Ảnh minh họa: Internet
Khi bắt đầu làm mẹ, tôi nhận được rất nhiều lời khuyên về những sai lầm dạy con cách yêu thương và nuôi dạy con cái. Tuy nhiên, chỉ đến vài năm trước, tôi mới nhận ra rằng yêu thương thực sự là mong muốn những điều tốt đẹp nhất cho chúng về lâu dài.
Vào những ngày này, tôi suy nghĩ khá nhiều về khái niệm “tương lai lâu dài”. Tôi nghĩ về con người mà sau này tôi mong con mình sẽ trở thành và tự hỏi bản thân rằng: “Giờ mình có thể làm gì để thúc đẩy điều đó?” Suy nghĩ cẩn trọng về tương lai của con cái đã thay đổi cách tôi nuôi dạy con, bởi những điều khiến con hạnh phúc khi chúng 10 hay 15 tuổi hoàn toàn khác với những điều khiến chúng hạnh phúc vào năm 25, 30, 40 tuổi hoặc nhiều hơn thế nữa.
Trước đó, tôi đọc được những bài báo rất thú vị về việc ngày càng có nhiều thanh niên ở độ tuổi 20 cảm thấy chán nản với cuộc sống và không biết tại sao lại như vậy. Những chàng trai, cô gái này nói rằng họ có một tuổi thơ tuyệt vời. Họ chưa từng trải qua bi kịch hay phải hứng chịu bất cứ cảm xúc tiêu cực nào. Nhưng vì một lý do nào đó, đến giờ họ vẫn không hạnh phúc.
Một lý do được đưa ra là các bậc cha mẹ ngày nay giúp đỡ con cái quá nhiều. Chúng ta không muốn con vấp ngã, do đó thay vì để con có những trải nghiệm, chúng ta lại dọn đường cho con đi. Chúng ta loại bỏ tất cả chướng ngại để con có thể bước tiếp một cách dễ dàng. Tuy nhiên, chúng ta đã quên mất rằng nghịch cảnh là một phần của cuộc sống. Chỉ có đối mặt với nghịch cảnh, trẻ mới có thể hình thành những kỹ năng mà chúng không thể thiếu ở tương lai sau này.
Dưới đây, tôi sẽ chỉ ra những sai lầm mà các bậc cha mẹ ngày nay – trong đó có cả tôi thường mắc phải.
Tôn thờ con cái
Cha mẹ nào cũng yêu thương và quan tâm, chăm sóc cho con cái. Tuy nhiên, có một điều mà nhiều bậc cha mẹ không hiểu được, đó là con cái là để yêu thương, chứ không phải để tôn thờ. Đừng biến con thành trung tâm của vũ trụ, bởi điều đó chỉ khiến con thêm ích kỷ mà thôi.
Tin rằng con mình hoàn hảo
Theo các chuyên gia, cha mẹ ngày nay không muốn nghe những điều tiêu cực về con em mình. Khi ai đó nói lên mối lo ngại về một đứa trẻ, kể cả khi mối lo ngại đó có thật và hoàn toàn xuất phát từ tình yêu thương, cha mẹ của đứa trẻ đó thường “xù lông nhím” và tấn công người đưa tin.
Sự thật có thể mất lòng. Nhưng khi chúng ta lắng nghe sự thật với trái tim và tâm hồn rộng mở, chúng ta sẽ có được không ít lợi ích. Như vậy chúng ta có thể can thiệp trước khi mọi việc vượt quá tầm kiểm soát. Bạn biết đấy, ứng phó với một đứa trẻ rắc rối bao giờ cũng dễ hơn là “sửa chữa tính cách” của một người trưởng thành.
Sống “gián tiếp” qua con
Cha mẹ tự hào về con cái mình, đó là một điều rất tự nhiên và dễ hiểu. Khi chúng thành công, có khi các bậc cha mẹ còn cảm thấy mừng vui, hạnh phúc hơn là chính mình thành công.
Tuy nhiên, nếu chúng ta chỉ sống vì con, sao chúng ta có thể có được hạnh phúc của mình? Con có cuộc sống của riêng mình và bạn cũng vậy, đừng quên điều đó.
Muốn trở thành bạn thân nhất của con
Khi tôi hỏi một linh mục về sai lầm lớn nhất trong cách nuôi dạy con, ông ấy suy nghĩ một lúc rồi trả lời: “Đó là khi cha mẹ không thực sự là cha mẹ, không đủ dũng cảm, kiên quyết để làm những việc khó khăn”.
Như những bậc cha mẹ khác, tôi cũng muốn con cái tôn trọng và yêu thương mình. Nhưng chuyện không phải lúc nào cũng được như vậy. Đôi lúc con sẽ không thích bạn và thậm chí còn ước gì mình được sinh ra trong một gia đình khác. Tuy nhiên, khi con đi sai hướng, cha mẹ phải ở bên và đưa con về đúng lối, cho dù chuyện đó có khó khăn đến mức nào. Cố gắng trở thành bạn thân của con chỉ dẫn tới sự dễ dãi, miễn cưỡng chấp nhận vì chúng ta sợ không nhận được sự đồng thuận của con mà thôi.
Cạnh tranh về việc nuôi dạy con cái
Mỗi vị phụ huynh đều có tính ganh đua, cạnh tranh: từ việc cho con ăn mặc, mua đồ cho tới học cô nào, vào trường nào, … Theo tôi, nguồn gốc sâu xa của việc này chính là nỗi sợ hãi. Chúng ta lo sợ rằng con mình sẽ bị bỏ lại phía sau. Chúng ta sợ rằng nếu chúng ta không nhảy vào can thiệp, con sẽ cứ thế mắc kẹt trong suốt phần đời còn lại. Nhưng bạn nên nhớ, trẻ cần biết rằng giấc mơ nào cũng cần phải đổ mồ hôi và công sức để đạt được.
Để con mất đi thời thơ ấu
Ai mà chả muốn con cái mình thành danh. Nhưng đừng để điều đó lấy đi thời thơ ấu mà con xứng đáng tận hưởng. Ngày nay, rất nhiều đứa trẻ phải hứng chịu áp lực từ khi còn rất nhỏ. Đó rõ ràng là một điều không nên. Nếu bạn muốn con vững vàng tiến về phía trước, hãy bảo vệ con khỏi những áp lực ấy. Hãy để con được vui chơi và phát triển theo nhịp độ riêng của mình, như vậy con mới có thể tìm ra những điều chúng thực sự quan tâm, hứng thú mà không e sợ thất bại.
Nuôi dạy đứa con bạn ao ước chứ không phải đứa con bạn có
Là cha mẹ, chúng ta đều ấp ủ những ước mơ tương lai về con cái mình. Trớ trêu ở chỗ trẻ thường làm đảo lộn hình mẫu của chúng ta. Có thể chúng không giống như những gì chúng ta đã tưởng, không thông minh, không hài hước, thậm chí còn khó gần và ương ngạnh. Dù thế nào, hãy nhìn nhận đúng con người của trẻ và yêu thương con người đó, như vậy trẻ mới có thể phát triển thực sự.
Phán xét các vị phụ huynh khác và con cái của họ
Cho dù chúng ta không đồng tình với cách nuôi dạy con của một vị phụ huynh nào đó đến mức nào, chúng ta cũng không có quyền phán xét. Không ai trên thế giới này đều tốt hoặc đều xấu. Chúng ta là chỉnh thể của những điều tốt đẹp và xấu xa, Hơn nữa, chắc gì cách nuôi dạy con của vị phụ huynh đó đã là sai? Có thể chỉ đơn giản là bạn không hiểu được cách nuôi dạy con ấy mà thôi.
Đôi nét về tác giả: Kari Kubiszyn Kampakis là một blogger, người phụ trách chuyên mục trên báo và từng là nhiếp ảnh gia của thiếu nhi ở Alabama (Mỹ). Kari và chồng có 4 cô con gái.
Theo Ngọc Khanh - Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]