Atlat Địa lý Việt Nam được coi là tài liệu duy nhất mà học sinh được sử dụng trong tất cả kỳ thi. Nó là "bạn đồng hành" không thể thiếu của các sĩ tử khi bước vào phòng thi môn Địa lý.
Atlat được xây dựng dựa trên chương trình địa lý Việt Nam, diễn giải các vấn đề địa lý đi từ cái chung đến riêng, từ tự nhiên đến kinh tế xã hội, từ tổng thể đến các bộ phận.
Tuy nhiên, không phải ai cũng biết sử dụng "bảo bối" này theo đúng cách. Trong chương trình Chinh phục kỳ thi THPT 2017, cô Nguyễn Thị Tuyết Mai, giáo viên Địa lý trường THPT Việt Đức (Hà Nội), đã bật mí với các sĩ tử bí quyết để sử dụng Atlat một cách hiệu quả.
Theo chia sẻ của cô Tuyết Mai, thí sinh cần làm quen với Atlat ngay từ trong quá trình ôn tập, thay vì chỉ sử dụng trong phòng thi vì nó chỉ có hiệu quả đối với những em có kiến thức và kỹ năng sử dụng thành thạo.
Cô đặc biệt lưu ý học sinh nên dành thời gian xem trang thứ ba của quyển Atlat lớp 12. Đây là trang giải thích các ký hiệu về yếu tố tự nhiên, ký hiệu về các ngành công nghiệp, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản và nhiều yếu tố quan trọng khác.
Trong bài thi, thí sinh sẽ dễ dàng bắt gặp những câu hỏi như nêu sự phân bố các mỏ khoáng sản, sự phân bố của các bãi biển đẹp hoặc các nhà máy thủy điện…
Việc nắm vững các ký hiệu chung ở trang thứ ba của Atlat Địa lý sẽ giúp các em tự tin hơn khi làm bài và dễ dàng đạt điểm tối đa trong câu hỏi này.
Học sinh cần nắm vững các ký hiệu ở trang ba của Atlat Địa lý để hoàn thành bài thi tốt hơn. Ảnh cắt từ clip. |
Học sinh đã học thuộc ký hiệu, chỉ cần nhìn vào đối tượng địa lý là có thể đọc được bản đồ. Những em chưa thuộc ký hiệu, cần đối chiếu với ký hiệu ở trang mở đầu.
Khai thác một trang Atlat cần lưu ý những nội dung liên quan được thể hiện trong trang đó, gồm nội dung chính (các nội dung thể hiện trong bản đồ hình thể Việt Nam và nội dung phụ là các biểu đồ bảng số liệu, tranh ảnh xung quanh bản đồ).
Atlat có thể là công cụ hữu hiệu để nhớ nhanh các dẫn chứng cho bài thi mà không cần phải học thuộc lòng. Bên cạnh đó, học sinh cũng có thể sử dụng Atlat như một nguồn số liệu (thay vì phải nhớ rất nhiều số liệu từ SGK). Ví dụ, số liệu về dân số Việt Nam qua các năm hay tên của các đô thị, trung tâm công nghiệp, bãi biển du lịch...
Muốn sử dụng Atlat Địa lý Việt Nam thành thạo, học sinh phải chăm chỉ ôn tập trên Atlat, luyện đề, giải đề theo từng trang, có bộ câu hỏi về kỹ năng sử dụng Atlat.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]