Người cha thụ động
Yêu con nhưng luôn nghĩ mình không thể chăm con, đó là điển hình của những người đàn ông thuộc kiểu cha thụ động. Từ chuyện chọn bỉm gì cho con, để con ăn sữa gì đến chuyện khi nào đưa con đi tiêm, lúc nào cho con vào mẫu giáo….tất cả những việc này các ông chồng đều để vợ quán xuyến. Thực ra những ông bố này cũng muốn giúp vợ chăm con, tuy nhiên, họ chỉ làm khi được vợ sai bảo, nhờ cậy cụ thể.
Người cha nóng tính
Không kiên nhẫn với con cái thì khó có thể nuôi dạy con nên người. Những người cha thuộc kiểu nóng tính, mất kiên nhẫn này hay thường quát tháo con trẻ mỗi khi bị trẻ “đeo bám”, hỏi khó hay khi dạy con nhưng con không hiểu. Chúng ta nên nhớ, dạy trẻ cần nhất phải có lòng kiên nhẫn. Nếu người cha thường xuyên quát nạt con lâu dần sẽ khiến trẻ tự ti với bản thân mình, cho rằng mình chưa đủ tốt, chưa đủ thông minh, từ đó dẫn đến cảm giác không muốn cố gắng.
Người cha thích bạo lực
Làm cha thì nên nghiêm khắc, nhưng đừng bao giờ nghiêm khắc bằng đòn roi. Đánh con không khiến con hiểu ra vấn đề, cũng không khiến con “tâm phục khẩu phục” mà thậm chí còn phản tác dụng. Nguy cơ lớn nhất sẽ làm tổn thương về thể chất của con. Thêm vào đó, trừng phạt về thể chất sẽ tạo khoảng cách về sự tin tưởng của con đối với cha. Khi bị phạt, trẻ có thể sợ nhưng trong tâm lý vẫn ngấm ngầm chống đối. “Yêu cho roi cho vọt” không còn đúng với ngày nay và những ông bố thích bạo lực với con cái cần phải chấm dứt ngay lập tức.
Người cha thiếu kỷ luật
Những ông bố lười biếng trong việc đặt ra kỷ luật dạy dỗ con mình cũng có nghĩa họ đã tạo ra một "tên quỷ nhỏ" cho người thân, thầy cô và bạn bè của bé. Đừng để con xem ngôi nhà như một “hành tinh nhảy” cả, bởi như thế, bé sẽ đối xử với ngôi nhà chẳng khác nào một đồ chơi của mình và mặc sức mà quậy phá tanh bành.
Trẻ con nên được dạy dỗ để đối xử tốt không chỉ với mọi người mà còn với cả đồ vật. Có những đứa bé ngỗ nghịch đến mức thường xem chiếc ghế so-fa đắt tiền trong nhà như tấm bật lò xo và trêu chọc bạn bè bằng những từ ngữ rất tệ... Nếu bố không răn đe, kỷ luật con mình, thì một ai khác sẽ làm điều đó và như thế chẳng hay chút nào.
Người cha ca ngợi con quá mức
Bố mẹ nào cũng đều muốn giúp con mình sống tốt và tự tin, nhưng điều này đôi khi thường bị quá đà. Xây dựng cho một đứa trẻ sự tự tin là tốt, nhưng không phải bằng cách khen ngợi quá lên mỗi khi bé đạt được một thành tích gì đó. Bạn hãy thể hiện sự công nhận những cố gắng và kết quả tốt mà con đạt được, nhưng hãy có chừng mực đủ để con có động lực tiếp tục phát huy chứ không phải cảm thấy mình hơn người.
Người cha áp đặt
Trẻ con dù còn bé nhưng vẫn đã là một cá thể riêng, có suy nghĩ, mơ ước, và một tương lai riêng. Cha mẹ không nên hướng cách ăn mặc như người lớn lên trẻ con. Chỉ vì giấc mơ được giàu có của cha mẹ, không có nghĩa là họ để đứa con gái bốn tuổi của mình ăn mặc như một “quý bà thành đạt”; tương tự như việc đàn hay, vẽ giỏi - đó là thứ bố mẹ muốn chứ chưa chắc đã phải là ý thích của con.
Tất nhiên bạn hãy dạy con về đam mê, giới thiệu cho con về cuộc sống, nhưng hãy tôn trọng lựa chọn của con chứ đừng nên chủ quan nghĩ điều gì là tốt mà bắt con mình phải theo.
Người cha “vô hình”
Lấy lý do bận công việc, kiếm tiền để không tham gia vào bất cứ việc chăm sóc và nuôi dạy con cái nào, đó là đặc trưng của những người cha “vô hình”. Nếu cứ vắng mặt trong cuộc sống của con, đương nhiên những ông bố này cũng đừng hy vọng con sẽ có tình cảm với mình. Khi sợi dây liên kết cha con lỏng lẻo, sự tương tác và nói chuyện không sâu sắc, tất yếu đứa trẻ lớn lên sẽ có cảm giác không thích bố, thậm chí ghét bỏ.
Vậy làm thế nào để là một người cha tốt?
Trân trọng người mẹ của con mình:
Một trong những điều tốt nhất người cha có thể làm cho con mình đó là trân trọng mẹ của con. Nếu hai người đã kết hôn, hãy giữ cho cuộc hôn nhân vững bền và hạnh phúc. Ngay cả nếu hai người không sống bên nhau, điều rất quan trọng là ta vẫn cần trân trọng và giúp đỡ mẹ của đứa trẻ. Khi người bố và người mẹ tôn trọng lẫn nhau và để cho trẻ thấy được điều đó, sẽ tạo nên một môi trường an toàn và yên ổn cho trẻ. Khi đứa trẻ thấy cha mẹ mình trân trọng nhau, chúng cũng sẽ cảm thấy chính mình được chấp nhận và được trân trọng hơn.
Dành ra thời gian để ở bên con:
Dưới con mắt của trẻ, cách bố sử dụng thời gian thể hiện điều gì là quan trọng với bố. Nếu chúng ta luôn tỏ cho con thấy bố quá bận rộn, con sẽ cảm thấy mình không được quan tâm, coi trọng, bất kể ta có nói thế nào đi nữa. Dành thời gian cho lũ trẻ luôn đồng nghĩa với việc cánh đàn ông chúng ta phải hy sinh một vài điều khác, nhưng điều đó là căn bản và tối cần thiết. Lũ trẻ lớn lên rất nhanh, những cơ hội một khi đã mất đi sẽ mất đi mãi mãi.
Thường xuyên có những bữa cơm gia đình:
Cùng ăn với nhau (ăn sáng, ăn trưa, ăn tối….) là một phần quan trọng cho một cuộc sống gia đình hạnh phúc. Ngoài việc giúp giữ cấu trúc rõ ràng cho một ngày bận rộn, không để công việc chen lấn các phần khác của cuộc sống, những bữa ăn đó còn mang đến cho lũ trẻ cơ hội được nói về chúng, chúng đã làm gì, muốn làm gì. Đó là thời điểm tuyệt vời để chúng ta có thể lắng nghe và đưa ra những lời khuyên. Quan trọng nhất, đó là thời gian để cả gia đình có thể ở bên nhau mỗi ngày.
Nhận thức rằng công việc của một người bố không bao giờ hoàn thành:
Ngay cả khi con cái đã trưởng thành, chúng vẫn hướng về người bố để tìm đến những lời khuyên và sự thông thái từ ông. Bất kể đó là việc nên học tiếp hay không, một công việc mới, hay một đám cưới tới gần, người bố luôn tiếp tục đóng một vai trò quan trọng trong cuộc sống của con cùng với việc chúng lớn lên, và có thể, tiến tới hôn nhân và xây dựng gia đình riêng của chúng.
Luôn giữ lời:
Khi răn đe con rằng chúng sẽ bị phạt nếu cứ làm việc A hay việc B, hoặc đã hứa hẹn gì với con, bạn hãy theo đến cùng lời nói của mình. Cả việc hứa thưởng lẫn hứa phạt, nếu không được thực hiện thì đều không hay. Hãy để con hiểu thế nào là "đã nói là làm", thế nào là chữ tín. Nếu bạn không giữ lời, con sẽ cho rằng những gì bạn nói chẳng có gì là nghiêm túc cả, và thế thì làm sao bạn dạy được con mình đây?
Phạt trẻ một cách yêu thương:
Tất cả những đứa trẻ đều cần sự chỉ bảo và đôi khi là nguyên tắc cứng rắn, nhưng không phải là để trừng phạt, mà là để đặt ra những giới hạn hợp lý. Hãy nhắc nhở con về hậu quả có thể xảy ra từ những hành động của con, và dành cho con những phần thưởng ý nghĩa nếu chúng thể hiện như mong đợi. Những người cha nghiêm khắc một cách điềm tĩnh và công bằng chính là đang thể hiện tình yêu của mình dành cho con.
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]