Tạo cho trẻ tính tự lập khi bước vào học phổ thôngTạo cho trẻ tính tự lập khi bước vào học phổ thông
Tự tin là một trong những tính cách rất cần thiết của mỗi người để vươn tới thành công. Với cha mẹ ai cũng muốn con lớn lên tự tin và có khả năng tự lập. Tuy nhiên, đôi khi trong cách giáo dục của mình, cha mẹ lại không nhận ra mình đang làm những điều ngược lại.
Cha mẹ học hộ con
Hiện nay, chuyện phụ huynh làm bài thay cho con đang học tiểu học khá phổ biến. Phần lớn trong số họ không đủ kiên trì để hướng dẫn trẻ tự làm, hoặc thiếu phương pháp nên không thể giảng giải cho con hiểu, vì thế nhiều người đã làm hộ bài tập cho con. Bên cạnh đó, cộng thêm tâm lý ăn thua, muốn con điểm cao để khỏi thua kém bạn bè là tình trạng khá phổ biến.
Vợ chồng anh Thịnh (Thái Hà, Đống Đa, Hà Nội) có con học lớp 5, các môn bé đều khá, riêng Văn lại “ì ạch”. Không muốn con vì một môn mà giảm kết quả học tập, anh Thịnh thường cùng vợ làm giúp.
Bé nhà anh hôm nào có bài văn cứ thế chép nguyên xi vào vở. Tuy nhiên, để làm sao văn người lớn giống văn của trẻ con anh chị đã khá vất vả, nào tìm trên mạng, đọc thêm sách tham khảo để học cùng con..
Trường hợp khác là bé Hùng học lớp 5 Trường Tiểu học Thịnh Liệt (Hà Nội) rất sợ môn thủ công nhất là đan lát, rồi khâu vá đột mau, đột thưa.
Mỗi lần cô giáo cho làm sản phẩm ở nhà, rồi mang lên lớp tính điểm bao giờ cậu cũng nhờ bố mẹ làm giúp. Mẹ của Hùng với suy nghĩ: “Quan trọng là con học giỏi những môn chính.
Mấy môn phụ này, làm hộ là chuyện thường ngày ở huyện”. Thế nên, đến khi thi học kỳ, cu cậu loay hoanh không biết cắt, dán khiến điểm thủ công không đạt bởi lâu nay cu cậu đều nhờ mẹ làm.
Tạo sự thụ động ở trẻ
Theo cô giáo Phạm Thị Hồng Vân, Trường Tiểu học Dịch Vọng A (Hà Nội), “việc làm bài hộ con chẳng những không giúp trẻ học khá hơn mà còn khiến trẻ bị hổng kiến thức khi có thể bỏ qua việc tư duy, tìm hiểu cách làm mà vẫn có điểm tốt. Mặt khác, điều này dẫn tạo cho trẻ tâm lý ỷ lại, và coi trọng điểm số hơn bản thân việc học”.
Hiện nay, nhiều mô trường học cũng chú trọng tới việc “trao quyền” cho học sinh để rèn cho các em thói quen tự lập, tự chủ ngay trên ghế nhà trường như một cách hỗ trợ cùng gia đình tạo nên một “liều kháng sinh” để chống bệnh thụ động cho học sinh. Tuy nhiên, giáo dục nhà trường phải có sự kết hợp với giáo dục gia đình thì mới hiệu quả.
Theo cô Hồng Vân, thay vì làm hộ, cha mẹ nên cố gắng giảng cho con về phương pháp để bé tự làm. Nên chấp nhận việc bé có điểm số không như mong muốn trong một thời gian, vẫn khuyến khích động viên vì đó là điểm thực chất của bé, và khen ngợi khi có tiến bộ dù nhỏ.
Giúp trẻ tự lập để sớm thành tài
Thạc sĩ tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, Công ty Ứng dụng khoa học tâm lý Hồn Việt chia sẻ: “Một mâu thuẫn lớn của các bậc phụ huynh là luôn đòi hỏi con cái trưởng thành, “tự lập” sớm nhưng mặt khác lại tìm cách “làm hộ” con cái, thậm chí là can thiệp, chỉ đạo từ những điều nhỏ nhặt nhất như chuyện mặc, chuyện chơi, chuyện học.
Cha mẹ không biết rằng cứ làm hộ con, vô tình đã tước đi của con cơ hội được học hỏi những kỹ năng cuộc sống và sự hài lòng khi được độc lập, khiến trẻ nhút nhát và thiếu tự tin khi bắt đầu những công việc mới, những môi trường mới trong tương lai, thậm chí còn gây cho trẻ thói quan sống ích kỷ, ỷ lại vào người khác”.
Theo ThS tâm lý Hoàng Minh Tố Nga, nhiều phụ huynh không đủ kiên nhẫn cũng như không có phương pháp phù hợp nên thường tặc lưỡi làm giúp con, đó là một sai lầm.
ThS Nga khuyên: “Cha mẹ tuyệt đối không làm thay mà cần tin tưởng vào năng lực của trẻ. Đối với những trẻ có thói quen được nuông chiều, mới đầu có thể trẻ sẽ không quen, nhưng cha mẹ không nên đánh, mắng trẻ mà hãy hướng dẫn và có thể làm mẫu, sau đó để trẻ tự làm. Khi trẻ thực hiện thì cần khuyến khích, khen ngợi, lòng tự tin của trẻ sẽ được tăng cao”.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]