Theo một chuyên gia nghiên cứu của công ty Cushman & Wakefield Việt Nam, do quỹ đất đang thiếu để phát triển các dự án nhà ở trong trung tâm, đã làm cho nguồn cung hạn chế. Hiện nay, các dự án mới có xu hướng đặt tại các vùng xung quanh như quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 2, 4, 7.
Chuyển hướng tiến ra biển
Các chuyên gia quy hoạch cho biết, trong lĩnh vực bất động sản (BĐS), ai cũng biết yếu tố quan trọng nhất khi xem xét một địa điểm xây dựng dự án chính là “ví trí, vị trí và vị trí”.
Việc khởi công xây dựng nhiều tuyến tàu điện ngầm và trên cao bao phủ toàn thành phố, cũng như sự hoàn thành các dự án cầu hiện đại, tuyến đường cao tốc Long Thành – Dầu Giây, hầm Thủ Thiêm, đường vành đai, đã khiến giao thông đến khu vực trung tâm thành phố dễ dàng hơn, góp phần thúc đẩy sự phát triển của BĐS tại khu vực này.
Đến năm 2020, dự báo quy mô dân số Tp.HCM vào khoảng trên 12 triệu người. Cũng trong giai đoạn 2016-2020, tổng diện tích nhà ở xây dựng mới đạt 40 triệu m2 và diện tích nhà ở bình quân đầu người đạt 19,8m2/người. Ngoài ra, Tp.HCM sẽ phát triển thêm 10.000 căn nhà ở xã hội.
Cùng với đó, thành phố sẽ thực hiện chiến lược phát triển các khu đô thị vệ tinh nhằm kéo giãn dân và tạo tính lan tỏa cho các đô thị vùng Tp.HCM. Trong mô hình phát triển của mình, Tp.HCM cũng sẽ tiến hành quy hoạch lại một số khu vực đã phát triển quá nóng, gây áp lực lớn lên hệ thống hạ tầng. Từ đó, điều chỉnh lại quy mô dân số từng khu vực để quy hoạch và thu hút đúng loại hình nhà ở cho từng phân khúc…
Ví dụ, Tp.HCM đang thực hiện đề án thành lập Khu Kinh tế đặc biệt tại khu Nam để vực dậy “vùng trũng” này. Cụ thể, khu kinh tế này trải dài trên 4 quận – huyện, dần dần đưa thành phố tiến ra biển khi chọn Cần Giờ là trung tâm kinh tế biển. Quan trọng hơn, để thu hút được các nhà đầu tư BĐS vào đây, Tp.HCM đang xem xét cơ chế cho thuê đất đến 90 năm.
Hiện nay, các dự án mới có xu hướng đặt tại các vùng xung quanh như quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 2, 4, 7
Còn tại khu Tây Bắc, thành phố đã dành ra quỹ đất lớn để phát triển các dự án nhà ở, giáo dục, trung tâm thương mại,… với mục đích nhanh chóng đưa khu này thành một khu đô thị mới trong 5 năm tới. Hiện UBND Tp.HCM đang yêu cầu Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc cùng các sở ngành liên quan nghiên cứu ý tưởng quy hoạch chung khu đô thị này theo hướng mở rộng thêm khoảng 3.000ha, nâng tổng diện tích khu đô thị lên khoảng 9.000ha, tiếp giáp luôn với huyện Trảng Bàng của tỉnh Tây Ninh và ôm trọn cả khu vực bãi rác Tân Hiệp (đã được di dời).
Như vậy, trong tương lại không xa huyện Củ Chi sẽ hình thành nên một khu đô thị vệ tinh hiện đại, trở thành điểm kết nối kinh tế và văn hoá với các vùng lân cận.
Khu nào sẽ "soán ngôi" khu Đông?
Theo phân tích của TS. Phạm Thái Sơn, Đại học Việt Đức, thị trường BĐS Tp.HCM đang có rất nhiều thời cơ, điều kiện để “bức phá” sang một giai đoạn mới.
Vì BĐS Tp.HCM đang hút vốn FDI mạnh nhất so với các ngành kinh tế khác, trong đó nhiều doanh nghiệp FDI đã mang đến thành phố những dự án nhà ở, khu đô thị quy mô lớn. Điều này sẽ là một “sung lực” cho thị trường trong 5 năm tới, kéo theo việc hình thành nhiều siêu đô thị trải dài trên các hướng phát triển chính của thành phố.
Còn ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Tp.HCM nhận định, với việc nhiều chính sách mới đã có hiệu lực là điều kiện để thị trường BĐS trong những năm tới phát triển mạnh hơn.
Chẳng hạn, quy định cho người nước ngoài thuê – mua nhà tại Việt Nam cũng được đánh giá là có tác động tích cực đến thị trường. Đây cũng là thời điểm đánh giá thị trường BĐS hội nhập với thế giới, một khi nền kinh tế Việt Nam trở thành một mắc xích quan trọng của các hiệp định thương mại song phương và đa phương, điển hình như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC)…
Bên cạnh đó, một chuyên gia nghiên cứu của công ty Cushman & Wakefield Việt Nam cho rằng, do quỹ đất đang thiếu để phát triển các dự án nhà ở nên nguồn cung mới ở các quận khá hạn chế. Hiện nay, các dự án mới có xu hướng đặt tại các vùng xung quanh như quận Thủ Đức, Bình Thạnh, quận 2, 4, 7.
Song, khu vực phía Đông thành phố (quận 2, 9 và Bình Thạnh) và phía Nam (quận 4, 7) được đánh giá là hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư, bởi nằm gần khu vực trung tâm thương mại cũng như điều kiện cơ sở hạ tầng tốt như các trường đại học, trường học quốc tế, các trung tâm mua sắm và một trung tâm được dự đoán là sẽ trở thành trung tâm thương mại lớn nhất thành phố.
Vị chuyên gia này cho biết, quận Bình Thạnh và quận 2 được dự đoán sẽ có nhiều dự án trung và cao cấp trong khi quận Thủ Đức và quận 9 sẽ thích hợp với các dự án nhà ở bình dân hơn. Hiện nay, khu Nam cũng đang nổi lên là một đối trọng không thua kém các khu vực khác để trở thành một thị trường mới của dòng vốn BĐS. Điều này đang phát triển song hành với sự phục hồi trên phạm vi rộng của nền kinh tế và niềm tin thị trường.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]