Trẻ được nhà sư hướng dẫn quét nhà tại Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên. Ảnh: K.A
5 năm, tu sinh tăng lên 20 lần
Có một thực tế hiện nay là ngày càng nhiều phụ huynh nhận ra rằng, thay vì việc cho trẻ về quê hoặc ép trẻ chạy xô theo những lớp học hè, nhiều bậc cha mẹ lại gửi con lên chùa theo học khóa tu để nghe giảng dạy về Phật pháp, biết cách tu thiền, nhận biết các giá trị của yêu thương… Chính vì thế mà số lượng học sinh tham gia các khóa tu mùa hè ngày một tăng cao, thường năm sau cao gấp đôi năm trước. Nhiều chùa không đủ cơ sở vật chất và nhân lực nên đã phải thông báo hạn chế số lượng học sinh đến tu học.
Tại chùa Hoằng Pháp (xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn, TP HCM) khóa tu mùa hè đầu tiên chỉ có khoảng 300 em thì khóa thứ 2 đã lên đến hơn 700 em. Khóa thứ 3 hơn 1.700 em. Khóa thứ 4 hơn 3.000 em. Khóa 5 hơn 6.000 em… Do nhu cầu gửi con em đến chùa tu học quá lớn dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng vì điều kiện cơ sở, nhân lực ở chùa có hạn nên ban tổ chức không thể đáp ứng hết nhu cầu của các em. Mới đây ban tổ chức của nhà chùa thông báo, khóa tu mùa hè năm 2014 này sẽ chỉ nhận 3.000 em để đảm bảo chất lượng một cách tốt nhất. Đây là khóa tu mùa hè đặc biệt dành riêng cho sinh viên, bắt đầu tu học từ ngày 15/6 và kết thúc ngày 22/6/2014.
Ở miền Bắc, Thiền viện Trúc lâm Tây Thiên (xã Đại Đình, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc) là địa chỉ mà các phụ huynh tin tưởng gửi gắm con em mình trong suốt 5 năm qua. Năm 2014 này, để tổ chức khóa tu mùa hè một cách có hiệu quả, ban tổ chức đã tổ chức thành 7 khóa. Khóa 1 dành cho 60 em. Khóa 2 dành cho 200 tu sinh nam từ 11 đến 13 tuổi (hạn nhận hồ sơ từ mùng 5 – 8/6, khai giảng ngày 9/6, bế giảng 14/6). Khóa 3 cũng dành cho tu sinh nam từ 14 đến 17 tuổi (hạn nhận hồ sơ từ 13-15/6, khai giảng 16/6, bế giảng 21/6). Khóa 4 dành cho 200 tu sinh nam trên 18 tuổi (hạn nhận hồ sơ từ 19-22/6, khai giảng 23/6, bế giảng 28/6). Khóa 5 dành cho 200 tu sinh nữ từ 11 đến 13 tuổi (hạn nhận hồ sơ từ 26-29/6, khai giảng 30/6, bế giảng 5/7). Khóa 6 dành cho 200 tu sinh nữ từ 14 đến 17 tuổi (hạn nhận hồ sơ từ 3 - 6/7, khai giảng 7/7, bế giảng 12/7). Khóa 7 dành cho 200 tu sinh nữ trên 18 tuổi (hồ sơ nhận từ 11-13/7, khai giảng ngày 14/7, bế giảng 19/7).
Trẻ được học gì?
Theo Thượng tọa Thích Chân Tính, trụ trì chùa Hoằng Pháp, tham gia các khóa tu mùa hè, trẻ sẽ được gặp và giao lưu với bạn bè bốn phương, sinh hoạt Phật pháp, lắng nghe pháp thoại về chữ hiếu, ân nghĩa sinh thành, tham gia các trò chơi dân gian thật thoải mái sau những ngày học thi căng thẳng, thi biểu diễn văn nghệ. Đặc biệt, tham gia các khóa tu mùa hè, trẻ sẽ được thực tập thiền định, trải nghiệm về tâm linh, khơi dậy những tiềm năng tư duy và sáng tạo của các em, học kỹ năng giao tiếp chuẩn mực để ứng dụng vào đời sống hàng ngày.
Các khóa tu mùa hè ở một số chùa còn kết hợp với các bài học để rèn kỹ năng sống như kỹ năng cứu hộ, cứu nạn, kỹ năng sinh tồn, vượt qua khó khăn, học võ, học hát… Sự kết hợp các bài học về kỹ năng sống tạo cơ hội cho trẻ được hoạt động, đáp ứng được nhu cầu ưa hoạt động của trẻ.
Theo Thượng tọa Thích Bảo Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội đồng trị sự Trung ương Giáo hội phật giáo Việt Nam, tham gia các khóa tu mùa hè ở chùa chính là cơ hội để trẻ được tiếp cận với môi trường thiền định của đạo Phật. Gõ mõ và thiền là hai phương pháp mà các tu tập sinh khi bước vào sinh hoạt trong môi trường này đều được học. Đọc kinh giúp trẻ biết lắng nghe, thanh lọc tâm hồn. Thiền giúp trẻ giải tỏa được căng thẳng, tìm lại sự bình an…
Năm điều phụ huynh cần lưu tâm
1.Không nên giao phó hẳn cho nhà chùa trong trường hợp trẻ hư. Phụ huynh nên trao đổi trực tiếp với sư trụ trì hoặc ban tổ chức khóa tu hè về trường hợp của con mình để có sự phối hợp một cách tốt nhất với nhà chùa trong việc quản lý, giáo dục các em.
2. Làm công tác tư tưởng cho con trước khi gửi con lên chùa. Khơi gợi những điều lợi lạc, vui vẻ để trẻ hào hứng thích thú, tự nguyện tham gia khóa học.
3. Cha mẹ không tự ý đem con về giữa chừng. Phụ huynh cũng cần thực hiện những cam kết với nhà chùa. Bản thân các phụ huynh phải biết tôn kính nhà sư, tôn kính Phật pháp thì việc cho con theo học sẽ có hiệu quả hơn.
4. Khi mang đồ dùng, quần áo, vật dụng cho con cần tuân thủ quy định của nhà chùa. Quần áo kín đáo nhưng đủ rộng để phù hợp với sự vận động của các em. Tránh mang áo sát nách, quần đùi, không mang điện thoại di động, máy MP3, Ipad, không cho con giữ tiền riêng…
5. Gia đình học sinh nên lưu giữ các số điện thoại của chùa, để lại số điện thoại của gia đình cho nhà chùa để tiện cho việc liên lạc.
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]