Đọc xong bài viết Bực mình với quà trung thu bà mua cho cháu tôi thật sự thất vọng với suy nghĩ nông nổi nhất thời của một số bà mẹ trẻ bây giờ. Tôi không phủ nhận, nuôi con theo cách Tây là khoa học, là tốt nhưng cũng như một cái cây mất gốc rễ thì dù có chăm chút thế nào cũng sẽ héo úa. Đối với tôi, nuôi dạy con cần có sự kết hợp hài hòa giữa những gì hiện đại và những gì là truyền thống của dân tộc.
Chơi đồ truyền thống con vẫn thông minh
Tôi thấy không phải cứ mua đồ chơi thông minh mới dạy được con thông minh. Bởi lẽ, con thông minh hay không một phần do tố chất, cách giáo dục của cha mẹ và cả môi trường sống hàng ngày chứ không phải chỉ dựa vào đồ chơi.
Với tôi, trừ những loại đồ chơi bạo lực, hại sức khỏe thì đồ chơi nào cũng có ích cho con, kể cả là truyền thống hay hiện đại. Ngay kể như bé Tũn nhà tôi, trước giờ cháu chỉ biết đến những loại đồ chơi như chú Tễu, diều, mặt nạ, trống bỏi … do ông nội làm. Ấy vậy mà 3 năm đi học bé đều là học sinh giỏi toàn diện. Không những thế, bé còn vẽ tranh rất giỏi, được mấy giải vẽ tranh cấp thành phố mang về làm quà cho ông bà treo ở nhà.
Nhờ việc cho bé cùng ông nội ngồi vẽ mặt nạ tôi biết con mình có khả năng vẽ, từ đó có hướng bồi dưỡng thêm để cho con phát triển. Nhờ những câu chuyện hàng ngày của bà, của mẹ, mà bé viết văn rất hay. Những bài văn của bé đều được cô giáo đọc cho cả lớp nghe làm văn mẫu. Đấy không phải là giỏi thì là gì?.
Nhờ cùng ông nội ngồi vẽ mặt nạ mà tôi biết con có khả năng vẽ (Ảnh minh họa)
Trò chơi truyền thống thắt chặt tình cảm gia đình
Tôi thấy nhiều gia đình cứ vứt một đống đồ xếp hình, điện tử, đồ chơi dạy học các kiểu cho con, con chỉ nhận lấy và chơi một cách thụ động theo hướng dẫn. Do bố mẹ quá bận, bé thường ít được giao tiếp với người khác, chỉ lủi thủi chơi một mình. Đây chẳng phải là một trong những lý do khiến ngày càng nhiều trẻ thành phố bị tự kỷ hay sao.
Lại nói về mấy món đồ truyền thống. Đã là truyền thống thì phải làm thủ công, chẳng có công nghệ nào giúp được cả. Mấy cái đồ chơi này cực dễ làm vì thế ông có thể dạy cho cháu, mẹ có thể dạy cho con. Quá trình làm đồ chơi khiến cho trẻ được giao tiếp nhiều hơn, tò mò nhiều hơn, chẳng phải trẻ thông minh và năng động hơn rất nhiều khi đặt ra câu hỏi trên trời dưới đất cho người lớn là gì.
Tôi còn nhớ một lần, vì bận công việc nên gần hai tháng tôi không có thời gian đưa hai cháu nhỏ nhà tôi về thăm ông bà. Hai cháu rất nhớ ông bà nhưng không thể tự về, và càng không dám vòi vĩnh mẹ.
Để em không quấy khóc khi mẹ làm việc, anh trai mang một đống que tre ông gửi ra vót, làm diều rồi nói chuyện với em, cứ như vậy, hai anh em lủi thủi chơi với nhau, nói hết chuyện này sang chuyện khác. Anh vừa ngồi dán giấy vừa trả lời hết mọi câu hỏi của em.
Sau khi xong việc, tôi vào phòng, bất ngờ với chiếc diều mà hai bé dán. Vẽ đẹp, dán khéo, mang ra sân vận động thả, diều bay cao tít. Tôi thấy rất vui vì làm diều để bay được cũng phải đo đạc tính toán lắm chứ, hai con thật giỏi. Nhưng với tôi, quan trọng hơn là thấy tình cảm hai anh em gắn bó với nhau.
Thấy hai anh em cùng cặm cụi dán dán dính dính tôi rất vui (Ảnh minh họa)
Trung thu năm nay vào khoảng cuối tuần, tôi sẽ cố gắng cùng chồng sắp xếp công việc để đưa hai cháu về quê. Ở quê, không khí trung thu rộn ràng hơn ở thành phố rất nhiều. Ông nội sẽ lại cùng các cháu chuẩn bị một chiếc đèn ông sao to đùng dựng lên đầu cổng và làm thêm nhiều chiếc đèn ông sao khác dán dấy xanh đỏ.
Cả năm mới có một lần con được cùng ông bà tất bật dán dán dính dính chuẩn bị làm đèn trang trí, con sẽ biết được thêm nhiều thứ chứ không giống như nhiều đứa trẻ bây giờ, bị mẹ cấm đoán, có biết đèn kéo quân, đèn ông sao xanh đỏ là gì đâu, đúng là mất hết tuổi thơ.
Theo Giadinh.net.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]