Chúng ta hãy cùng xem hai ví dụ về cách học của bé tuổi mẫu giáo:
Bé Na, 2 tuổi, đang có khoảng thời gian tuyệt vời bên chiếc máy đồ chơi phát ra tiếng loài vật. Khi âm thanh “ò ó o” vang lên, bé liền kêu to “Con gà, con gà!” đồng thời chỉ vào bức hình chú gà trên máy. Trong máy còn có các trò chơi khác như nhận diện màu sắc, con số và hình dạng. Cho đến nay, Na đã biết được đến hơn 20 con vật và 30 màu tất cả.
Trong khi đó, bé Bi, 3 tuổi, và bố đang “cắm trại” trong phòng. Bi đóng vai bố, còn bố thì đóng vai con. Hai “bố con” dựng lều bằng cách trải những tấm trải giường ra, rồi giả vờ nhặt củi, đốt lửa trại, chuẩn bị bữa tối, hát hò rồi đi ngủ.
Theo bạn, hoạt động nào trên đây có ích hơn trong việc chuẩn bị hành trang cho bé đến trường? Không có gì sai khi bé Na học màu sắc và con vật cùng với máy cả, nhưng buổi cắm trại tưởng tượng của bố con Bi mới thật sự hữu ích hơn cho việc tiếp nhận tri thức.
Khi nghĩ về năng lực trí óc, ta thường liên tưởng ngay đến trí thông minh và tri thức. Nhưng những gì thật sự giúp bé sẵn sàng cho việc học hành, và cả cuộc sống sau này nữa, là một loạt kỹ năng mà các nhà tâm lý gọi là “chức năng điều hành” (executive function). Có thể bạn chưa nghe thuật ngữ này bao giờ nhưng nó lại là một trong những phần quan trọng nhất trong quá trình phát triển trí não của trẻ nhỏ. Chức năng điều hành được chia thành 4 loại kỹ năng tổng quát:
Tập trung – chú ý, duy trì và thay đổi khi cần thiết;
Kiểm soát sự thôi thúc – khả năng kiềm chế, không phải lúc nào cũng làm hay nói ra điều đầu tiên xuất hiện trong suy nghĩ;
Vận hành bộ nhớ – kỹ năng giữ và sử dụng những ý nghĩ phức tạp trong trí óc;
Lên kế hoạch – có khả năng lên kế hoạch và thực hành một chuỗi hoạt động để đạt mục đích hoặc giải quyết vấn đề, và điều chỉnh kế hoạch nếu hoàn cảnh thay đổi.
Buổi cắm trại tưởng tượng đã mang lại cho Bi cơ hội luyện tập hầu hết những kỹ năng này. Bi tham gia hoạt động này có thể chỉ đơn giản vì bé cảm thấy hứng thú; nhưng nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng với trẻ chuẩn bị đến trường, những kỹ năng “chức năng điều hành” quan trọng trong việc giúp bé sẵn sàng hơn là chỉ số IQ hay khả năng đọc và làm toán.
Bạn nghĩ đó là nói ngoa ư? Không đâu, vì nhiều nghiên cứu cho thấy những bé 4 tuổi có thể chờ 15- 20 phút trước khi ăn một cái kẹo dẻo mà bé được mời (đây là kỹ năng kiểm soát sự thôi thúc), thì khi được 12-14 tuổi sẽ có khả năng học tốt hơn so với những bé không thể đợi đến 2 phút; không chỉ có thế, những bé này còn gặp ít rắc rối về hành xử hơn và đáng tin cậy hơn. Có nghĩa là, chức năng điều hành không chỉ trang bị cho bé hành trang đến trường mà còn cả vào đời nữa.
Giáo dục hay để bé phát triển tự nhiên?
Một chuyên gia đã nhiều năm nghiên cứu về chức năng điều hành của trẻ mầm non, Giáo sư Adele Diamond ở trường đại học British Columbia, Vancouver, sử dụng một hoạt động để đánh giá khả năng kiểm soát sự thôi thúc gọi là “Nhận diện ngày/đêm.” Trẻ được cho xem một chuỗi thẻ với những hình mặt trời, mặt trăng, ngôi sao. Bé sẽ phải nói “ngày” khi thấy hình mặt trăng, ngôi sao, và ngược lại, nói “đêm” khi thấy hình mặt trời – trong khi rõ ràng ý nghĩa đúng hoàn toàn ngược lại. Hoạt động này yêu cầu bé phải kiềm chế phản xạ tự nhiên để trả lời “đúng”.
Trẻ 4 tuổi gặp rất nhiều khó khăn với hoạt động này và những hoạt động tương tự; vì thật khó để bé kiềm chế sự thôi thúc đưa ra câu trả lời mà bé biết là “đúng”. Nhưng sau khi cho xem thẻ, nếu các nhà nghiên cứu hát một bài hát ngắn buộc bé chờ vài giây, bé sẽ đưa ra nhiều câu trả lời đúng hơn, và càng lớn bé lại càng chơi trò này giỏi hơn.
Điều hay ho về chức năng điều hành là nó bị tác động nhiều bởi giáo dục, kinh nghiệm và sự tương tác hơn là trí thông minh. Rất khó để thay đổi chỉ số IQ, nhưng bạn có thể tác động đến khả năng tập trung của bé để bé nỗ lực học tập hơn và liên kết ý tưởng này với ý tưởng khác.
Tuy nhiên bạn cũng cần cẩn trọng! Mặc dù kiềm chế và chú ý là những điều chúng ta hay liên tưởng tới khi nghĩ đến những đứa trẻ ngoan ngoãn, nhưng chức năng điều hành không nên bị lẫn lộn với sự phục tùng. Hỗ trợ sự phát triển của chức năng điều hành không phải là ép con trẻ phải tuân theo lời người lớn, rồi bé sẽ cứ ngồi im lặng và lắng nghe. Thay vào đó, hãy giúp con học cách giải quyết vấn đề hay cách để đạt được mục tiêu, để bé sẽ cảm thấy hài lòng khi làm thế chứ không phải vì sẽ được nhận phần thưởng hay khỏi bị phạt.
Theo Zingnews
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]