Trẻ sinh đôi cần cùng một thời gian biểu
Lúc đầu việc này nghe có vẻ khó khăn nhưng bạn phải cố gắng. Bạn càng sớm đưa trẻ sinh đôi vào khuôn khổ thì cuộc sống của bạn sẽ trở nên dễ dàng hơn. Nếu trẻ có thời gian biểu khác nhau, bạn sẽ cần hơn 24 giờ mỗi ngày để chăm sóc chúng. Điều đó sẽ biến bạn thành một bà mẹ bận rộn, lúc nào cũng cáu gắt của 2 đứa trẻ nhặng xị.
Trẻ có thể không đi vào quỹ đạo ngay lập tức nhưng chúng sẽ học cách thích nghi.
Cho 2 bé bú cùng một lúc
Bạn có thể cho 2 bé bú cùng một lúc với nhiều tư thế khác nhau. Có thể dùng khăn bông gấp lại để lên đùi (nếu ở nước ngoài thì có bán loại gối đặc biệt có thể đặt nằm 2 bé để cho bú cùng một lúc) rồi đặt hai bé lên ngang trước ngực.
Có một tư thế khác là kẹp nách hai bé hai bên hoặc một bé thì kẹp nách, một bé thì nằm ngang trước ngực cũng áp dụng được. Hoặc nhờ một người khác trong gia đình bế giúp bớt 1 bé. Bạn cần phải kiên nhẫn và thử nhiều tư thế cho bú để phát hiện ra tư thế nào hợp với mẹ con bạn nhất.
Một điều nên làm nữa là nên luân phiên đổi bên cho mỗi bé sau mỗi lần bú, nhất là khi nhu cầu bú của hai bé không bằng nhau. Tuy nhiên, hơi khó để mỗi lần cho bú bạn lại phải ngồi nhớ xem lần trước bé này bú bên nào, bé kia bú bên nào để có thể đổi ngược lại, nên chỉ cần đổi sau mỗi 24 giờ thôi. Mục đích đổi bên là để cân bằng lượng sữa tiết ra và tránh bị viêm tắc tuyến vú. Ngoài ra, việc đổi bên cũng là một bài tập tốt cho hoạt động nhìn của bé được cân đối.
Cho hai bé bú cùng một lúc còn có ích lợi khác là tiết kiệm được thời gian và sau khi cho bú xong thì có thể dỗ cả hai bé ngủ cùng một lúc. Giả sử khi xuất viện, một bé yếu hơn phải nằm lại, ở nhà bạn nên vừa cho bú một bên đồng thời bơm hút sữa từ vú bên kia để hoạt động tiết sữa của hai bầu vú vẫn liên tục, sẵn sàng chờ đón bé kia xuất viện.
Bạn không cần đồ dùng nào cũng mua 2 chiếc
Có con sinh đôi không có nghĩa là đồ dùng nào bạn cũng phải mua 2 chiếc. Hãy bắt đầu bằng phòng dành cho trẻ. Khi mới sinh, bạn không cần phải sắm tận 2 chiếc cũi. Trẻ sinh đôi mới sinh có thể ngủ trong cùng 1 chiếc cũi. Thực tế trẻ có thể ngủ ngon hơn khi có người khác ngủ cùng. Nhiều cha mẹ tách trẻ sinh đôi ra 2 chiếc cũi riêng ngay khi trẻ bắt đầu tập lẫy và va vào nhau; trong khi 1 số cặp vợ chồng vẫn để trẻ sinh đôi trong cùng 1 chiếc cũi cho tới khi trẻ sẵn sàng ngủ ở giường.
Khi đi mua đồ cho trẻ sinh đôi, hãy dự trữ bỉm, tã lót (vì trẻ dùng rất nhiều), khăn tắm, khăn ăn và chăn.
Dỗ bé sinh đôi ngủ
Cho các bé đi ngủ cùng một lúc sẽ thành thói quen tốt cho bé và giúp bạn có thêm thời gian nghỉ ngơi. Nếu các bé có giờ ngủ chênh nhau, chúng sẽ không ngủ yên giấc và làm náo loạn cuộc sống của bạn.
Khi cho bé ngủ, trước đó nên cho bé được tắm nước ấm, cho bé vào giường rồi kể truyện, ôm ấp, âu yếm bé, xoa lưng, nói chuyện thì thầm với bé. Nếu bạn kiên nhẫn cho bé vào nếp theo giờ giấc, bé sẽ hiểu ra “đã đến giờ ngủ, phải nghe lời mẹ thôi”.
Nên bọc trẻ sơ sinh trong chăn tã, hoặc hữu hiệu hơn cả là trong những chiếc áo cũ của mẹ, vì mùi hương của người mẹ giúp cho bọn trẻ cảm thấy yên tâm, ấm áp và ngủ yên giấc hơn. Không nên đợi đến khi bé ngủ rồi mới đặt bé vào nôi mà nên đặt bé vào nôi khi bé chỉ mới gà gật buồn ngủ thôi. Và cũng không nên đu đưa bé cho đến khi bé ngủ mới thôi.
Các nhà tâm lý học khuyên nên cho các trẻ sinh đôi ngủ cùng với nhau vì bọn trẻ sẽ cảm thấy dễ chịu nếu được nằm chung, chạm vào người nhau, thậm chí chúng còn ôm lấy nhau hoặc mút tay của nhau nữa. Thường thì trong 3 tháng đầu nên cho 2 trẻ sinh đôi nằm ngủ chung trong một nôi, sau đó thì tách ra nhưng cố gắng sắp xếp sao cho chúng vẫn nhìn thấy nhau dù là nằm riêng trong 2 nôi.
Quấy khóc ban đêm, dỗ bé nào trước?
Thường thường bạn hay lao đến đứa bé đang quấy khóc trước mà bỏ quên đứa đang nằm yên lặng ngoan ngoãn. Các nhà tâm lý khuyên chúng ta làm ngược lại: tức là phải đến với đứa bé đang nằm ngoan trước và kiểm tra, đặt chúng nằm yên ổn trước, sau đó mới đến với bé đang khóc. Lý do là vì đứa bé ngoan sẽ có nguy cơ cảm thấy thiếu thốn tình thương của mẹ, và thường các trẻ sinh đôi không cảm thấy khó chịu với tiếng khóc lóc quấy rối của nhau bao giờ, vì vậy bạn không phải sợ rằng đứa bé đang khóc sẽ làm thức giấc anh/em của nó.
Nếu bạn tự nhiên thấy thương một bé hơn bé kia?
Điều này cũng thường xảy ra, nhất là khi có một bé yếu hơn phải nằm lại bệnh viện, bạn có nhiều thời gian bên bé ở nhà hơn, bạn sẽ thấy thương bé ở nhà hơn. Hoặc ngược lại, bạn thấy thương đứa bé ốm yếu hơn. Khi đó, bạn nên sớm nhận ra tình cảm của mình nhằm cân bằng lại để cho các con của mình một niềm yêu thương, quan tâm chăm sóc bằng nhau. Việc cho con bú sẽ nhanh chóng dệt nên mối dây liên quan mật thiết giữa mẹ và con, san bằng mọi cách biệt.
Trẻ sinh đôi có thể giống nhau nhưng thực chất là 2 cá thể khác nhau
Một điều quan trọng cần được hiểu về việc chăm sóc trẻ sinh đôi đó là chúng là những cá thể khác nhau. Cho dù trẻ sinh đôi nhà bạn giống hệt nhau thì bạn không nên so sánh chúng với nhau. Mỗi đứa trẻ có điểm mạnh và điểm yếu, có sở thích và sở ghét riêng. Bạn cần khuyến khích những khác biệt của trẻ sinh đôi để giảm đến mức tối thiểu sự cạnh tranh và so sánh.
Trẻ sinh đôi thường có tính cách trái ngược nhau; chúng yêu cầu những thứ khác nhau từ bố mẹ. Nuôi dạy trẻ sinh đôi cần rất nhiều “mánh khóe”. Là bố mẹ của trẻ sinh đôi, bạn có thể nhanh chóng học được cách thức xử lý và nuôi dưỡng trẻ.
Theo V.H (Tổng hợp) - Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]