Jim Higley là một ông bố đơn thân có 3 đứa con, hiện sống ở Mỹ. Sau khi bị ung thư tuyến tiền liệt ở tuổi 44, ông đã đánh đổi công việc trong một tập đoàn của Mỹ để ở nhà, chăm sóc con và ghi lại hành trình nuôi dạy con của mình. Các bài viết nuôi dạy con của ông bố này được đăng trên các tờ báo như Chicago Tribune, the Huffington Post, NBC Universal iVillage... Yeutretho xin giới thiệu bài viết của ông bố đơn thân này về những nguyên tắc nuôi dạy con.
Những gì tôi biết được về nuôi dạy con đều xuất phát từ việc quan sát, chiêm nghiệm thực tế, các cuộc trò chuyện với các chuyên gia. Từ đó, tôi xác định phương pháp nào tốt và phương pháp nào có vấn đề. Tôi đã dành 24 năm để làm điều đó.
Một trong những điều quan trọng mà tôi chiêm nghiệm được rằng để trờ thành một người cha tốt bạn cần nói chuyện và chia sẻ nhiều với con. Nếu bạn có thể làm điều đó một cách thường xuyên, việc làm cha sẽ trở nên dễ dàng hơn nhiều.
Khi con bạn lớn lên, việc giao tiếp với con chắc chắn sẽ ngày càng khó khăn hơn. Vì thế dưới đây là 3 lời khuyên của tôi giúp bạn có thể kết nối thông tin một cách hiệu quả với trẻ.
1. Trì hoãn
Bạn không cần phải phản ứng quá nhanh trong mọi trường hợp. Hãy bình tĩnh lại để suy nghĩ. Đừng để cơn giận dữ khiến bạn mất tự chủ mà nói ra hết tất cả những cảm xúc và suy nghĩ của mình lúc đó. Điều đó rất đáng sợ và không phù hợp để ửng xử với lũ trẻ.
Hãy tự tạo cho mình khoảng thời gian để suy ngẫm. Có thể chỉ cần một phút. Với những đứa trẻ đang độ tuổi trưởng thành bạn có thể dừng lại, chờ đợi nhiều giờ hoặc thậm chí vài ngày. Điều quan trọng là bạn nên đưa ra những chủ đề “ mở” với trẻ và bạn sẵn sàng trở lại câu chuyện khi cả 2 đã có đủ thời gian để suy nghĩ kĩ hơn về nó.
Với những đứa bé, nếu chúng không ngoan bạn có thể mang con vào phòng và nói chuyện với chúng sau khi đã có vài phút hạ hỏa. Nhưng với những đứa trẻ lớn tuổi hơn cách làm này không có tác dụng. Thêm vào đó, nếu ngay lúc bạn đang nóng giận, bạn mắng con điều này sẽ khiến chúng cảm thấy bị dồn vào chân tường và mắc kẹt. Bạn chỉ đơn giản là đang buộc chúng phải phản ứng bằng cách cãi lại.
Đó là tại sao tôi thường nói với con rằng: “Con à, cách nói chuyện của con khiến bố không muốn tiếp tục cuộc trò chuyện này nữa. Nhưng bố sẽ không quát mắng hay đặt ra một hình phạt nào đó cho con. Bố muốn con hãy về phòng và suy nghĩ về chuyện này trước khi chúng ta sẽ nói chuyện lại vào chiều nay”.
Trẻ em rất muốn mình được tôn trọng ngay cả khi chúng không thể hiện điều đó với bạn. Chúng muốn được bố mẹ lắng nghe. Nếu bạn mở đầu vấn đề với sự tôn trọng trẻ sẽ khó có thể tiếp tục thái độ khó chịu với bạn. Hãy thử làm như vậy ngay từ hôm nay.
2. Nguyên tắc 30 giây
Hãy ngừng việc chỉ bảo. Nếu bạn cảm thấy cần phải làm thế hãy tóm gọn ý của bạn trong khoảng 30 giây. Trẻ em ghét bị dạy bảo và tôi cá rằng hầu hết các bậc cha mẹ đều làm việc này một cách thường xuyên.
Khi thấy mình nên dạy bảo gì đó cho lũ trẻ tôi thường nói với chúng rằng: "Bố cần 30 giây để chia sẻ vài thứ với các con. Các con sắn sàng lắng nghe chứ ? Các bạn biết không 9 trong số 10 lần tôi làm vậy, các con tôi đã bắt đầu tranh luận để tìm ra cái đúng. Và một điều khác nữa, chúng đã lắng nghe.
Tôi thường kết thúc “bài giảng” trong nửa phút của mình rằng: “Đó là những điều bố muốn con biết. Bố muốn biết suy nghĩ của con vào sáng hôm sau khi con đã suy nghĩ kĩ và sẵn sàng để nói chuyện. Dù cũng có thể còn một vài trục trặc nhỏ nhưng hầu như cuộc trò chuyện thường diễn ra rất suôn sẻ và cởi mở.
3. Ngừng can thiệp vào mọi chuyện
Tôi đã mất 1 năm để tìm ra điều này. Thật khó cho các ông bố vì chúng ta luôn thích sửa chữa và giải quyết mọi thứ.
Tôi đang nói về những khoảng thời gian khi con bạn cảm thấy khó chịu, thất vọng và tức giận vì những người bạn xấu tính, vì huấn luyện viên không công bằng và vì thầy cô nào đó quá nghiêm khắc hay vì bị những đứa em làm phiền. Danh sách nguyên nhân gây khó chịu cho con bạn luôn rất dài. Tôi luôn phải nghe những rắc rối ấy hằng ngày, tôi muốn giúp con bằng cách đưa ra những chiến lược để những rắc rối ấy biến mất.
Tôi đã từng nói với các con những câu như: “Đây là cách con nên làm với người bạn của con“ hay “Lần tới nếu huấn luận viên nói với con..., con nên ...”
Và những gì tôi học được là chúng không thích bạn nói với chúng rằng chúng phải làm gì. Trẻ không cần những chiến thuật của bạn. Tốt hơn là bạn nên đặt niềm tin vào con bạn. Chúng rất cần sự cảm thông và thấu hiểu của bạn thay vì giải quyết những rắc rối ấy cho con.
Tất cả 3 lời khuyên của tôi đều tập trung vào việc dừng lại, suy nghĩ và tập trung vào việc mà con bạn cần. Hành động chậm lại, dành thời gian để suy nghĩ về thông điệp bạn muốn gửi tới con và nhìn nhận tới cảm xúc của con chính là cách tốt nhất để bạn có thể giao tiếp với trẻ thành công.
Hãy thử áp dụng những lời khuyên trên đây. Bạn sẽ nhận được những món quà xứng đáng.
Theo Hoàn Châu - yeutretho.com
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]