Không quá nhiều địa điểm vui chơi, du lịch nhưng Nam Định lại cho người ta cảm giác bình thản và gần gũi. Và đặc biệt hơn, hiếm nơi nào nơi vùng quê Bắc Bộ lại được thấy kiến trúc của những nhà thờ xen chùa chiền bên bạt ngàn đồng lúa như ở đây. Thêm nữa, những thức ngon cũng làm trọn vẹn thêm nghĩa tình của đất lành.
Nem nắm Giao Thủy
Nem là món phổ biến nhưng nem nắm ở Giao Thủy giữ riêng cho mình đặc điểm dễ nhận. Đó là những miếng bì đều mỏng, dài, nhỏ và trắng như cước. Thịt lợn làm khéo léo khiến cho thịt chín tái còn ngọt thơm.
Thính đạt chuẩn không quá cháy mà màu vàng đẹp, trong ngoài như một. Cứ thế, bóp thính, thịt, bì lợn cùng với nước mắm ngon, tỏi, tiêu, ớt sao cho quyện đều nhau. Nem nắm gói trong lá sung bọc ngoài bằng lá chuối, lá dong hoặc giấy báo.
Người đi xa thường mua nem nắm - món ngon Nam Định về làm quà, chẳng cần cho vào tủ lạnh cũng có thể để được mấy ngày.
Nem khi ăn, được gói thành miếng nhỏ chung với lá sung, chấm thêm chút nước mắm thì đúng là: “Tay cầm bầu rượu nắm nem/ Mải vui quên hết lời em dặn dò...”.
Nem nắm Giao Thủy nổi tiếng không chỉ trong tỉnh Nam Định mà thành một đại diện của ẩm thực tỉnh này thi thố với các vùng khác trong nước (Ảnh: Internet)
Vị giòn giòn của bì lợn, ngậy ngậy của thịt ngon và thơm thính, thơm mắm và đậm đà cùng tỏi, cay cay của ớt, chút nhấn nhá nồng nàn hạt tiêu cộng với cái chát chát của lá sung bánh tẻ và lá đinh lăng đắng thật ngon, thật nhớ.
Chè kho
Gọi là chè nhưng lại được ăn bày trong đĩa chứ không phải trong cốc, chè kho rất đặc biệt. Làm từ đậu xanh, nấu ngọt mà dạng khô chứ không nhiều nước như đa số chè khác.
Chè kho ngon ngọt, đầy thơm thảo! (Ảnh: Internet)
Chè kho được người dân Nam Định hay làm vào những dịp lễ cúng. Tuy nhiên, do ăn mát và ngon nên dần dà nó thành đồ ăn vặt được ưa thích, chẳng dịp gì người ta cũng rủ nhau thưởng thức chè kho.
Chè kho - món ngon Nam Định - ăn nguội, để được nhiều ngày do có nhiều đường. Vị ngọt của chè kho cực hợp với ấm trà sen. Ăn chè kho ở Nam Định mới thấy hết cái tinh túy của đất trời và thơm thảo lòng người hiếu khách.
Chè mịn, dẻo, tan nhanh đầu lưỡi nhưng ngọt ngào dân dã mà cực thanh tao, thỉnh thoảng lại có miếng vừng bùi bùi càng làm tăng vị ngon cho món ăn.
Phở
Người ta hay nhắc đến phở Hà Nội nhưng ở Nam Định, phở cũng ngon lành lắm. Cũng là bánh phở, thịt, hành, nước dùng, nhưng người ăn có thể phát hiện ra sự khác nhau giữa hai loại phở này.
Phở Nam Định cũng ngon và khác biệt (Ảnh: Internet)
Người nấu nhất định giữ bí quyết gia truyền nên dù có nhìn bàn tay thoăn thoắt của chủ quán thì thực khách cũng không biết tại sao lại cho ra được bát phở như thế.
Nước dùng trong, ngọt, thơm lừng với bánh phở trắng mềm mà không nát, thịt miếng nào cũng đều nhau, nhìn tươi, ăn vào không hề dai, ngược lại, ngon đến miếng cuối cùng.
Rau thơm, ớt, chanh tươi càng làm cho bát phở thêm hoàn hảo cả vị lẫn dáng hình. Thiếu bất cứ nguyên liệu nào cũng khiến cho phở mất đi vị nguyên gốc.
Kẹo sìu châu
Kẹo sìu châu là món quà ai đi Nam Định cũng mang về theo cho người thân, bạn bè. Nghe tên hơi hướng của người Tàu nhưng thật ra, sìu châu là kẹo thuần Việt đó nhé.
Đơn giản, nhưng lại quyến rũ người ăn bằng cái mộc mạc từ hương vị cho đến hình dáng. Ngay như nhà thơ Nguyễn Khuyến đã phải thốt lên: “Nguyên phùng tả hữu lai vô tận/ ương dẫn Chi Lan nhập tức văn” (Đại ý: Ăn kẹo Sìu Châu thì cảm nhận được hương thơm vương giả như hoa Lan. Ăn vào nhận ra ngay vị thơm ngon, đặc sản của vùng quê Nam Định).
Kẹo sìu châu, nhìn không đẹp nhưng ăn thơm ngọt, đầy chất quê (Ảnh: Internet)
Không phải ai cũng làm được sìu châu vì đó là cả một nghệ thuật. Kĩ thuật chế biến kẹo sìu châu được xem là tuyệt đỉnh của kỹ thuật làm kẹo lạc. Để nấu được kẹo, người thợ cần có đôi tay tinh tế, phải “dẻo tay” để giữ nhiệt độ ổn định của bếp và khó nhất là biết ước lượng tỷ lệ đường, lạc, mạch nha phù hợp với mỗi mẻ nấu.
Kẹo màu trong như hổ phách, khi ăn thấy giòn tan, rạo rực trong miệng vì vị ngọt đậm, thơm lừng.
Bánh nhãn
Bánh nhãn - món ngon Nam Định - có tên gọi như vậy không vì nguyên liệu từ quả nhãn mà là do hình dạng tròn tròn, vàng ngon như long nhãn. Bánh nhãn Nam Định nổi tiếng nhất là ở Hải Hậu vì đây là địa phương có gạo nếp ngon nhất tỉnh.
Bánh nhãn ngon, ngọt, thơm, giòn hấp dẫn ngay từ cái nhìn bên ngoài (Ảnh: Internet)
Nếp, trứng gà, đường, mỡ lợn là những thành phần tạo thành món bánh giòn, mát, ngọt đầy hấp dẫn này. Bột nếp Hải Hậu trộn với trứng gà thật kĩ để tạo thành hỗn hợp dẻo, mịn, rồi viên thành từng viên chiên trong chảo ngập mỡ.
Khi bột được, vớt ra thật nhanh. Đường trắng nấu chảy, cho bột vừa chiên vào để đường bọc ở ngoài thật khéo. Bánh ngon và độ ngọt thế nào phụ thuộc nhiều vào lớp đường này.
Giò lụa
Giò lụa Nam Định luôn được khách sành ăn chọn mua mỗi dịp ghé qua đây: “Giò lụa hương vị đậm đà. Nếu về Nam Định mua quà cho em”.
Từ thịt lợn, người dân đã làm ra món giò ngọt đậm đà, mềm mà vẫn giòn thơm rất riêng. Có được cây giò ngon, người làm phải khó tính ngay từ khâu chọn nguyên liệu cho đến làm lông lợn, giã và nêm nếm mắm, gia vị.
Giò lụa Nam Định đậm đà, giòn thơm rất riêng (Ảnh: Internet)
Giò được quấn bằng lá chuối bánh tẻ, và những người kinh nghiệm cho rằng, giò ngon nhất, đẹp nhất nếu được gói bằng lá chuối tây, bên ngoài buộc lạt. Giò luộc không được quá lửa hay non lửa thì mới tròn vị.
Giò chuẩn là giò khi vớt ra, nhìn bốn góc giò nở bốn hoa thị đều căng, có mùi thơm khiến người từng ăn tứa nước miếng. Từng miếng giò khi thái ra màu hồng, ăn ngọt, giòn mà không khô hay mềm nát, không bị bã.
Bánh gai
Bánh gai Nam Định hay còn được nhắc đến với cái tên bánh gai Bà Thi là món bánh gai giữ truyền thống. Hương vị nguyên bản với loại lá gai ít chát có độ ngậy và thơm hơn cả là lá gai Trực Ninh, Xuân Trường.
Bánh gai Nam Định dùng các nguyên liệu truyền thống, cho ra hương vị nguyên bản (Ảnh: Internet)
Nhân bánh gồm đỗ xanh đồ trộn với đường trắng, thêm mứt hạt sen, một ít cùi dừa nạo nhỏ, vài ba miếng mỡ thái khổ ẩn trong vỏ bánh là bột gạo nếp xay mịn trộn với lá gai giã nhỏ và được rắc ít vừng rang thơm.
Ăn miếng bánh gai vừa thấy dẻo dai, mềm quyện của nếp ngon với thơm thơm sen, dừa, đậu ngọt lành. Bánh gai Nam Định ăn một cái thường chưa thỏa, nên người bán cũng sắp thành từng sâu 5, 10 cái một.
Những chiếc bánh đen lánh, bên ngoài được gói lá chuối khô đơn giản và khiêm nhường đã thành món quà nhỏ cho lữ khách dọc đường và cho cả những người bạn nơi xa.
Theo Tạ Ban - eva.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]