Ảnh minh họa: Internet
Nếu bạn cho con tiền, có thể con sẽ ăn rau nhiều hơn. Tuy nhiên, điều này có phải là một phương pháp đúng đắn?
Nghiên cứu cho thấy rằng trả tiền để con ăn hoa quả và rau xanh thực sự hiệu quả mà lại không tiêu tốn nhiều tiền. Các nhà nghiên cứu đã tăng được lượng tiêu thụ trái cây và rau quả tới 80% bằng cách cho những đứa trẻ 5 cents (tương đương 1000 đồng). Và nếu bạn cho trẻ 25 cents thì hiệu quả còn hơn thế nữa. Nghiên cứu này được tiến hành trong thời gian ăn trưa tại 15 trường học khác nhau. Tuy nhiên, khi tham khảo ý kiến của các bậc phụ huynh, tôi nhận ra rằng ít người đồng tình với quan điểm này. Trả tiền để khuyến khích con ăn rau khiến các bậc cha mẹ cảm thấy khó chịu, nhưng điều này có tệ hơn các loại “tiền hối lộ” khác mà cha mẹ vẫn thường xuyên sử dụng với con mình?
Thực tế, vấn đề không phải là ở “khoản tiền hối lộ”. Vấn đề là làm như vậy nghĩa là chúng ta đang động viên con hành xử sai trái. Thay vì cố gắng thúc đẩy con ăn nhiều hơn, chúng ta nên dạy trẻ thưởng thức việc ăn rau. Nếu bạn trả tiền để con ăn rau, được thôi, nhưng hãy trả tiền để trẻ ăn một miếng duy nhất và gọi nó là “miếng ăn hạnh phúc”. Hoặc bạn có thể trả tiền để trẻ thưởng thức một loại rau mới nhưng đừng bắt con không được nhè ra.
Nói về thói quen ăn uống lành mạnh, bí quyết ở đây là tỷ lệ: ăn thực phẩm lành mạnh nhiều hơn các loại thực phẩm kém lành mạnh. Trái cây và rau quả đều đứng đầu trong danh sách các loại thực phẩm lành mạnh, do đó, hãy để trái cây và rau quả chiếm phần lớn trong chế độ ăn của trẻ. Các bậc cha mẹ cần dạy con tuân theo tỷ lệ này, như vậy mới đảm bảo sức khỏe cho con mình. Nếu bạn bắt con ăn nhiều rau, nhưng đồng thời con cũng ăn nhiều thực phẩm kém lành mạnh, vậy thì đâu có ích gì, phải không?
Hầu hết các bậc cha mẹ mà tôi biết không dạy con mình khái niệm tỷ lệ, có thể vì họ chưa nghĩ đến điều này hoặc vì họ cho rằng đây là một khái niệm khó. Nếu bạn cũng suy nghĩ như vậy, thay vì giải thích dài dòng với con, bạn có thể nói đơn giản rằng: “Chúng ta sẽ ăn nhiều rau quả hơn là ăn bánh kẹo”.
Vậy làm thế nào “miếng ăn hạnh phúc” hoặc “ăn rồi nhè” có thể giúp bạn đạt được mục tiêu về tỷ lệ? Câu trả lời rất đơn giản, đó là loại bỏ áp lực. Chính áp lực đã khiến trẻ phản kháng lại việc ăn rau và không thử các loại rau mới. Ngoài ra, 2 phương pháp này còn khiến con không cảm thấy bị bắt ăn rau và mang đến cảm giác dễ chịu trong bữa ăn giữa bạn và con. Việc ăn rau quả lúc này sẽ tựa như một bài tập mà trẻ có thể dễ dàng giải được.
Thử và học cách thích những món ăn mới, đặc biệt khi đó là trái cây và rau quả có thể là một thách thức với trẻ. Bí quyết để trẻ chịu ăn rau quả và cảm thấy thích thú, không phải là tập trung vào “lượng”, mà là nhấn mạnh mức độ tiếp xúc. Việc trẻ ăn nhiều hay không không quan trọng, quan trọng là trẻ có thường xuyên ăn hay không. Đừng cố bắt con ăn thật nhiều mà hãy cố để con thích ăn thực sự, và cũng đừng chỉ tập trung đến bữa ăn trước mắt mà quên đi việc tạo dựng thói quen ăn uống lâu dài. Nếu bạn làm được như vậy, điều này sẽ rất có ích cho con trong tương lai.
Theo Ngọc Khanh - Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]