Thuộc bảng chữ cái
Không ai phủ nhận rằng bảng chữ cái là một trong những bài học cơ bản mà trẻ cần phải biết. Đây là nền tảng cho việc học đọc, viết và thậm chí là cả làm toán sau này. Vì vậy, việc học nhận biết chữ cái ở tuổi mẫu giáo là cực kỳ quan trọng.
Nghiên cứu cho thấy khi bắt đầu học mẫu giáo, trẻ chỉ biết rất ít chữ cái (không phải là ngữ âm). Vậy nên hãy tranh thủ dạy trẻ đọc bảng chữ cái ở bất kỳ thời điểm nào. Có thể hát, đọc bảng chữ cái khi đi đường, trong phòng tắm hay bất cứ lúc nào có thể.
Các hoạt động khác giúp củng cố khả năng ghi nhớ mặt chữ là cho trẻ sắp xếp các chữ cái gắn trên tủ lạnh trong khi đọc bảng chữ cái. Có thể thiết kế trò chơi giấu các chữ cái ở trong phòng, cho trẻ tìm 5 chữ mỗi lần. Khi trẻ tìm ra thì cũng đồng nghĩa với khả năng ghi nhớ được củng cố. Trò chơi này chỉ thích hợp với những trẻ sẵn sàng học chữ.
Ngoài việc ghi nhớ mặt chữ, cũng cần giúp trẻ luyện âm bằng cách đọc to và tìm từ bắt đầu bằng chữ cái đó. Có thể bắt đầu bằng những chữ cái có trong tên của trẻ.
Biết đánh vần
Dạy trẻ cách đánh vần là hướng dẫn trẻ cách tách từ và từ đó được tạo bởi những âm như thế nào, cách sử dụng chúng ra sao. Đây là những kỹ năng quan trọng không kém.
Gieo vần là một trong những kiến thức ngôn ngữ cơ bản và rất thiết thực, hỗ trợ trẻ học đọc hiệu quả sau này.
Luyện đánh vần ở nhà bằng cách dạy trẻ đánh vần các từ, đọc sách cho trẻ dưới dạng đánh vần và hỏi những câu hỏi về cách đánh vần từ đó như thế nào.
Nhuần nhuyễn các kỹ năng vận động
Các hoạt động của trẻ mẫu giáo như tô màu, cắt dán, vẽ không chỉ là cách giúp tăng cường sự khéo léo của đôi bàn tay mà những hoạt động này còn giúp trẻ rèn luyện những kỹ năng vận động quan trọng. Tại sao những kỹ năng này lại quan trọng? Chúng sẽ giúp phát triển cơ tay, vốn rất cần thiết cho việc cầm bút chì, viết rõ ràng và cắt giấy/vải… chính xác sau này.
Học một loại nhạc cụ như piano cũng sẽ hỗ trợ các kỹ năng vận động ở trẻ.
Nắm vững phép xã giao
Tuổi mẫu giáo là môi trường đầu tiên giúp trẻ tiếp xúc với thế giới bên ngoài vì thế những bài học giao tiếp cơ bản rất quan trọng, thậm chí nó càng quan trọng khi ở nhà.
Ai cũng muốn con mình là một đứa trẻ lịch sự. Vì thế những kỹ năng như kiên nhẫn, nói nhỏ, hỏi lịch sự, giúp đỡ, hòa nhã, biết nói “ạ” và cảm ơn… là những bài học cần được thường xuyên trau dồi tại nhà. Bởi chúng đóng vai trò cực kỳ quan trọng cho cuộc sống sau này của trẻ.
Hiểu sự khác biệt giữa đúng - sai, chấp nhận và tôn trọng quy tắc
Đối với con trẻ, trước khi vào học mẫu giáo, số người mà chúng giao tiếp chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhưng khi vào mẫu giáo, các mối quan hệ được mở rộng và mọi thứ bỗng nhiên thay đổi. Trẻ sẽ gặp gỡ nhiều bạn đồng lứa hơn, đồng thời, bước đầu được rèn vào khuôn phép, thực hiện những quy định mà trường lớp đã đề ra. Do đó, dạy trẻ phân biệt được đúng - sai giúp trẻ nhanh chóng hòa nhập, thích nghi với môi trường mới.
Có thể chơi độc lập hoặc chơi theo một nhóm nhỏ mà không cần sự giám sát liên tục
Với 20 bé hoặc hơn trong một lớp học, mỗi bé thích học và chơi theo cách riêng thì một giáo viên mầm non khó lòng để mắt được đến tất cả các bé.
Chia sẻ, trò chuyện và chơi cùng bạn với thái độ thiện chí mà không cần sự nhắc nhở, nịnh nọt của người lớn
Trẻ phải được dạy cách chia sẻ đồ dùng học tập, đồ chơi. Đặc biệt, một đứa trẻ khi chơi cùng bạn rất hòa hiếu, thiện chí đó là một đứa trẻ có khả năng thành công lớn trong tương lai, vì chúng biết cách kiểm soát và lấy lòng người khác.
Sự thật, không dễ để một nhóc tì vốn luôn coi mình là tâm điểm biết sẻ chia với người khác. Sẻ chia là kỹ năng khó và bạn cần dạy trẻ làm chủ càng sớm càng tốt.
Theo Hà Linh (Tổng hợp) - Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]