Ở miền Nam trong số các món ngon ngày tết bên cạnh bánh chưng không thể thiếu bánh tét.
Bánh chưng và bánh tét
Ở miền Nam trong số các món ngon ngày tết bên cạnh bánh chưng không thể thiếu bánh tét, nguyên liệu cơ bản không thay đổi, nhưng dùng lá chuối để gói và có hình trụ.
Người miền Bắc thường ăn bánh chưng với dưa hành muối, hòa quyện vị ngọt bùi béo ngậy của bánh với vị thơm hăng của hành.
Từ Huế đến Sài Gòn, món ăn kèm lại đa dạng hơn, có thêm củ kiệu, dưa góp, dưa món,... hoặc vài lát dưa leo.
Các món ăn ngon ngày tết của người miền Bắc trong dịp tết không thiếu được món thịt đông trong nhà ba ngày Tết, đây là món ăn dễ làm, lại rất phù hợp với khí hậu mùa này.
Món ăn khoái khẩu của người miền Trung là măng khô kho cuốn bánh tráng nhưng phải là măng giữa độ tháng Tám đến tháng Mười. Khi chế biến người ta phải qua nhiều lần sơ chế, luộc đi luộc lại để chắt hết nước dão và làm mềm măng, dùng dao tước nhỏ thành sợi.
Kho măng với thịt mỡ hoặc thêm vịt, gà là tùy khẩu vị từng người nhưng phải kho thật lâu từ 1-2 ngày cho gia vị thấm vào măng. Bánh tráng phải chọn loại làm bằng gạo lức Phú Yên, dẻo mà không quá mềm hoặc quá khô, vừa đủ dày và ngọt ăn kèm măng kho.
Người miền Nam giản đơn hơn trong ăn uống nhưng cứ Tết đến lại thêm món thịt kho nước dừa, khổ qua dồn thịt, tàu hũ, mộc nhĩ, nấm hương, dưa chua, chả lụa...
Các món đều có thể để dành được vài ngày, vừa để ăn vừa để đãi khách, không mất công nấu nướng nhiều, dành thời gian đi thăm viếng người thân, bạn bè hoặc du lịch, vui chơi.
Bánh mứt
Người Việt có phong tục cứ đến Tết thì nhà nào cũng có món ngon ngày tết - món mứt trong nhà: từ mứt dừa, mứt gừng, mứt khoai,... cho đến các loại mứt dẻo như mãng cầu, tắc, me, thơm...
Nhiều người nước ngoài sinh sống ở Việt Nam ngạc nhiên khi thấy hầu hết trái cây, củ, quả gì người dân mình cũng có thể chế biến thành mứt.
Trái cây
Trên bàn thờ cúng ông bà tổ tiên ngày Tết không thể thiếu trái cây. Trái cây đơm trên bàn thờ phải tươi nguyên, còn cả cuống lá xanh để có thể trưng đến ra giêng mà không hư. Mỗi người có cách trưng trái cây trên bàn thờ khác nhau.
Đơn giản có thể chọn nải chuối khéo chưng lên cao đan xen nhau cùng với dưa hấu, thơm, bưởi...; cầu kỳ hơn trưng bày trái cây trên bàn thờ theo nghĩa long, lân, quy, phụng khá công phu. Lại còn có cách trưng bày trái cây theo nghĩa "chơi chữ": cầu (mãng cầu), vừa (dừa), đủ (đu đủ), xài (xoài).
Tất cả hướng đến mong muốn cầu chúc mọi người trong gia đình dòng họ được sung túc, đầy đủ, trọn vẹn trong suốt năm.
“Cân đo” cổ tết
Trong các món ngon ngày Tết thì giò bì là món được rất nhiều gia đình ưa chuộng và chuẩn bị vào dịp xuân về. Giò bì được làm từ bì heo trộn với thịt nạc, vừa thơm lại vừa ngon miệng.
Giò có rất nhiều loại, nào là giò thủ làm từ thịt đầu heo, giò lụa làm từ thịt nạc heo… Chính vì không phải mất công chế biến, chỉ cần cắt là ăn nên từ trẻ con cho đến người lớn đều có thể dùng để nhâm nhi trong khi chờ đợi món chính.
Theo Phunutoday
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]