1. Nói trống không
Khi trẻ nói trống không là trẻ chưa hiểu về qui tắc ứng xử xã hội về phép lịch sự và tôn trọng người khác và thể hiện sự vội vàng cẩu thả trong giao tiếp. Nói trống không làm giảm hiệu quả của giao tiếp và người đối thoại có thể sẽ không trả lời trẻ. Do vậy, cần phải nhắc nhở trẻ ngay từ đầu khi trẻ có biểu hiện này. Dạy trẻ nói chậm, từ tốn, nhìn vào người đối diện khi nói, thưa gửi cho đúng vai vế, phải nói có chủ ngữ. Phải dạy trẻ biết chào hỏi mọi người từ khi trẻ mới tập nói.
2. Cáu giận
Khi trẻ cáu giận, ta có thể tạm thời lờ đi, không đối đầu với trẻ và cũng không đáp ứng ngay nhu cầu của trẻ. Chờ một lúc sau khi trẻ đã bình tĩnh hơn, ta hỏi trẻ lý do và giải thích cho trẻ hiểu. Có thể chỉ ra cho trẻ cách thể hiện nhu cầu hoặc sự bực tức đó ra bằng lời của mình một cách bình tĩnh. Nên khuyên giải, phân tích và trao đổi với trẻ để trẻ hiểu là trẻ đã cáu giận và không nên lặp lại như vậy.
3. Ăn trộm
Khi trẻ ăn trộm có nghĩa là trẻ có một nhu cầu nào đó mà gia đình không đáp ứng. Vì vậy, phải tìm hiểu xem trẻ muốn gì và động cơ nào dẫn tới hành vi ăn trộm. Giúp trẻ hiểu rằng trẻ còn nhỏ phải tập trung vào học tập, vui chơi lành mạnh; nên bằng lòng với những gì gia đình mình có mà không nên đua đòi tiêu xài quá mức. Nếu hành vi đó còn tiếp diễn cũng nên nói với mọi người trong gia đình để cùng giúp đỡ trẻ. Tiền bạc cũng nên khóa cất đi, không nên để trẻ lấy dễ dàng. Nên dạy trẻ cách chi tiêu hợp lý từ nhỏ.
4. Nói dối
Để trẻ nói dối một vài lần sẽ hình thành thói quen không thật thà. Do vậy, phải dạy trẻ từ nhỏ là luôn thật thà, nói dối là điều không tốt trong mọi trường hợp. Nếu chẳng may trẻ mắc lỗi hoặc làm gì sai trái cũng nên khuyến khích trẻ nói ra và giải thích cho trẻ đã sai ở chỗ này, chỗ kia và cho trẻ tìm cách khắc phục. Người lớn phải làm gương, luôn sống thật thà, trung thực, không nói quanh co, nói dối.
5. Rên rỉ khóc lóc
Những trẻ này thường không tự lập, hay đòi hỏi, không làm chủ được cảm xúc và thường yếu đuối về tình cảm. Khi đó, ta tách trẻ ra, cho trẻ ngồi một mình yên tĩnh để trẻ bình tâm trở lại. Sau đó hỏi trẻ có nhu cầu gì. Nếu thấy hợp lý, ta sẽ đáp ứng và nói cho trẻ hiểu lần sau không nên làm như thế, cần phải nói ra và trao đổi với người thân một cách bình tĩnh. Nếu điều trẻ cần mà ta chưa đáp ứng được cũng phải giải thích cho trẻ hiểu.
6. Trẻ lười biếng
Trái ngược với tình trạng hiếu động, có những bé tỏ ra lười biếng trong mọi hoạt động. Có thể đó là do trẻ có sức khỏe kém, suy nhược dẫn đến những phản ứng chậm chạp lâu dần thành thói quen, nhưng đa phần là do sự chăm sóc, cưng chiều hơi thái quá của mẹ hay ông/bà khiến cho trẻ hầu như không phải làm một điều gì ngay cả việc tự chăm sóc bản thân.
Có thể, ban đầu sự lười biếng đó chỉ đơn giản là việc thức dậy trễ, làm biếng đánh răng, rửa mặt, tắm rửa… dần dần sẽ đi đến việc lười gấp màn, chăn gối và quần áo cá nhân. Từ đó, trẻ sẽ tỏ ra lười biếng trong việc xếp dọn đồ chơi, đồ dùng cá nhân trong phòng...
Từng bước một, nếu không có biện pháp tác động và can thiệp kịp thời, mức độ lười biếng của trẻ ngày càng tăng cho đến khi bố mẹ, người thân cảm thấy không còn chịu đựng nổi nữa. Lúc đó việc tác động để điều chỉnh sẽ hết sức khó khăn, có thể gây ra tổn thương tâm lý, hay tạo ra những trở ngại trong các mối quan hệ gia đình, rất khó thay đổi khi trẻ lớn hơn.
7. Cãi lời người lớn
Nếu để lâu sẽ hình thành tính cách chống đối bướng bỉnh, nóng tính, bảo thủ. Khi thấy trẻ cãi lời, ta không nên to tiếng quát mắng trẻ mà nên bảo trẻ bình tĩnh, nghe người lớn nói đã, sau đó sẽ đến lượt trẻ nói. Khi trẻ nói, ta cũng phải lắng nghe để trẻ hiểu ta cũng tôn trọng trẻ.
Lắng nghe trẻ nói là một kỹ năng cần thiết của cha mẹ trong giao tiếp để hiểu tâm tư nguyện vọng của trẻ và cũng là dạy trẻ cách giao tiếp ứng xử có văn hóa và hiệu quả. Sau khi nghe trẻ nói, ta phân tích cho trẻ hiểu thế này nên, không nên, vì sao như vậy... Trẻ sẽ cảm thấy được bố mẹ quan tâm, yêu thương và sẽ ứng xử hợp lý khi nghe người lớn nói.
8. Nhõng nhẽo và điệu
Trẻ muốn mình được quan tâm, có sự đòi hỏi, muốn mình được nổi bật hơn người khác. Khi trẻ còn nhỏ, mọi người thấy đó là điều đáng yêu, nhưng khi lớn dần lên, trẻ vẫn như vậy sẽ tạo nên một tính cách ưa hình thức, vị kỷ, thích nổi trội hơn người, có thể làm mọi nguời xung quanh khó chịu. Vì vậy, từ nhỏ ta nên cho trẻ ăn mặc phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình, phù hợp với lứa tuổi và cho trẻ hòa mình với mọi người xung quanh. Cha mẹ cần chú ý tới lời nói và giọng điệu của trẻ, khi thấy không phù hợp phải nhắc bé nói lại bằng đúng mới thôi.
9. Hấp tấp và vội vàng
Trẻ thường sốt ruột khó chờ đợi thứ tự, nói chen ngang lời người khác, không cẩn thận, hay quên... nên gây ra sai sót, nhầm lẫn hoặc phải làm nhiều lần mới xong một việc. Do vậy, phải dạy trẻ tính điềm đạm, bình tĩnh trong ăn nói, việc làm, tuân theo trật tự của gia đình, trường lớp, biết lắng nghe, biết chờ đợi, nhường nhịn. Khi giao việc cho trẻ nên hướng dẫn cho trẻ thứ tự các bước cần thực hiện, kiểm tra lại việc trẻ vừa học xong hoặc vừa làm xong. Nếu trẻ còn thiếu hoặc sai sót phải chỉ ra cho trẻ biết và làm lại cho đúng.
10. Ngáp, ho không che miệng
Giải thích để trẻ hiểu nếu ngáp, ho không che miệng sẽ bị mọi người cho là không lịch sự và có thể lây nhiễm bệnh cho người khác khi trẻ bị ốm. Dạy trẻ thói quen lấy tay che miệng khi ho, ngáp từ khi trẻ còn nhỏ. Nếu trẻ chưa làm được, ta luôn phải nhắc nhở trẻ. Bản thân người lớn cũng luôn làm đúng sẽ là cách mà trẻ học có hiệu quả nhất.
Việc giáo dục trẻ khi còn nhỏ là nền tảng để hình thành tính cách và nhân cách của con sau này. Khi phát hiện những thói hư, tật xấu của con, cha mẹ nên nhanh chóng giúp bé sửa đổi để có một người con ngoan khi lớn.
Với trẻ dưới 3 tuổi thì vấn đề ích kỷ chưa cần đặt ra, hay đúng hơn thái độ chỉ biết có bản thân lúc đó được gọi là ái kỷ (yêu bản thân mình) chứ không phải là ích kỷ (chỉ biết sự tiện ích, quyền lợi cho mình). Trẻ dưới 3 tuổi phần lớn đều có tính ái kỷ, và đó là điều bình thường.
Nhưng với trẻ 5 - 6 tuổi thì các em đã phân biệt được cái tôi, đã nhận biết được “quyền sở hữu”, đã muốn có những “tài sản riêng” và nếu không được rèn tập cho biết những giới hạn, trẻ có thể trở thành ích kỷ, chỉ biết đến những điều tốt, điều lợi cho bản thân mà không nghĩ đến những người xung quanh.
Một mặt, bố mẹ khuyến khích trẻ biết quý trọng giá trị bản thân, mặt khác, cần phải để ý tránh cho trẻ tập nhiễm thói quen ích kỷ, vì khi đã “nhiễm” tính này thì rất khó bỏ. Điều nguy hiểm là đôi khi chính phụ huynh cũng có thái độ ích kỷ trong cuộc sống, và cho đó là sự “khôn ngoan”, tập cho trẻ thói quen biết và thích lợi dụng người khác, luôn tìm cách chơi “trên cơ”, chỉ biết bảo vệ quyền lợi bản thân và gia đình mình, bất chấp điều đó có thể gây thiệt hại cho người khác.
Theo Anh Thư (Tổng hợp) - Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]