Đến bất kì điểm tham quan nào trên đất nước Nhật Bản, chúng ta đều bắt gặp rất nhiều học sinh ở mọi độ tuổi đi học ngoại khóa.
Có một điểm chung của các học sinh này là đều đi theo hàng lối ngay ngắn, từng nhóm chủ động phân chia tìm hiểu về di tích tham quan. Dù đoàn rất đông nhưng không ai bảo ai đều trật tự, lắng nghe hướng dẫn của thầy cô.
Học sinh thường mặc đồng phục, đầu đội mũ “Totto-chan” đủ màu của mỗi trường khi đi ngoại khóa. Đây cũng là cách giúp thầy cô dễ kiểm soát và bạn bè cùng trường dễ nhận biết nhau trong đám đông. Cứ hai người một hàng đi với nhau vô cùng trật tự.
Tại một ngôi chùa rất nổi tiếng ở nước Nhật có tên Thanh Thủy thuộc cố đô Kyoto, rất nhiều trường dẫn học sinh đến đây tham quan, tìm hiểu văn hóa, di tích lịch sử.
Số lượng học sinh đến tham quan mỗi ngày lên đến con số hàng trăm nghìn nhưng việc quản lý không hề khó khăn vì em nào cũng có ý thức tôn trọng và bảo vệ không gian chung.
Trong hình là hình ảnh một lớp học sinh cấp 2 xếp hàng đợi đến lượt vào ngôi chùa Thanh Thủy
Ở một khu vực khác, từng nhóm học sinh đều đứng theo hàng lối và chăm chú nghe theo hướng dẫn của thầy cô.
Dù là ở đâu, thời điểm nào và độ tuổi nào, mỗi học sinh đều tuân thủ quy tắc theo hàng theo lối, ngay ngắn, khẩn trương.
Các bé trong ảnh chỉ khoảng 3-4 tuổi nhưng cũng đã được thầy cô dẫn đi ngoại khóa ở các khu di tích. Hình ảnh này trở nên vô cùng quen thuộc với mỗi người dân Nhật Bản.
Trẻ em Nhật Bản được học tính tự lập từ nhỏ nên dù nhỏ tuổi nhưng đi ra ngoài khám phá mà bố mẹ không phải lo lắng gì.
Chính việc đi khám phá thế giới bên ngoài từ nhỏ giúp trẻ em Nhật Bản dạn dĩ và có thể tự đi học.
Ngay cả đi học khi mới chỉ ở cấp tiểu học, mỗi học sinh cũng phải tự đi bộ cùng các anh chị lớp trên và bố mẹ “không được phép” đưa con đi học. Tự đi bộ đến trường giúp trẻ em Nhật Bản rèn luyện sức khỏe và tính tự lập từ rất sớm.
Khi vào trong khuôn viên chùa, các lớp sẽ được chia theo nhóm, ngồi chăm chú nghe thầy cô giảng giải kiến thức lịch sử, văn hóa. Không học qua sách vở mà đến thực tế trực tiếp tìm hiểu, mày mò là cách mỗi đứa trẻ Nhật Bản học lịch sử không hề khô khan và giúp chúng luôn tự hào về truyền thống dân tộc.
Từng nhóm học sinh sẽ được hướng dẫn viên địa phương giảng giải tận tình. Hướng dẫn viên tại các điểm tham quan này thường là những người cao tuổi. Họ cho rằng mình cần phải cống hiến cho xã hội, giúp thế hệ trẻ tìm hiểu lịch sử đất nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc. Học sinh cũng mang theo sách vở để ghi chép dữ liệu quan trọng và hỏi trực tiếp hướng dẫn về những điều còn khúc mắc.
Rất nhiều bạn chủ động đọc bảng hướng dẫn, giải thích tại di tích để hiểu hơn về địa danh.
Thêm một điều rất thú vị là học sinh Nhật xếp hàng chụp ảnh rất nhanh. Chỉ trong vòng ba phút nhưng em nào em nấy đã xếp hàng ngay ngắn và chụp xong tấm hình lưu niệm để cho các đoàn tiếp theo vào chụp ảnh.
Khi đi dã ngoại ngoài trời, mỗi em mang theo đầy đủ dụng cụ cho một buổi đi chơi. Từng nhóm tự tổ chức hoạt động với nhau. Nhóm học sinh này chỉ chừng đầu cấp 2 nhưng tổ chức rất chặt chẽ và phân công nhiệm vụ rõ ràng cho từng người.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]