Cô Tâm cho rằng, khi học sinh giải toán, điều không thể thiếu là các em phải thực hiện đúng các phép tính. Song thực tế, không ít học sinh còn hổng kiến thức về ý nghĩa của phép tính, kĩ năng thực hiện phép tính chưa thành thạo.
Vì vậy việc trang bị những kiến thức về ý nghĩa phép tính là rất quan trọng, cần thiết vì nó giúp học sinh trong từng tình huống cần làm phép tính gì cho phù hợp.
Mặt khác, học sinh không có kĩ năng thành thạo khi thực hiện phép tính thì sẽ dẫn tới một bài làm sai mặc dù phương pháp giải đúng.
Để học sinh lĩnh hội đầy đủ kiến thức về các loại toán điển hình và có kĩ năng giải các bài toán điển hình, khi dạy một loại toán điển hình, cần thực hiện các bước:
Bước 1: Hướng dẫn học sinh phân tích và giải mẫu về loại toán điển hình (theo các bài toán cho sẵn trong phần bài mới của sách giáo khoa).
Bước 2: Rút ra quy tắc (hoặc công thức hay các bước làm) của từng dạng toán.
Bước 3: Học sinh giải các bài toán tương tự bài toán mẫu (song thay đổi các dữ kiện, điều kiện của bài toán).
Bước 4: Cho học sinh giải các bài toán phức tạp dần.
Rèn kĩ năng nhận dạng các dạng toán điển hình
Trong quá trình giải toán có lời văn, đặc biệt là giải toán điển hình, mỗi lần gặp một bài toán mà học sinh lại phải tính lại từ đầu thì sẽ rất lâu, mất nhiều thời gian.
Vì vậy cần rèn cho học sinh nhận dạng nhanh các dạng toán. Từ đó, học sinh huy động vùng kiến thức, kĩ năng cần thiết vào giải bài toán.
Rèn kĩ năng vẽ sơ đồ đoạn thẳng
Mục đích của tóm tắt bài toán là phân tích đề toán để làm rõ bài toán cho gì và bài toán hỏi gì, thu gọn bài toán rồi từ đó tìm ra cách giải hợp lí.
Bởi vậy, vẽ sơ đồ trước khi giải bài toán là cần thiết. Riêng đối với các bài toán về mối quan hệ số học “Tổng (hiệu) và tỉ số” như trên thì cần phải vẽ sơ đồ đoạn thẳng vào phần trình bày bài giải bài toán.
Rèn kĩ năng viết câu trả lời
Với bất kì bài toán có lời văn nào, khi làm bài giải, học sinh đều phải viết câu trả lời, viết phép tính tương ứng, viết đáp số. Nhiều học sinh chọn được phép tính đúng song câu trả lời chưa đầy đủ hoặc sai.
Vì vậy, việc rèn kĩ năng viết câu trả lời là cần thiết. Để có câu trả lời đúng, đủ thì phải rèn từng bước.
Rèn kĩ năng giải bài toán mới
Việc giải bài toán mới là một yêu cầu trọng tâm khi dạy học sinh giải toán. Học sinh thể hiện việc tiếp thu kiến thức, rèn luyện kĩ năng qua việc trình bày bài giải.
Vì vậy, để rèn kĩ năng giải bài toán mới cho học sinh, nên cho học sinh làm các bài tập từ dễ đến khó.
Khi hướng dẫn học sinh rèn kĩ năng giải toán, đối với những bài tập dễ có thể để học sinh tự làm sau đó nhắc lại quy tắc, công thức.
Nếu học sinh quên có thể cho học sinh phân tích lại đề toán, nhắc lại dạng toán để học sinh nhớ lại cách làm. Đối với những bài toán khó hơn, đưa về các bài toán đơn, dùng hệ thống câu hỏi gợi ý để hướng dẫn.
Rèn kĩ năng đặt đề toán
Việc đặt đề toán tạo điều kiện cho học sinh phát triển vốn từ, phát triển tư duy. Các em phải nghĩ ra những tình huống có thể xảy ra trong thực tế để đưa vào bài toán.
Để đặt được đề toán thì học sinh cần có kĩ năng giải toán thành thạo. Vì vậy việc rèn kĩ năng đặt đề toán là yêu cầu quan trọng, cần phải làm.
Dạy nâng cao cho học sinh khá, giỏi
Trong một lớp không thể tránh khỏi tình trạng có nhiều đối tượng học sinh khác nhau về trình độ nhận thức. Nếu học sinh trung bình chỉ cần hoàn thành hết các bài tập trong sách giáo khoa thì học sinh khá giỏi có nhu cầu mở rộng tầm hiểu biết.
Mặt khác, giáo viên cần dạy theo đối tượng học sinh. Vì vậy, ngoài biện pháp giúp đỡ học sinh yếu kém thì cần có biện pháp để giúp học sinh khá giỏi được học nâng cao hơn.
Trong các tiết dạy học trên lớp, sau khi học sinh khá giỏi hoàn thành các bài tập trong sách giáo khoa, giáo viên có thể tăng mức độ khó của các bài toán bằng cách:
Giữ nguyên dữ kiện nhưng tăng yêu cầu (có thể giải bằng nhiều cách, hỏi thêm một số câu hỏi khó); phát biểu các dữ kiện đã cho dưới dạng ẩn.
Giáo viên cũng có thể đưa thêm các bài tập nâng cao khác có liên quan đến toán điển hình.
Những lưu ý chung
Cô Nguyễn Thị Thanh Tâm cho rằng, để nâng cao chất lượng học tập của học sinh, cần phải nâng cao hiệu quả giảng dạy; tức phải giảng theo hướng đổi mới. Giáo viên phải thực sự say mê với nghề nghiệp, luôn luôn nghiên cứu đổi mới phương pháp dạy.
Người giáo viên cũng cần nghiên cứu kỹ nội dung chương trình bài dạy sách giáo khoa xác định đúng trọng tâm yêu cầu của bài để chủ động về thời gian và lượng kiến thức cần cung cấp;
Cần chuẩn bị tốt bài soạn xác định đúng mục tiêu yêu cầu của bài dạy, thiết lập mối quan hệ giữa bài trước với bài sau. Dạy từ dễ đến khó. Cần tìm hiểu kĩ thực tế xem học sinh thường mắc những sai lầm, gặp những khó khăn gì để đưa ra biện pháp khắc phục;
Cần chuẩn bị tốt đồ dùng trực quan và sử dụng có hiệu quả, tạo không khí lớp học thoải mái.
Đồng thời, kết hợp linh hoạt các hoạt động và hình thức tổ chức dạy học. Giáo viên chỉ là người hướng dẫn, gợi mở để giúp học sinh tìm ra cách giải của bài toán, không làm thay, áp đặt học sinh. Muốn vậy, giáo viên phải có hệ thống câu hỏi gợi ý phù hợp; coi trọng sơ đồ trong dạy học giải toán điển hình.
Riêng với toán điển hình, mỗi dạng toán điển hình thường được giải theo một quy trình như một thuật toán, nên cần giúp học sinh nắm chắc quy trình giải của từng dạng toán, phân biệt quy trình giải của các dạng toán điển hình dễ nhầm lẫn và khuyến khích học sinh tìm tòi các cách giải khác nhau để phát huy tính tích cực, sáng tạo của các em.
Người giáo viên cũng cần nâng cao trình độ về toán học thông qua nghiên cứu các tài liệu, thăm lớp dự giờ và các buổi hội thảo chuyên đề. Thường xuyên tiếp thu các ý kiến thiết thực. Từ đó nghiên cứu tìm ra những phương pháp giảng dạy hợp lí nhất.
Theo Giaoducthoidai
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]