Chờ đến lượt mình và không chen ngang khi người khác đang nói
Không ai có thể được lắng nghe nếu như có quá nhiều người nói cùng một lúc. Đặc biệt, nói xen vào lúc người khác đang nói là bất lịch sự, không tôn trọng người đang nói. Những lúc như vậy, cha mẹ nên nhắc nhở con hãy chờ đến khi người khác nói xong mình mới nên nói tiếp.
Hãy nhẹ nhàng nói với con là cần chờ cho đến khi người khác nói xong trước khi muốn đặt câu hỏi cho họ. Cần chắc chắn rằng bạn sẽ dành cho con toàn bộ sự chú ý khi bạn đã nói xong, điều đó sẽ tăng cường thêm động lực cho con bạn khi chờ đến lượt mình. Khi con bạn đang kiên nhẫn chờ đợi, nắm tay con hoặc khẽ ôm lấy con để chúng biết bạn vẫn quan tâm đến sự hiện diện của chúng.
Không sử dụng những biệt danh xấu
Ngay cả khi đó chỉ là nói đùa, gọi người khác bằng những biệt danh xấu có thể làm họ tổn thương. Hãy dạy con bạn rằng tuyệt đối không gọi người khác bằng biệt danh xấu do những khác biệt về văn hóa, dân tộc, thể chất, hay trong khi tranh luận… Trong trường hợp một người có những hành vi không đúng đắn làm trẻ khó chịu thì cần phải dạy bé nói lại hành động của họ một cách lịch sự, từ tốn. Không được bắt chước hành vi của người kia vì như thế là không đúng.
Tự dọn dẹp
Cho dù ở nhà mình hay nhà bạn bè, hãy dạy con luôn luôn dọn dẹp sau sạch sẽ, ngăn nắp khi xong việc, chơi xong. Nếu đó là những lộn xộn bé gây ra, thì hãy nhắc chính bé là người sẽ dọn dẹp.
Nếu đó là đồ chơi, rác, đổ vỡ, của con bạn, thì con bạn cần phải tự dọn dẹp chúng. Hãy nhắc nhở con rằng chúng cần phải giải quyết tất cả những lộn xộn mình tạo ra trước khi bước vào một hoạt động mới, và luôn luôn giữ vững quy định đó.
Đặt gia đình lên trên bạn bè
Đây có lẽ là một quy tắc cũng không dễ với nhiều người vì có một số người thường xuyên gây mâu thuẫn với những người thân trong gia đình, nhưng lại đối xử vô vùng ngọt ngào với những bạn bè, “người dưng nước lã”.
Cha mẹ nên để ý dạy dỗ con mình điều này. Người lớn nên quan sát, nhắc nhớ với con cháu mình về tầm quan trọng của gia đình, của các thành viên trong một gia đình. Người lớn phải chỉ ra được, người trong gia đình bao giờ cũng là quan trọng nhất, được đặt lên trên tất cả và được đối xử tốt hơn những người khác. Vì thực tế, những lúc khó khăn, hoạn nạn, dù những người khác có bỏ đi thì những người thân bao giờ cũng ở lại bên cạnh, an ủi, động viên và giúp đỡ chúng ta.
Thành viên trong gia đình phải giúp đỡ, ủng hộ nhau
Những thành viên trong gia đình không được ghen ghét, đố kị lẫn nhau. Ngược lại phải ủng hộ giúp đỡ lẫn nhau trong mọi hoàn cảnh. Biết chia sẻ với nhau cả những “miếng ngon” và những khó khăn.
Có tinh thần thể thao
Sau khi chơi một trò gì đó (thể thao ngoài trời, bài, cờ, ô chữ …), bất kể kết quả thế nào,trẻ cũng cần phải giữ bình tĩnh. Nếu con bạn chiến thắng, hãy dặn dò con rằng không được tỏ ra thỏa mãn hoặc khoe khoang, mà cần nghĩ đến cảm xúc của người khác. Nếu con bạn thua, khuyên con không nên cau có, ấm ức hay tức giận, mà hãy có 1 tinh thần thể thao thực thụ để nói với những đứa trẻ chơi cùng rằng trò chơi thật vui, hoặc nói rằng họ đã chơi tốt.
Đón nhận sự khen ngợi một cách lịch sự
Nếu ai đó khen ngợi, đề cao con bạn, hãy dạy con rằng chúng nên tỏ ra vui vẻ, lịch thiệp và nói rằng “xin cảm ơn”, và tránh việc tự hạ thấp mình hay chỉ ra những sai lầm khiến sự việc chưa hoàn hảo.
Mở cửa giúp người khác
Cha mẹ hãy dạy con trở thành người lịch sự, biết nhường nhìn và chờ đợi. Nhất là khi nhường đường, mở của và chờ đợi khi xếp hàng.
Khi đi vào một tòa nhà, hãy nhường cho những người lớn tuổi hơn đi trước và mở cửa giúp họ. Khi đi trước một ai đó vào một tòa nhà, đừng để cánh cửa bật trở lại ngay trước mặt người đi sau, mà hãy giữ cửa cho đến khi người đó có thể tự giữ được nó. Cũng đừng quên dạy con bạn rằng nếu ai đó giữ cửa giúp mình, hãy nói cảm ơn họ.
Luôn luôn chào đón những vị khách tới nhà mình
Tùy theo mức độ trang trọng hay lịch sự của gia đình bạn mà bạn có thể hướng dẫn con mình bắt tay người lớn khi họ đến nhà, nhưng không cần thiết phải bắt tay những đứa trẻ khác. Nhưng việc nói lời chào với những người khách là bắt buộc, điều đó sẽ giúp họ cảm thấy mình được chào đón hơn.
Ra/vào đúng nguyên tắc
Với thang máy, hãy để những người ở trong bước ra trước khi mình bước vào. Cũng tương tự như vậy với tòa nhà hay các căn phòng, nếu ai đó đang đi ra cùng lúc với mình chuẩn bị đi vào, qua cùng 1 cánh cửa, hãy để họ đi trước.
Tôn trọng những khác biệt
Khi người khác làm điều gì đó có vẻ kỳ lạ so với gia đình của bạn do những sự khác biệt về văn hóa, địa phương… hãy dạy con bạn rằng cần phải tôn trọng điều đó. Chỉ ra điều đó có gì thú vị, hoặc giải thích rằng việc những gia đình khác nhau làm những việc khác nhau là hoàn toàn bình thường. Mỗi gia đình có truyền thống và những nền nếp riêng quan trọng và ý nghĩa với gia đình đó.
Thường xuyên nói “làm ơn” và “cảm ơn”
Điều này giúp thể hiện sự tôn trọng và biết ơn với người khác và luôn luôn có ích.
Khi đề nghị người khác làm giúp một điều gì đó, cha mẹ hãy dạy con nói “Làm ơn”. Ví dụ, con nói: "Cho con xin cốc nước” thì bạn nên chỉnh lại ngay là “Mẹ làm ơn cho con xin cốc nước”. Khi nhờ ai đó giúp đỡ, con nhớ thêm thán từ 'Làm ơn'.
Và luôn phải nhớ tỏ thái độ cảm kích và nói “Cảm ơn” khi con nhận được quà bánh, sự giúp đỡ... Thêm vào đó, nếu người khác nói cảm ơn, hãy trả lời lịch sự “không có gì”, “rất sẵn lòng”…
Hãy là một tấm gương tốt cho con trẻ
“Làm như mẹ nói, chứ không phải như mẹ làm” là một phương thức không hiệu quả. Con trẻ phải nhìn thấy bạn như là một ví dụ điển hình khi nói đến cách cư xử. Và bằng cách này, cách xử sự không phải là đường một chiều. Nếu bạn muốn con bạn cư xử một cách có lịch sự với mình thì bạn cần phải xử sự như vậy với chúng.
Theo V.H - Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]