Nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện thí điểm tự chủ ĐH đã được các trường ĐH nêu lên tại Hội nghị tổng kết thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục ĐH công lập theo Nghị quyết số 77 của Chính phủ giai đoạn 2014-2017, tổ chức tại Hà Nội ngày 20/10.
Chồng chéo quy định
Tính đến tháng 9, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động giai đoạn 2015-2017 cho 23 trường công lập.
Đánh giá kết quả thí điểm tự chủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Phùng Xuân Nhạ đánh giá tự chủ ĐH ở nước ta hiện nay vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập.
Trong đó, chính sách, pháp luật về tự chủ chưa đồng bộ, cơ chế quản lý theo chế độ "bộ chủ quản" không còn phù hợp. Các trường được giao thí điểm tự chủ vẫn chưa nhận thức đầy đủ về tự chủ ĐH, chưa chuẩn bị tốt các điều kiện để thực hiện tự chủ.
Sinh viên ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM trong giờ nghiên cứu khoa học. Đây là trường được thí điểm tự chủ theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ. |
Thêm vào đó, năng lực quản trị ĐH của nhiều trường chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra; cơ chế bảo đảm tính công khai, minh bạch, nâng cao trách nhiệm giải trình với các bên liên quan chưa hiệu quả. Hiện vẫn còn 4 trường thí điểm tự chủ nhưng chưa thành lập hội đồng trường.
Nhóm nghiên cứu toàn diện về tự chủ ĐH của ĐH Kinh tế Quốc dân cho rằng dẫn đến những vướng mắc, hạn chế trên là do hoạt động tự chủ của các trường đang chịu ảnh hưởng trực tiếp của rất nhiều luật.
Dù đã có một số văn bản "cởi trói" cho các trường được thí điểm tự chủ nhưng do tất cả các văn bản đó đều không thể vượt qua khỏi luật, đặc biệt là Luật Giáo dục ĐH, Luật Đầu tư công, Luật Khoa học công nghệ…
Thực tế, các trường ĐH tự chủ vẫn cho rằng cơ sở pháp lý về tự chủ ĐH chưa vững chắc và thiếu đồng bộ. Nghịch lý là trong khi các trường thí điểm tự chủ cần triển khai thực hiện theo Nghị quyết 77/NQ-CP năm 2014 của Chính phủ thì được hướng dẫn "làm theo quy định hiện hành".
Giao quyền cho các trường
Theo Phó thủ tướng Vũ Đức Đam, khó khăn trong thực hiện tự chủ ĐH hiện nay liên quan đến vấn đề nhận thức về lợi ích và trách nhiệm, giống như hình ảnh "1 khóa, 2 chìa và 4 nấc".
Nấc 1 là trường không được tự chủ chút nào, nhà nước bao cấp hết thì khóa rất chặt. Nấc 2 cho trường tự chủ một phần chi thường xuyên, khóa sẽ mở ra thêm một chút.
Nấc 3 là trường tự chủ toàn bộ chi thường xuyên thì nới ra chút nữa. Nấc 4 phải đợi đến khi tự chủ toàn bộ, kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên, mới cho tự chủ hoàn toàn. Còn 2 chìa gồm một chìa là của cơ quan quản lý nhà nước, một chìa là cơ quan chủ quản.
Phó Thủ tướng cho rằng phải hiểu đúng về tự chủ. Tự chủ ở đây trước hết là tự chủ về chuyên môn, học thuật trong giảng dạy và nghiên cứu. Ngược lại phải bỏ can thiệp hàng ngày, áp đặt hành chính vào nội bộ các trường ĐH.
Phó Thủ tướng lưu ý để thực hiện tự chủ, Bộ GD&ĐT cần tháo gỡ tối đa các quy định, nhất là với các trường đã tự chủ tốt. Cơ quan chủ quản cũng phải bỏ suy nghĩ lâu nay là coi nhà trường như một vụ, như một trung tâm của mình mà quên mất đây là một trường ĐH.
Bên cạnh đó, cần đổi mới ngay tư duy của lãnh đạo các trường, trực tiếp là hiệu trưởng. Hội đồng trường phải quyết định 2 vấn đề: một là tổ chức bộ máy nhân sự của trường (kể cả quyết ai là hiệu trưởng, hiệu phó, trưởng khoa, trưởng bộ môn); hai là quyết định về tài chính, chi ở mức nào trở lên thì hội đồng trường phải thông qua, mức nào trở xuống thì ban giám hiệu quyết định…
"Chừng nào "giáo vụ còn là cụ giáo viên" thì còn chưa có tinh thần tự chủ ĐH một cách xuyên suốt" - Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]