Sau khi công bố điểm trúng tuyển, thông tin nhiều trường cao đẳng ở địa phương có mức điểm chuẩn cho tổ hợp 3 môn chỉ "loanh quanh" 9, 10 khiến dư luận lo lắng về chất lượng giáo viên tương lai.
Nhà trường lý giải về điểm chuẩn thấp
Chia sẻ với PV sáng 9/8, ông Nguyễn Hữu Tuyến - Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Bắc Ninh - thông tin trong đợt xét tuyển đầu tiên, nhà trường lấy mức điểm chuẩn 9 cho các ngành Sư phạm Toán, Sư phạm Sinh, Sư phạm Ngữ văn. Một số ngành khác lấy điểm chuẩn cao hơn là Giáo dục Mầm non: 15,75 điểm, Giáo dục Tiểu học: 17,75.
Lý giải về mức đầu vào "rớt giá" khi chỉ có 9 điểm cho 3 môn, vị hiệu trưởng nêu lý do: Thứ nhất, nhà trường tạo cơ hội cho học sinh đến nhập học ở các nguyện vọng 2, 3, vì theo nguyên tắc đợt xét tuyển sau điểm chuẩn sẽ cao hơn đợt 1.
Thứ hai, đây cũng là cơ hội để học sinh bị loại ra ở các khoa có điểm chuẩn cao như Giáo dục Mầm non, Giáo dục Tiểu học được vào ngành sư phạm cơ bản.
Thứ ba, điểm chuẩn thấp là cách giúp học sinh có “sơ suất” bị điểm kém trong quá trình thi nhưng có khả năng ở 3 năm học cấp ba và có sự vươn lên khi vào trường.
Học sinh thi THPT quốc gia. Ảnh: Anh Tuấn. |
Ngoài ra, nhà trường lấy điểm chuẩn thấp do từ năm 2016, Bộ GD&ĐT không quy định mức điểm sàn cao đẳng. Các trường sư phạm gặp khó khăn khi sinh viên thường lao vào các ngành dễ xin việc khác. Riêng với ngành sư phạm, các khoa cơ bản, lượng giáo viên trong trường tương đối ổn định nên sinh viên ít chọn lựa, trong khi chỉ tiêu của trường còn nhiều.
Theo hiệu trưởng CĐ Sư phạm Bắc Ninh, thống kê của phòng đào tạo sáng 9/8 cho thấy không có em nào đạt 9 điểm/3 môn thi đến nhập học, một số ít các em có điểm thấp nhất là 12.
Năm ngoái, nhà trường cũng lấy điểm chuẩn là 9 cho nhiều ngành sư phạm nhưng học sinh đến nhập học có điểm thấp nhất là 14, quá trình đào tạo sau đó tiến triển tốt.
Đại diện trường cho rằng theo kinh nghiệm tuyển sinh, thực tế những em được 9 điểm/3 môn sẽ tự biết khả năng của mình mà không đến nhập học. Ngoài ra, mọi năm, học sinh đến trường sẽ được bộ phận tuyển sinh tư vấn về năng lực, hướng chọn nghề nghiệp khác nếu phù hợp. Tuy nhiên trong năm nay, nhà trường chỉ được tiếp xúc thông tin với học sinh qua mạng nên không có hồ sơ cụ thể để thực hiện tư vấn.
“Nếu các em đạt 9 điểm/3 môn đến xác nhận nhập học, trường vẫn tuyển sinh nhưng có những tư vấn riêng. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chưa năm nào có học sinh ở mức điểm này đến học”, ông Nguyễn Hữu Tuyến nói.
Hiệu trưởng CĐ Sư phạm Bắc Ninh: 95% sinh viên xin được việc (?)
Ông Nguyễn Hữu Tuyến thông tin năm 2016, toàn trường tuyển được 80% tổng chỉ tiêu. Cũng theo báo cáo của trường gửi Bộ GD&ĐT năm 2016, tỷ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 95%.
Vị hiệu trưởng cho biết CĐ Sư phạm Bắc Ninh luôn chú trọng siết chặt đầu ra.
Cụ thể, trường có phòng quản lý thi chuyên biệt, việc coi thi và chấm thi được đánh giá nghiêm túc, giảng viên có bề dày kinh nghiệm.
Mỗi năm đều có số lượng nhất định sinh viên không theo học được, đã chuyển ngành nghề.
“Học sinh đầu vào có thể sơ suất bị điểm thấp nhưng trong quá trình học các em phát huy và vươn lên. Đầu ra của ngành sư phạm cũng còn do xã hội đánh giá khi tham gia thi tuyển theo quy định viên chức”, ông Tuyến nhấn mạnh.
Hiệu trưởng nhà trường cũng thông tin trước sự quan tâm của dư luận, từ năm 2018, có thể nhà trường sẽ tuyển sinh theo cách kết hợp xét tuyển học bạ và kết quả kỳ thi THPT quốc gia.
Nỗi lo nguy hại cho tương lai
Theo PGS Văn Như Cương - Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Lương Thế vinh, Hà Nội - việc trường cao đẳng lấy mức trúng tuyển 9 điểm để vào ngành sư phạm là nguy hại, nỗi lo cho thế hệ tương lai. Bởi theo kinh nghiệm của các nước có nền phát triển tiên tiến, chất lượng giáo viên quyết định nền giáo dục quốc gia.
Phân tích về điều này, PGS Văn Như Cương cho rằng để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục hiện nay, việc đầu tiên là thay đổi thầy, cô. Nếu chất lượng giáo viên yếu kém, công cuộc đổi mới không thành công.
PGS Văn Như Cương phân tích một sinh viên sư phạm có năng lực kém, khi vào trường được đào tạo chưa chắc đã giỏi. Điều này tạo ra thế hệ giáo viên không đủ chất lượng.
“Ngành sư phạm còn nhiều vấn đề chưa thu hút người học như lương bổng, ưu đãi. Nhất là thời gian mới đây, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ có phát ngôn về việc bỏ biên chế giáo viên khiến nhiều người trẻ nhận thấy đây là nghề nghiệp không còn ổn định”, PGS Văn Như Cương phân tích.
Người có kinh nghiệm lâu năm trong ngành giáo dục khẳng định, nhiệm vụ quan trọng của ngành giáo dục không phải đào tạo giáo viên mới, mà là dạy lại đội ngũ giáo viên cũ, chưa đủ trình độ để phục vụ việc đổi mới.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]