Bước vào kỳ thực tập, không ít sinh viên đã “vỡ mộng” khi không được giao những công việc theo đúng chuyên ngành. Thay vào đó, lại có vô khối thời gian chỉ để ngồi chơi, xơi nước.
Đến cơ quan… xem phim
Đào Thị Lan (sinh viên trường Đại học Văn hóa) trước khi đi thực tập khấp khởi mừng thầm vì xin được vào một cơ quan truyền thông, đúng như ngành Lan đang theo học.
Trần Vương tại cơ quan thực tập.
Nhưng sau tuần làm việc đầu tiên, Lan đã rất thất vọng khi không được tham gia vào các khâu sản xuất sự kiện truyền thông nhiều như bạn mong muốn. Thay vào đó, hàng ngày Lan đến cơ quan đúng giờ, nhưng chỉ để ngồi lướt web và xem các bộ phim ngôn tình đang hot trên mạng.
Tương tự với hoàn cảnh của Lan, Nguyễn Liễu (theo học ngành Kế toán, Đại học Lao động - Xã hội) cũng ngán ngẩm khi không được thực hành những lý thuyết nhà trường đã dạy, trái lại còn phải làm những công việc “quen thuộc” mà Liễu được sinh viên khóa trên kể lại như pha nước, quét phòng, đi photo giấy tờ, làm chân sai vặt cho anh chị tại cơ quan.
Hiếm lắm mới có lúc Liễu được đảm đương công việc như một nhân viên thực thụ, đó là lúc có người bận đột xuất.
Liễu thở dài: “Đã được cảnh báo trước rồi nhưng mình không ngờ lại phải làm việc với ấm chè nhiều hơn con số”.
Có thể nói, với những sinh viên không có chí tiến thủ, kỳ thực tập là lúc để rong chơi, lười biếng. Nhưng bên cạnh đó, vẫn còn rất nhiều bạn trẻ suy nghĩ thực tế, mong muốn tiếp thu được nhiều kinh nghiệm để phục vụ công việc sau này nên thời gian thực tập xem như vừa vô bổ vừa lãng phí.
Những con số “ảo”
Một thực trạng đáng buồn khi sinh viên đi thực tập hiện nay đó là sinh viên không làm việc nhưng vẫn có những bài báo cáo rất chi tiết.
Không ít các cơ quan thực tập không tin tưởng giao việc cho sinh viên, dẫn đến việc sinh viên đến cơ quan chỉ vật vờ ngồi chơi game, nghe nhạc hay làm các công việc lặt vặt. Đến khi viết báo cáo thì lên mạng copy số liệu, thông tin cho vào bài là xong.
Hải Yến - sinh viên ngành Kế toán - cho hay: “Đến thực tập cũng như không vì chẳng có việc gì mà làm, tốt nhất cứ ở nhà, cuối kỳ thực tập mang giấy tờ lên, sẽ được đánh giá tốt hết, rồi số liệu cơ quan cho, cứ thế làm báo cáo”.
Nhiều trường thực tập theo nhóm thì cả nhóm báo cáo y chang nhau, bài vở chẳng có gì khác nhưng vẫn được điểm cao hết.
Đừng chủ quan với "bước chạy đà"
Bên cạnh tình trạng đáng buồn của thực tập, vẫn có những sinh viên thực sự năng nổ, nhiệt huyết với nghề và được tạo điều kiện để phát huy thế mạnh của mình.
Đối với Trần Vương - sinh viên Học viện báo chí và tuyên truyền - kỳ thực tập này đã đem lại những kinh nghiệm rất bổ ích.
Riêng với sinh viên báo chí, việc tìm kiếm, phát hiện đề tài và việc thực hiện nó theo đúng mục tiêu quả là không dễ dàng. Khi gặp khó khăn, vướng mắc thì tìm đến những người hướng dẫn, anh, chị, bạn bè, đồng nghiệp có kinh nghiệm. Nhưng cũng có những lúc bản thân phải tự đưa ra các quyết định để giải quyết công việc.
Nghề báo đòi hỏi người phóng viên luôn ở tư thế sẵn sàng. Có hôm đang ngủ nhưng có tin gì mới Vương lại lập tức xách máy ảnh đi ngay. Kết thúc kỳ thực tập, Vương đã được đăng rất nhiều tin bài và bỏ túi được kha khá tiền nhuận bút.
“Nhờ quá trình thực tập, mà tôi có cơ hội được làm công việc mà mình yêu thích, chỉ tiêu chỉ là một phần. Sau quá trình thực tập tôi cảm thấy tự tin hơn trong quá trình thực hiện nghiệp vụ của mình.
Kỳ thực tập cũng mở ra cho tôi những góc nhìn mới về công việc, những mối quan hệ mới mà trước kia tôi chưa hề có”, Trần Vương chia sẻ.
Bùi Hoàn - sinh viên ngành Xuất bản, Đại học Văn hóa - cho rằng, kỳ thực tập là một trải nghiệm thú vị với bạn.
Sau thời gian thực tập, Hoàn đã nắm được nhiều kiến thức chuyên ngành như: Nhu cầu xuất bản phẩm, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em mà thị trường cần; sắp xếp sản phẩm sao cho đẹp và thuận tiện khi lấy hóa đơn; biết lấy đơn hàng và làm hóa đơn; cách bán hàng, nắm bắt tâm lý khách hàng….; và đặc biệt là học được kỹ năng thuyết phục rất hữu dụng.
Kỳ thực tập là một cơ hội tuyệt vời để sinh viên bước ra từ những trang sách trên nhà trường, tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, là dịp để sinh viên áp dụng những lý thuyết đã học để ứng dụng vào làm việc thực tiễn.
Chắc chắn bước chuyển này sẽ đặt sinh viên vào nhiều tình huống khó khăn, nhưng có cố gắng thì nhất định được đền đáp. Tuy nhiên, với niềm đam mê thực sự dành cho công việc và tinh thần tự học hỏi, các bạn sinh viên sẽ có một kỳ thực tập thực sự đáng nhớ.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]