Trẻ em rất sáng tạo. Hãy xem người lớn chúng ta đã giết chết sự sáng tạo của các con như thế nào?! Ảnh: Internet.
Đó là một trong những điều tôi nghe được trong một lần đến đón con sớm và xin phép cô được vào tham dự một giờ học vẽ cùng các con – những bạn nhỏ lớp mẫu giáo bé, xin nhắc lại là lớp “mẫu giáo bé”. Và dưới đây là những câu chuyện mà tôi đã được nghe.
Các con ngồi ngay ngắn quanh hai chiếc bàn tròn. Trên bục tủ phía xa là một bức tranh mẫu của cô. Cô mỹ thuật vừa đứng vẽ lại theo bức tranh mẫu, vừa nói thành lời hướng dẫn các con. Xong việc “làm mẫu” một lúc, cô giáo đến gần con gái tôi và bảo: “Sao con lại vẽ khung màu cam, phải tô màu đen chứ”, vừa nói cô vừa rút cái chì sáp màu cam ra khỏi tay con bé và ấn vào tay con một chiếc bút màu đen”, rồi cô quay đi, không giải thích gì thêm.
Trong lúc cô vắng mặt, con gái tôi đã vẫn làm theo điều mà nó muốn. Nó vẽ một bông hoa màu đen và nhặt lại cái bút màu cam để vẽ khung cho “bức tranh” bông hoa của mình. Lát sau cô quay lại, cô lại “nhíu mày”: Trời ơi, cô đã bảo con vẽ khung bằng màu đen cơ mà, sao con lại vẽ hoa màu đen?” Rồi cô giở soạt soạt sang một trang giấy trắng tinh, ấn chiếc bút màu đen vào tay con bé và “nhấn mạnh”: “Con vẽ cho cô cái khung màu đen!”. Sau đó, cô tiếp tục đi kiểm tra nốt 9 đứa trẻ còn lại, để xem chúng đã hoàn thành cái khung màu đen của chúng chưa, bạn nào chưa vẽ, hoặc vẽ xấu, vẽ cái khung chưa đúng hình vuông là sẽ “được” cô cầm tay vẽ lại.
Có gì sai khi con muốn vẽ bông hoa màu đen? Ảnh minh họa: Internet.
Con gái tôi, nhìn mẹ cầu cứu. Dù biết không nên làm thay hay can thiệp vào việc của cô giáo, nhưng tôi không còn cách nào khác. Tôi ngồi gần con bé hơn, giở lại bức tranh bị cô “phê bình” của nó, động viên: “Con vẽ bông hoa màu đen đẹp quá, con có muốn vẽ thêm gì nữa không?” Con bé hào hứng: “Con vẽ ông mặt trời” – “Tuyệt! Con vẽ ông mặt trời đi!”.
Nàng tìm trong giỏ bút mãi mới được một mẩu sáp màu… xanh lá cây, để vẽ ông mặt trời, và tất nhiên, nàng tiếp tục bị “phê bình”, nhưng lần này là từ các bạn, các bạn cùng bàn nhao nhao lên: “An vẽ xấu! An vẽ xấu! Ai bảo hoa màu đen! Ai bảo mặt trời xanh lá cây. Hoa phải màu vàng. Mặt trời phải màu đỏ. Lá mới màu xanh lá cây chứ….” Còn con gái tôi cũng gân cổ lên: “Tranh tớ đẹp. Tớ thích màu xanh lá cây!” rồi quay sang chê tranh của bạn khác xấu.
Biết tụi trẻ không thể tự “thỏa hiệp”, tôi bảo: “Các con nhìn xem, tranh của bạn nào cũng đẹp, mỗi bạn đẹp theo kiểu của riêng mình, bạn Bình tô cái lá đẹp, bạn Linh Nga vẽ hình tròn đẹp, bạn Coca thì tô cánh hoa màu cam đẹp, các con nhìn xem có đúng không?” Thế là đám trẻ gật gù, quên chuyện “xấu – đẹp” để vẽ tiếp tranh của mình.
Rồi cô lại quay lại, và một lần nữa “bình luận”: “Nào, Tixu, con vẽ cái gì đây, vẽ tranh biếm họa tặng cô đúng không?”, nói xong cô lại xoàn xoạt giở sang một trang giấy mới, cầm tay Tixu để vẽ bức trang bông hoa theo mẫu của cô, sau khi cầm tay chàng trai 3 tuổi vẽ một bông hoa tròn xe, cô bảo chàng tô cho cô bông hoa màu đỏ rồi quay sang bạn khác. Mặt Tixu cứ ngẩn ra, giở lại bức tranh mình vừa vẽ, chắc chàng trai cũng chưa nghĩ ra là mình đã vẽ gì nữa, những hình vẽ nhỏ xíu, rực rỡ trong khi các bạn khác lại nhao nhao: “Tixu vẽ xấu, Tixu vẽ xấu!”.
Tôi (lại phải) lên tiếng: “Tixu ơi, Tixu vẽ kiếm và súng đúng không? Các bạn nhìn xem này Tixu vẽ kiếm và súng đẹp quá. Tixu thử vẽ hoa đẹp như vẽ kiếm với súng cô xem nào!” Chàng trai phấn chấn hẳn, giơ cao bức vẽ của mình gọi với sang cô giáo: “Cô ơi, con vẽ kiếm với súng mà!” rồi cắm cúi hoàn thành bức tranh bông hoa của mình. Chỉ đơn giản có thế, con gái tôi về hay kể bạn Tixu thích kiếm và súng, bạn Tôm thích ô tô, bạn Châu thích tóc xoăn… và tôi luôn cố gắng ghi nhớ tất cả những điều này.
Hãy để các con tự do trong thế giới sáng tạo của mình! Ảnh minh họa: Internet.
Tôi không bình luận gì về phương pháp giảng dạy của cô giáo, vì đây là lần đầu tiên tôi được “dự giờ” một tiết học của cô. Tôi cũng không quá ngạc nhiên với cách dạy của cô, vì tôi biết, chắc chắn, còn nhiều lớp học khác, nhiều em bé khác vẫn đang được dạy học vẽ, và các môn học khác theo cách này, cách “các con đã làm theo cô chưa?” tức là “lấy thầy cô làm chuẩn”…
Tôi chỉ thấy tiếc cho cô, giá như cô biết cách nói chuyện với các bạn nhỏ hơn, biết nhận xét bằng những lời lẽ tích cực để khuyến khích lũ trẻ bày tỏ suy nghĩ, mong muốn sở thích của mình, biết lắng nghe trước khi “phán xét”, biết giải thích, thuyết phục lũ trẻ thay vì áp đặt chứ chưa cần phải là người truyền cảm hứng hay giúp trẻ phát triển năng khiếu gì cả… thì chính cô sẽ là người nhận lại được những món quà vô giá, tuyệt vời biết bao, là nụ cười hồn nhiên, là ánh mắt tin tưởng, là sự phấn chấn… “tỏa ra” từ mỗi đứa trẻ, đó chẳng phải là món quà tặng vô giá mà bọn trẻ tặng cho thầy cô của mình đó sao. Tôi tiếc, vì cô đã tự bỏ qua niềm “vinh hạnh” đó của chính mình. Tôi tiếc vì cô đã không được tận hưởng những điều tuyệt vời chỉ mang tính khoảnh khắc đó. Hành trình “trồng người” của cô có được bao nhiêu những khoảnh khắc trong trẻo, đáng yêu đến thế?!
Theo Mẹ Hải An (Hà Nội) - Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]