Ảnh minh họa: Internet
Có lẽ bạn sẽ không biết phản ứng như thế nào vào lần đầu tiên con bạn hét lên “Con ghét mẹ!” hoặc “Để con yên!”, chỉ đơn giản là bởi bạn không hề mong đợi con sẽ có thái độ như vậy cho đến tuổi thanh thiếu niên.
Trẻ ở độ tuổi đi học thường không biết cách miêu tả cảm xúc bản thân, do đó chúng có thể thốt ra câu nói đầu tiên chúng nghĩ đến hoặc lặp lại một cụm từ mà chúng nghe được ở đâu đó, Tiến sĩ Cathy Mavrolas thuộc bệnh viện La Rabida Children's Hospital ở Chicago (Mỹ) cho biết. Không may là điều này, đi kèm với mong muốn được độc lập, nhu cầu khẳng định bản thân và thử nghiệm các giới hạn dẫn đến việc con có thể dùng các từ ngữ, lời nói gây tổn thương và khiến bạn phiền muộn. Sau đây là những câu nói như vậy:
“Con ghét mẹ!”
Con nói như vậy không có nghĩa là con thực sự ghét bạn. “Con chỉ đang cố gắng nói rằng “Con rất buồn”, “Con cảm thấy tức giận”, …”, Tiến sĩ Mavrolas giải thích. Cảm nhận của con có thể không phải do bạn gây ra, nhưng con bộc lộ cảm xúc với bạn bởi bạn là một mục tiêu an toàn.
Lúc này, thay vì phản ứng lại, bạn hãy giúp con tìm từ để diễn đạt suy nghĩ. Như vậy, con sẽ không dùng câu “Con ghét mẹ!” như một câu mặc định, Kurt Klinepeter thuộc trung tâm y tế Wake Forest Baptist Medical Center ở Mỹ cho biết. Sau khi con bình tĩnh lại, hãy giải thích với con rằng “ghét” là một từ có thể gây tổn thương người khác.
"Thật không công bằng!"
Khi con nói câu này, con đang cảm thấy bị lừa dối. Trẻ em luôn muốn mọi thứ công bằng, do đó, chúng thường nghĩ đến khái niệm “công bằng” và “bất công”, Tiến sĩ Mavrolas giải thích. Nếu bạn không cho con ăn bánh trong khi con nghĩ rằng mình xứng đáng được ăn hoặc một đứa trẻ khác được cho phép chơi game mà con không được chơi, con sẽ có suy nghĩ rằng mình đang bị đối xử tàn tệ.
Vào lúc này, hãy ngăn bản thân bạn nói rằng “Cuộc đời luôn bất công”. Tiến sĩ Mavrolas khuyên rằng bạn nên thừa nhận những lời con nói nhưng vẫn giữ nguyên quy tắc của mình. Ví dụ, bạn có thể nói “Mẹ hiểu rằng con cảm thấy bất công, nhưng con không thể ăn thêm bánh nữa vì chúng ta không muốn bụng con no căng trước bữa tối”, hoặc “Có vẻ không công bằng khi Aaron được chơi game, nhưng mỗi gia đình đều có những quy tắc khác nhau”.
“Không ai thích con cả”
Điều này có thể là do con không được tham gia một hoạt động nào đó hoặc đang gặp rắc rối với bạn bè. Hòa nhập là một điều vô cùng quan trọng đối với trẻ ở độ tuổi đi học, do đó nếu con bạn cảm thấy bị “ra rìa”, con có thể nghĩ rằng cả thế giới đều chống lại mình, Tiến sĩ Nancy S. Buck – tác giả cuốn “How to Be a Great Parent” (tạm dịch: “Làm sao để trở thành một ông bố, bà mẹ tốt”) cho biết.
Bạn hãy hỏi con điều gì xảy ra ở trường mà khiến con buồn như vậy. Khi con tâm sự, hãy động viên và cho con thấy bạn thực sự đồng cảm với con. Nếu con nói rằng bạn Molly không chơi với con, bạn không cần thiết phải dàn xếp một buổi đi chơi cho 2 đứa trẻ hoặc nói chuyện với bố mẹ của Molly. Thay vào đó, bạn nên để con tự giải quyết vấn đề. Tuy nhiên, nếu con không thể kết bạn với ai hoặc cứ liên tục nói rằng không ai thích mình, bạn nên nói chuyện với giáo viên để hiểu rõ hơn tình hình, đồng thời giúp con tham gia vào những hoạt động cùng bạn bè đồng trang lứa.
“Hãy để con yên!”
Con không muốn bạn cứ lảng vảng bên cạnh trong khi con đang cố ghép hình hoặc con cảm thấy bạn đang làm gián đoạn thời gian chơi để bắt con làm một việc gì đó, như dọn phòng chẳng hạn. Nhưng điều này không có nghĩa là con không yêu bạn.
Không có điều gì sai khi con muốn có thêm không gian riêng tư, bạn chỉ cần dạy con những cách lịch sự hơn để thể hiện điều đó. Hãy nói cho con biết nói rằng “Để con yên” hoặc “Bố mẹ đi đi” là không ổn chút nào, nhưng con có thể nói “Con muốn có không gian riêng tư” hoặc “Con có thể chơi thêm 10 phút rồi mới dọn phòng được không?” Khi con xin được có thời gian riêng tư một cách lịch sự, hãy cố tôn trọng yêu cầu của con vào mọi lúc có thể.
“Con ghét chính mình”
Câu nói này không phải là dấu hiệu cho thấy con bạn kém tự tin, mà chỉ đơn giản là do con đang cảm thấy chán ghét bản thân vì một lý do nào đó. Có thể con cảm thấy như vậy vì một người bạn cùng lớp làm được điều gì đó mà con không thể làm hoặc vì con vô tình làm hỏng món đồ chơi ưa thích.
Đừng làm to chuyện nếu chuyện này không xảy ra thường xuyên. Vào lúc này, bạn có thể nói: “Có vẻ con đang rất thất vọng. Đã xảy ra chuyện gì ngày hôm nay vậy?” Nếu con không trả lời, hãy dành cho con không gian riêng tư. Còn nếu con bộc bạch, hãy giải thích rằng tất cả chúng ta đều có thời điểm cảm thấy thất vọng về bản thân. Hoặc bạn có thể nói với con rằng mỗi người đều giỏi một mặt nào đó, đồng thời để con tìm mặt mạnh của bản thân. Sau đó hãy giúp con sửa câu nói “Con ghét chính mình” thành “Con cảm thấy bản thân thật tệ vì …” Giúp con vượt qua sự thất vọng về bản thân sẽ giúp con được trang bị tốt hơn khi phải đối mặt với những thử thách tiếp theo trên đường đời.
Theo Ngọc Khanh - Yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]