77% tranh chấp chung cư liên quan tới quỹ bảo trì
Tại chung cư Happy Star Tower (Long Biên, Hà Nội) tranh chấp liên quan tới phí dịch vụ và quỹ bảo trì liên tục diễn ra khi cư dân cho rằng Ban quản lý tòa nhà của chủ đầu tư không minh bạch trong các khoản chi phí. Hội nghị chung cư không được chủ đầu tư thực hiện để bàn giao quỹ bảo trì cho cư dân.
“Chủ đầu tư tổ chức hội nghị nhà chung cư nhưng tất cả chỉ làm “giả dối” vì muốn tổ chức hội nghị nhà chung cư thì phải làm nhiều bước từ hội nghị trù bị, đưa ra quy chế chung, đưa công khai các ứng cử viên trong ban quản trị... Chủ đầu tư không làm bất kỳ 1 vấn đề gì thì không thể nói là tổ chức hội nghị nhà chung cư” - đại diện cư dân chung cư Happy Star Tower cho biết.
Mâu thuẫn ở chung cư Happy Star Tower liên tục bị đẩy lên, gần đây nhất là toàn bộ điện thang máy, điện chiếu sáng tầng hầm, điện chiếu sáng hành lang tòa nhà bị cắt. Nguyên nhân khiến Công ty điện lực Long Biên cắt điện là do Ban quản lý tòa nhà tháng 3 và tháng 4 chưa đóng tiền điện (hơn 179 triệu đồng). Chủ đầu tư đưa ra lý do người dân không đóng phí dịch vụ nên không có tiền nộp tiền điện còn cư dân thì yêu cầu chủ đầu tư minh bạch các khoản phí, chi tiêu, giá điện người dân mới đóng góp.
Tại Hà Nội, trong số 745 (cụm, toà) chung cư thương mại trên địa bàn thành phố thì có đến 129 chung cư có tranh chấp, khiếu kiện, tiềm ẩn phức tạp. TP.HCM hiện có 935 chung cư cao tầng thì cũng có tới 107 chung cư đang có tranh chấp. Trong số 44 vụ tranh chấp chung cư được Sở Xây dựng TP.HCM giải quyết thì có đến 34 vụ (chiếm 77%) tranh chấp liên quan phí bảo trì.Câu chuyện tại chung cư Happy Star Tower chỉ là một trong số hàng trăm trường hợp tranh chấp phí dịch vụ và quỹ bảo trì tại các chung cư trên cả nước kéo dài trong suốt thời gian qua.
Có ban quản trị vẫn mâu thuẫn
Ông Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Hội môi giới Bất động sản Việt Nam cho rằng, mâu thuẫn nhiều nhất ở các chung cư là vấn đề quỹ bảo trì và sử dụng diện tích chung. Tuy nhiên, hiện nay quá trình vận hành tòa nhà cũng đã phát sinh các mâu thuẫn. Lợi ích chung của cư dân, lợi ích của chủ đầu tư, vai trò ban quản trị, đơn vị được thuê quản lý vận hành và vai trò của chính quyền... đây là tổng hợp các lợi ích đan xen.
“Một số chung cư sau khi thành lập ban quản trị và tiếp quản quỹ bảo trì mới xảy ra những mâu thuẫn. Đơn vị được thuê quản lý vận hành nhà chung cư đủ điều kiện chưa nhiều, nêu thuê đơn vị không có nghiệp vụ sẽ gây hư hỏng ảnh hưởng đến chất lượng tòa nhà. Điều này đã xảy ra và phát sinh những mâu thuẫn. Bên cạnh đó chính những thành viên trong ban quản trị được người dân bầu ra sau đó lại không đại diện lợi ích cho người dân, không minh bạch trong chi phí điều hành khi quỹ bảo trì được quản lý có thể lên đến hàng chục tỷ đồng” - ông Đính nói.
Thực tế một số tòa nhà chung cư mô hình ban quản trị hoạt động chưa có hiệu quả, chủ yếu theo mô hình tự quản, trách nhiệm thấp. Có những trường hợp cư dân phải cầu cứu khắp nơi trước tình trạng quỹ bảo trì bị trưởng ban quản trị chung cư tiêu không minh bạch. Trong quy định cũng chưa có chế tài xử phạt đối với việc vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư…
Nhiều đề xuất về việc quỹ bảo trì 2% như kéo dài thời hạn thu, không để chủ đầu tư thu mà tách riêng để tránh việc chủ đầu tư “ôm” quỹ bảo trì, thành lập đơn vị công ích giám sát độc lập… Mỗi đề xuất đều hướng tới việc khắc phục những tồn tại trong quản lý chung cư hiện nay. Tuy nhiên, các đề xuất mới chỉ giải quyết một phần trong hàng loạt những mâu thuẫn phát sinh. Vấn đề về quản lý chung cư cần có một nghiên cứu tổng thể của các cơ quan chức năng để giải quyết nhưng mâu thuẫn lợi ích đan xen.