước ngoài hiện đang sống và làm việc ở Việt Nam vẫn đang phải đi thuê nhà.
Chuyên gia này cho biết, vấn đề hợp thức hóa, công nhận quyền được sở hữu nhà ở của người nước ngoài sẽ làm tăng lượng khách hàng có nhiều tiềm năng mua nhà ở. Điều đó cũng cho thấy, sự bình đẳng giữa người nước ngoài đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam với người dân trong nước. Điều đó sẽ mang tới nhiều tín hiệu tích cực cho thị trường BĐS, đặc biệt là thị trường tại các thành phố lớn như Tp.HCM và Hà Nội.
Cũng theo ông Jonathan Tizzard, thay đổi quan trọng này của Luật Nhà ở (sửa đổi) đang được cộng đồng nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao và đây chính là điểm cộng trong hoạt động thúc đẩy họ đầu tư vào thị trường BĐS Việt Nam. Trước đó, quy định người nước ngoài được quyền thuê nhà hay nhờ người khác đứng tên trong Giấy chứng nhận sử dụng đất thường mang tới sự rủi ro, chưa kể đến việc tốn kém kinh phí. Nhưng để hỗ trợ đối tượng này có thể sở hữu được nhà, rất cần các cấp chính quyền đưa ra các Thông tư, hướng dẫn cụ thể nhằm minh bạch hóa thông tin, tiết kiệm thời gian và tạo lòng tin nơi họ.
Tiến sĩ Đỗ Thị Loan, Tổng thư ký Hiệp hội BĐS Tp.HCM đã đánh giá cao chính sách nới lỏng cho người nước ngoài và Việt kiều mua nhà tại Việt Nam. Nhưng bà khuyến cáo, các cơ quan soạn thảo Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở cần phải lưu ý tới khía cạnh kiểm định tuổi thọ của tòa nhà chung cư để tránh việc phát sinh tranh chấp về sau.
Bà Loan cho biết, Việt Nam hiện chưa quy định tuổi thọ nhà chung cư trong khi người nước ngoài chỉ được quyền sở hữu nhà ở có thời hạn (50 năm) và có thể được tiếp tục gia hạn thêm. Trường hợp các tổ chức, cá nhân nước ngoài phát sinh giao dịch lần thứ hai, thứ ba trở đi, thời hạn sở hữu nhà ở không được phép vượt quá tuổi thọ của công trình xây dựng đã bị khấu hao dần theo thời gian.
Bà Loan cho biết, nếu không cân nhắc tới yếu tố này, sau này thị trường có thể phát sinh các tranh chấp, điển hình vấn đề thời gian sở hữu nhà ở của người nước ngoài vẫn còn trong khi công trình xây dựng đã quá thời hạn sử dụng, bị hư hỏng, xuống cấp.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]