Kể cả khi đã làm cha, làm mẹ, chúng ta cũng có những ngày muốn lảng tránh điều gì đó ở chỗ làm.Trẻ em cũng như vậy, chúng có thể không muốn tới trường vì bất kỳ lý do nào. Vào lúc đó, thay vì quát mắng, bạn nên dành cho con sự thông cảm và quan tâm.
Nhưng liệu cảm giác sợ đi học có giống như việc trẻ muốn bỏ một bài kiểm tra hoặc không muốn làm gì đó?Theo Diane Peters Mayer, tác giả cuốn sách Overcoming School Anxiety thì những nỗi lo này không hề giống nhau.Sự khác biệt nằm ở mức độ và tần suất của các nỗi lo. “Nếu con bạn đã học lớp 4 mà cứ kêu khóc và xin được ở nhà hàng ngày thì bạn cần phải hành động ngay lập tức”.
Với trẻ tuổi teen, nỗi sợ đi học có thể được thể hiện bằng một khuôn mặt giận dữ và những lời nói kiểu như: “Con không muốn tới trường và mẹ không thể bắt con làm điều đó!”Biểu hiện này giống như một sự thách thức nhưng thực ra không phải như vậy. Con bạn chỉ đang tuyệt vọng mà thôi.
Các bậc cha mẹ có thể quan sát được thái độ phản kháng việc đi học kể từ ngày đầu tiên trẻ đi mầm non. Hoặc nỗi lo sợ có thể xuất hiện sau khi trẻ gặp một chuyện gì đó và không muốn phải đối mặt.Dù là như thế nào thì với các bậc phụ huynh,nỗi sợ này mang đến rất nhiều trở ngại, đặc biệt là khi trẻ không thể giải thích chính xác chuyện gì đang xảy ra.
Ngoài ra, bạn cũng nên biết rằng việc không muốn đi học là một cảm xúc phổ biến, tác động tới 4,5% số trẻ từ 7 đến 11 tuổi. Bất kỷ đứa trẻ nào, dù là nam hay nữ cũng có thể có cảm xúc như vậy.Chỉ tính riêng ở Mỹ, ước tính có khoảng 160.000 học sinh chọn hình thức học tại nhà hàng ngày vì sợ bị bắt nạt. Các lý do khác mà trẻ không muốn đến trường bao gồm: rối loạn cảm xúc khi phải xa cách cha mẹ, các vấn đề gia đình, lo lắng về việc thể hiện bản thân, …
Nếu con bạn cũng sợ đi học, bạn có thể làm theo các bí quyết sau đây:
Thừa nhận cảm xúc của bản thân
Những hành động tiêu cực của con (chẳng hạn như bám chặt, khóc lóc, gào thét, …) khiến bạn cảm thấy thế nào? Bạn có thấy xấu hổ, khó chịu và mệt mỏi? Dù bạn cảm thấy như thế nào, hãy thừa nhận những cảm xúc đó (với chính mình chứ không phải với con), sau đó đặt những cảm xúc đó sang một bên. Đó là cách tốt nhất để giúp con và là bước đầu để cải thiện tình hình.
Giữ bình tĩnh
Hãy dành cho mình những khoảng lặng, hít thở chậm và sâu.Hành động này sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc bản thân.
Dạy con hít thở chậm và sâu
Hít thở là một phương pháp hữu hiệu mà cả bạn và con đều có thể áp dụng. Hơn nữa, không ai biết được khi nào trẻ áp dụng cách này nên dĩ nhiên trẻ cũng không sợ bị bạn bè trêu chọc khi làm như vậy.
Nói chuyện với con
Hãy giúp con bộc lộ cảm xúc thực và nắm bắt được những điều con đang cố nói với bạn. Để làm được điều đó, hãy lắng nghe chứ không phải là phán xét.Ngoài ra, khi trò chuyện cùng con, hãy cố hiểu lý do tại sao con hành động như vậy.
Xem xét động cơ
Hãy nhìn nhận một cách nghiêm túc xem có thay đổi nào từ phía gia đình và bạn bè khiến con sợ đến trường hay không.Ngoài ra, hãy nói chuyện với giáo viên của con để hiểu rõ hơn những lý do cả về mặt xã hội lẫn mặt học tập tạo cho con cảm giác lo lắng, sợ sệt khi tới trường.
Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia
Nếu các hành động và phản ứng tiêu cực cứ tiếp diễn, hãy tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia về vấn đề này.
Nếu con sợ đi học, kể cả khi con vẫn thức dậy hàng ngày và tới trường, điều đó cũng không có nghĩa là mọi chuyện đã ổn. Có thể tận sâu trong tâm hồn, con vẫn bị tổn thương.Hãy giúp đỡ con bằng cách trở thành một người cha, người mẹ tâm lý, thấu hiểu cảm nhận của con và luôn ở bên con.
Theo Ngọc Khanh - Yeutretho
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]