Thay vì dọa dẫm con hay đổ lỗi cho người khác, hãy giải thích sự thật với con. Ảnh: Bé Lý Bội Viên - Ngôi Sao Nhí.
Nếu không muốn nghe con cái nói dối, thì tôi phải luôn luôn nói sự thật với con. Nếu tôi muốn con cái tin tưởng tôi, thì tôi phải luôn luôn tin tưởng con cái. Chỉ có sự thật mới đem lại niềm tin! Những bài học đó, tôi đã học được từ con trai mình.
Đơn giản là nói sự thật!
Khi con chơi đùa, con có thể bị ngã, bị đau và con khóc… việc của tôi không phải là bế con đi chỗ khác thú vị hơn, chỉ cho con một cái gì đó hấp dẫn hơn, càng không phải bịa ra một đối tượng đáng sợ hơn để con nín khóc.
Việc của tôi là nói cho con biết sự thật chuyện gì đã xảy ra:
- Con ngã à? Vì con đang đi đôi giày của mẹ.
- Con bị đau tay à? Vì con đã sờ vào cánh quạt đang quay, nó làm tay con đau đấy.
- Con sợ tiếng máy hàn à? Đó là chiếc máy dùng để hàn kim loại, khi hoạt động nó phát ra tiếng kêu to vậy đấy con à.
Mọi sự thật đều đơn giản thế thôi, nhưng không ít người đã khuếch đại nó lên bằng cách nói với con trẻ rằng: "Ôi ôi mẹ xin lỗi, mẹ đánh chừa đất này, mẹ đánh tường này, làm con mẹ đau hả?” hoặc là” có con voi kìa, ông kẹ đi ngang kìa, đứa nào khóc ổng bỏ vào bao mang đi đấy”.
Giữ lời hứa với con
Giữ đúng lời giao hẹn, giữ đúng những nguyên tắc chính là chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa niềm tin và xây dựng nhân cách cho con.
- Khi tôi nói “Mẹ đi lấy quần áo khô vào, 5 phút là xong, mẹ quay lại liền” thì đúng 5 phút sau tôi quay lại, dù quần áo chưa lấy xong hoặc chưa kịp cất vào tủ.
- Khi tôi nói “Bây giờ không ăn kẹo, sau khi con ăn cơm xong con sẽ được ăn 2 viên kẹo sữa mà con thích” thì cho dù con có gào khóc giãy giụa thì 2 viên kẹo đó cũng không xuất hiện trước giờ cơm. Sau khi bữa cơm của con kết thúc, cho dù con không nhắc tôi, tôi vẫn lấy cho con 2 viên kẹo như đã hứa, và cũng chỉ đúng 2 viên, không nhiều hơn.
- Khi tôi cần ra ngoài, tôi cũng nói thật với con về chuyến đi. Nói với con tôi sẽ đi đâu, đi bao lâu thì về. Và tôi thực hiện đúng như lời tôi nói. Nói 1 tiếng về thì 1 tiếng về, nói 1 ngày về thì 1 ngày về.
Không ít bố mẹ nói với con “Mẹ đi một chút mẹ về” rồi mẹ đi mấy tiếng đồng hồ mới về. Hay ngăn cản con“Không được ăn cái này thêm nữa” nhưng khi con nài nỉ nhõng nhẽo, lại đưa thêm cho con. Hay khi bố mẹ ngồi ở nhà nhưng lại nói trong điện thoại là “Tôi đang họp ở công ty”.
Con cái chúng ta giỏi lắng nghe và quan sát, chúng sẽ thu thập thông tin từng chi tiết nhỏ, cuối cùng tổng hợp được “chân lý” rằng:
- Muốn cái này không được, chỉ cần gào to lên là được. Muốn cái kia không được, chỉ cần khóc ăn vạ cho giỏi vào là được.
- Sự chờ đợi chẳng có ý nghĩa gì vì người lớn sẽ không quay lại như lời họ nói.
- Sự thật là thế này, nhưng nói sai sự thật… cũng chẳng sao.
Theo - Yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]