Giáo dục con nhận thức về giá trị của đồng tiền và việc tiết kiệm sẽ giúp con tránh được những quan niệm sai lầm về tài chính.
Đã bao giờ bạn nghe con hỏi: “Tại sao tiền lại đổi được sữa, đổi được đồ chơi?”. Có rất nhiều ý kiến trái chiều về vấn đề dạy con cách tiêu tiền. Nhiều phụ huynh cho con tiêu tiền từ rất sớm, cũng có nhiều người lại không bao giờ nói chuyện về tiền bạc với con. Vậy dạy con về tiền thế nào cho đúng? Có nên cho trẻ tiền tiêu? Cho bao nhiêu thì phù hợp?
Ngay cả không phải là chuyên gia, bạn vẫn có thể cho con một nền tảng tài chính cơ bản. Điều này có thể mang đến một khởi đầu tài chính tốt cho trẻ trong tương lai.
Nhiều bố mẹ thẳng thừng từ chối “không” gần như ngay lập tức khi nghe con yêu cầu “Con có thể mua thứ kia không?”. Đây không phải là câu trả lời tích cực dành cho trẻ. Nếu con muốn thứ gì đó, hãy cùng con lập một kế hoạch nho nhỏ để đạt được mục tiêu. Ví dụ cuốn truyện tranh giá 10.000đ thì mỗi ngày con để dành 2.000đ, trong 5 ngày con sẽ mua được cuốn truyện đó.
Cho trẻ tiền không hề xấu, quan trọng là bố mẹ cần cùng con lên danh sách những gì muốn mua và dạy con cách tiêu tiền có trách nhiệm.
2. Hãy bắt đầu từ lợn đất
Bắt đầu kế hoạch chi tiêu của trẻ bằng một con lợn đất. Trẻ sẽ ý thức được “tài sản cá nhân” của mình và sẽ biết “cân nhắc” các khoản chi tiêu hợp lý. Mỗi ngày cha mẹ sẽ cho con một khoản tiền nho nhỏ để bỏ lợn. Con sẽ phải tự tính toán xem món đồ mình cần mua sẽ tốn bao nhiêu tiền và phải để dành trong bao nhiêu ngày. Rõ ràng để con nhận thức về tầm quan trọng của đồng tiền và việc khó khăn kiếm tiền như vậy sẽ tốt hơn chỉ nói với con: “Cha mẹ kiếm tiền vất vả lắm”. Lời nói gió bay như thế chắc con chỉ để lọt vào tai trái rồi đi ra tai phải mà thôi.
3. Làm sẽ được trả công
Trẻ con thì không thể kiếm tiền, quan niệm nay không hẳn đúng. Để trẻ hiểu rõ được tầm quan trọng của tiền bạc thì việc dạy con cách kiếm tiền là điều cần thiết.
Cha mẹ nên phân loại công việc giao cho trẻ. Những công việc đơn giản như: Gấp quần áo giúp cả nhà sẽ được trả công, nhưng nếu chỉ gấp quần áo của con thì sẽ không có tiền công vì đó là nhiệm vụ. Khi con cùng bà giúp việc dọn bàn ăn, lau bát, tưới cây, cho mèo ăn… sẽ được trả tiền, nhưng khi bà giúp việc nghỉ, con giúp mẹ thì sẽ không có công vì đó là chia sẻ việc nhà với mẹ”. Đây là phương pháp khuyến khích tinh thần lao động và trách nhiệm của trẻ với đồng tiền.
4. Tính toán chi tiêu hiệu quả
Khi dẫn con vào siêu thị, chắc hẳn con muốn mua tất cả ngay lập tức. Cha mẹ nên dẫn con đi một vòng để so sánh giá cả giữa các mặt hàng và chỉ cho con thấy nên chọn hãng nào, ưu điểm của từng món đồ ra sao. Cách này sẽ giúp con tính toán và lựa chọn ra sản phẩm phù hợp nhất.
“Bố mẹ hoàn toàn có thể mua cho con những đồ chúng thích. Nhưng để con tự mua bằng tiền tiết kiệm sẽ khiến con có trách nhiệm hơn với từng đồng tiền mình kiếm được” – chị Hoài Thu (Q.10, Tp. Hồ Chí Minh) chia sẻ.
5. Chia sẻ những vấn đề tài chính với con
Một điều không kém phần trong quan trọng trong việc dạy trẻ cách tiêu tiền tiết kiệm, đó là bố mẹ phải làm gương cho trẻ. Giải thích với con rằng tại sao cần phải tiết kiệm, chi tiêu trong gia đình hàng ngày cần thiết như thế nào, hỏi ý kiến con mỗi khi cần mua món đồ mới… Những điều này sẽ cho trẻ thấy mình được tôn trọng và là một thành viên người lớn trong gia đình.
Cha mẹ cũng cần dạy con biết thương yêu đùm bọc những người có hoàn cảnh khó khăn hơn mình như ủng hộ người nghèo, quyên góp cho đồng bào miền Trung lũ lụt…
6. Chuẩn bị hành trang cho tương lai
Chuẩn bị tài chính cho tương lai của con là điều bất cứ bậc cha mẹ nào cũng quan tâm. Cha mẹ cũng nên chia sẻ với con vấn đề này, phân tích cho con hiểu trong tương lai con cần những gì và cần thiết được chuẩn bị ngay từ hôm nay. Hãy nói với con: “Đã đến lúc con tự tiết kiệm cho tương lai của mình. Thay vì tiêu xài hoang phí, những khoản tiền con kiếm được sẽ gửi vào ngân hàng để lớn lên đóng tiền học”.
Hãy cùng con mở một tài khoản gửi góp. Ngoài số tiền cha mẹ bỏ ra, hãy khuyến khích con trích “quỹ” từ lợn đất của mình để cùng tiết kiệm. “Tôi mở một tài khoản tiết kiệm gửi góp Yêu thương cho con tại OceanBank. Mỗi lần đi gửi tiền, tôi đều dẫn con theo và để bé tự ký tên lên giấy nộp tiền. Như thế, bé sẽ hiểu được ý nghĩa của việc tiết kiệm cho tương lai và ý thức hơn trong việc tiêu tiền” – chị Ngọc Minh (Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ. Tiết kiệm gửi góp không chỉ là một bài học tích lũy dành cho con mà còn là một phương pháp lâu dài và thông minh chuẩn bị hành trang cho con trong tương lai.
Theo Giadinh
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]