Với hầu hết các mẹ có con nhỏ thì dao và các vật sắc, nhọn nói chung đồng nghĩa với nguy hiểm, nên phải luôn luôn để xa tầm tay của các con. Nhà mình cũng không ngoại lệ, cả Cua và Cá đều được “cảnh cáo” rằng không bao giờ được đụng đến dao, kéo với bất cứ lý do gì, nếu không mẹ sẽ phạt rất nặng. Đó là cách mình đảm bảo an toàn tuyệt đối cho lũ trẻ. Thế nhưng với Yomiko - cô bạn người Nhật của mình thì lại khác. Cuối tuần vừa rồi mình có ghé qua nhà cô ấy vài ngày trong chuyến du lịch cùng gia đình. Yomiko cũng có con trai cùng tầm tuổi với bé Cá, nhưng cách cô ấy bảo vệ con thật khác biệt. Trái ngược với mình, cô ấy thường để thằng bé đối đầu với nguy hiểm để biết cách tránh xa nó. Và mình đã hết sức ngạc nhiên trong khi mọi người trò chuyện, bé Souta (thường gọi là Tôm hùm) – con trai của Yomiko được mẹ thản nhiên nhờ lấy dao để gọt trái cây.
Điều mình ngỡ ngàng là bé Souta mới có hơn 4 tuổi – nhỏ hơn cả bé Cua nhà mình, thế mà lại được mẹ cho làm những việc nguy hiểm như vậy. Lúc ấy mình thậm chí đã thốt lên: “Cậu không thể cho con làm vậy được, thằng bé có thể sẽ bị thương đấy!”. Nhưng cô bạn chỉ mỉm cười rất bình thản: “Đừng lo lắng như thế, thằng bé sẽ không sao đâu”. Dường như với mẹ con Tôm hùm thì việc này lại có vẻ rất bình thường, và đã diễn ra nhiều lần hay sao ấy.
Cậu bé nhanh nhẹn mang được dao lên và còn trổ tài bổ cam rất “điệu nghệ” nữa. Thấy mình vẫn tròn mắt vì sửng sốt, cô bạn liền giải thích: “Đó là vì mình đã dạy Tôm hùm cách sử dụng dao đấy! Sẽ không còn quá nguy hiểm nếu bọn trẻ ý thức được điều đó và biết cách xử lý với dao thế nào cho an toàn”. Thật chẳng bù cho mình, hễ nhìn thấy con “xớ rớ” lại gần mấy đồ dao kéo nguy hiểm đó là lập tức quát tháo và xua con ra chỗ khác chơi ngay. Vậy mà còn có lần con bị đứt tay khóc ré lên vì lén mẹ nghịch dao đấy thôi. Xem ra mẹ Tôm hùm có vẻ thiếu thận trọng quá! – mình thầm nghĩ.
Bé được mẹ hướng dẫn dùng dao. (Ảnh minh họa)
Thế nhưng Yomiko kể rằng, ở Nhật, không chỉ cô ấy mà rất nhiều mẹ khác cũng dạy con cách sử dụng dao từ bé. Lý do của họ là: dao sẽ càng nguy hiểm hơn nếu lũ trẻ không biết dùng chúng như thế nào, và không nhận thức được nó dễ gây tai nạn ra sao. Bởi chúng ta không thể để mắt tới các con 24/24 được, hay có thể “giấu” tất cả những thứ dễ gây nguy hiểm đó đi. Nên bọn trẻ vẫn dễ dàng có cơ hội tiếp xúc với dao, kéo hay các vật sắc nhọn khác. Và không ngạc nhiên nếu ngay sau đó chúng khóc ré lên vì chảy máu. Điều đó thật đáng sợ! Vì thế, để tránh cho con gặp phải những tai nạn như vậy thì tốt hơn là hãy “đào tạo” cho chúng một cách bài bản!
Hơn nữa, tâm lý của bọn trẻ là luôn thấy tò mò nhiều hơn với những thứ chúng bị cấm động tới; nên thay vì ngăn cản, mẹ hãy mở bức màn đó ra. “Giống như ở Việt Nam các mẹ hay đùa nhau rằng: “Vẽ đường cho hươu chạy còn hơn để chúng chạy lung tung” vậy” – Cô bạn mình cười lớn giải thích. Mình lại một lần nữa tròn mắt ngạc nhiên vì khả năng nói tiếng Việt hơi bị “siêu” của Yomiko, dù trước đây cô ấy chỉ sống ở Việt Nam có vài năm.
Quay lại vấn đề “dao kéo”, thấy mình vẫn e dè trong cách nhìn nhận chuyện này, mẹ Tôm hùm “giãi bày” thêm: “Ngoài mục đích giúp con tránh được tai nạn trong những trường hợp cần thiết, học cách sử dụng dao còn giúp bé xây dựng lòng tự tin, góp phần hình thành tính độc lập và ý thức giúp đỡ người khác nữa.
Tất nhiên, để con không gặp nguy hiểm, mình sẽ phải cho bé tiếp xúc một cách chậm chạp, từ từ và từng bước một. Bài học đầu tiên là an toàn, mình phải luôn để bé hiểu rằng, dao không phải đồ chơi vì nó dễ dàng gây thương tích nếu sử dụng không đúng cách. Và con chỉ được dùng nó khi có sự giám sát của người lớn mà thôi. Thứ hai, trong trường hợp phải di chuyển dao, hãy luôn nhớ là đóng nắp hoặc bọc kín nó trong một chiếc khăn vải dày. Như thế con sẽ không bị thương nếu chẳng may vấp ngã.
Tiếp đến là cách cầm dao, mình chỉ cho bé nơi có thể cầm vào, cũng như phần lưỡi sắc nhọn không bao giờ được chạm đến. Souta sẽ được thực hành trên một con dao nhỏ, mình giải thích rằng như thế sẽ phù hợp với bàn tay con hơn khi bé thắc mắc rằng tại sao không được cầm dao lớn như mẹ. Mình hướng dẫn con những cách cầm cán dao đúng nhất, và để bé tự chọn tư thế mà bé cảm thấy thoải mái hơn.
Bé được rèn thói quen dọn dẹp mọi thứ sau khi sử dụng. (Ảnh minh họa)
Khi Tôm hùm đòi giúp mẹ bổ trái cây, mình sẽ hỏi con muốn bổ quả gì trước. Vì mỗi loại quả có độ cứng, mềm, dai… khác nhau và hình dạng cũng thế, nên cách xử lý chúng không hề giống nhau. Tuy nhiên, mình “giao hẹn” với con là luôn phải rửa sạch, lau khô và đặt lên một mặt phẳng thật chắc chắn trước khi bổ chúng. Nếu không sẽ rất dễ bị cắt vào tay khi trái cây trượt đi. “Công đoạn” này diễn ra khá lâu, và mình phải hết sức kiên nhẫn, tỉ mỉ để giải thích cho con về những tình huống có thể xảy ra, kiểu: “Nếu con làm cách này thì sẽ thế nào, cách khác thì sẽ ra sao,…” Cũng có đôi khi mình để bé tự “trải nghiệm” từng bước một, thay vì hướng dẫn con cách đúng nhất ngay từ đầu. Như thế bé sẽ tự rút ra được nhiều “kinh nghiệm” hơn, chẳng hạn như làm thế nào thì có được kết quả tốt nhất, và làm thế nào thì có thể bị đứt tay,… Mỗi lần như vậy Tôm hùm lại cảm thấy vô cùng hào hứng.
Mình cũng dạy cho con cách vệ sinh dao, kéo sau mỗi lần sử dụng, và cất chúng về chỗ cũ như thế nào nữa. Nên giờ Tôm hùm có thể làm việc một cách rất gọn gàng, luôn chuẩn bị mọi thứ trước và tự dọn dẹp sau khi hoàn thành. Giờ bé cũng trở nên tự tin hơn rất nhiều sau khi nhận ra rằng: “Dao sẽ không nguy hiểm khi dùng đúng cách”. Từ đó bé cũng rất chăm giúp mẹ nấu nướng, và mừng hơn là chưa khi nào con bị thương tích gì cả.
Tất nhiên, để được như vậy là cả quá trình dài mẹ hướng dẫn, giám sát bé một cách tỉ mỉ. Vì trẻ con không thể áp đặt hay dùng lí lẽ với chúng được. Mẹ luôn luôn nhớ phải dạy bé từng bước, từng bước, và giúp con nhận ra thế nào là đúng, thế nào là không nên,… giống như hình thành một thói quen cho bé vậy. Cũng vì không bị cấm nữa nên mỗi lần muốn làm gì đó với dao con đều tự giác hỏi ý kiến mẹ trước. Điều đó khiến mình an tâm hơn nhiều ….”
Nghe cô bạn kể lại mà mình cứ mắt tròn mắt dẹt. Đúng là cũng có lý các mẹ nhỉ. Có lẽ mình phải học tập thôi, chứ như mình lo con gặp nguy hiểm nên cứ “cấm tiệt” như thế hóa ra chẳng tốt chút nào. Bởi có lẽ vì tò mò và không biết cách sử dụng nên Miu nhà mình mới bị đứt tay đấy, chứ bé Souta nhà Yomiko vừa biết giúp mẹ lại chẳng hề bị thương bao giờ. Mình sẽ nghiên cứu và áp dụng phương pháp của mẹ Yomiko thôi, còn các mẹ thấy sao?
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]