Trong vòng 1 năm trở lại đây, mạng lưới giao thông cầu đường tại TP. Hà Nội đã được cải thiện, phát triển mở rộng về các hướng. Mặc dù, hình hài về các khu đô thị vệ tinh đã dần hình thành, song kế hoạch đầu tư dài hạn vào đất đai liên quan vẫn chưa được giới kinh doanh bất động sản (BĐS) xác định rõ ràng.
Lực đầu tư vào khu vực phía Tây với trục Đại lộ Thăng Long, QL32 sau thời gian “sốt” năm 2014, giờ đây đang có dấu hiệu chững lại. Thay vào đó là các vùng đất ven hàng loạt cây cầu vắt ngang sông Hồng.
"Nhất cận thị, nhị cận giang"
Cho đến nay, kinh nghiệm dân gian về chọn nơi an cư vẫn chưa hết giá trị. Gần chợ hay gần các vùng sinh sống sầm uất, được vận dụng thành những tiện ích xã hội như trường học, siêu thị, y tế, vui chơi giải trí...
Yếu tố “Cận giang” chính là tiệm cận các khoảng xanh hoặc vùng mặt nước rộng như sông, hồ nước. Hầu hết, các dự án cao cấp hiện tại luôn nhấn mạnh và khai thác triệt để yếu tố này, ví dụ như: TimesCity, Vinhomes Nguyễn Chí Thanh, loạt dự án “vượt thời gian” của Tân Hoàng Minh; Hòa Bình Green Apartment, khu Ngoại giao Đoàn (quận Tây Hồ),…
Thông thường, các khu đất hội đủ các yếu tố về phong thủy cũng như tương lai phát triển nhịp sống hiện đại chủ yếu “rơi” vào tay các chủ đầu tư mạnh vốn và giàu tham vọng. Còn đối với các nhà đầu tư nhỏ lẻ, trừ may mắn tham gia góp vốn (thông qua các suất dự án), đa số đều tập trung tìm cơ hội ở những vùng địa bàn vừa được thực hiện các đồ án hạ tầng cơ bản, quy mô.
Mặt khác, giá đất thứ cấp khu vực mục tiêu chưa bị “thổi” dưới bất cứ hình thức gì, chẳng hạn như tin đồn về triển khai dự án thương mại hoặc một bộ phận nhà đầu cơ đồng loạt “xả hàng” theo cùng một phổ giá đã thỏa thuận ngầm nhằm mục đích nhất thời.
Tích góp khoảng 1 tỷ đồng và nuôi kỳ vọng sinh lợi từ đầu tư BĐS, anh Phạm Hải quyết định tham gia chợ địa ốc hơn 1 năm nay. Nhân viên CNTT này không ngần ngại cho biết kế hoạch “đánh bắt ven sông” của mình.
Anh Hải phân tích, nghiên cứu thị trường từ giai đoạn 2012, hiện nay anh đang nhắm tới đất đai khu vực gần sát chân cầu Nhật Tân để rót tiền và chờ thời điểm thị trường giá đất khởi sắc nhằm sang nhượng kiếm lời. Nhưng ngoại trừ việc cây cầu đã xong, thì yếu tố cộng hưởng của các dự án tiệm cận lại chưa rõ ràng. Trong vòng 2-3 năm nữa, nếu các dự án của TP phê duyệt chính thức vận hành thì chắc chắn đất “sốt”. Tuy nhiên, khoản tiền tỷ bỏ vào đất sẽ đứng trước nguy cơ bị “chôn” dài dài. Tương tự như khu vực Tây Hà Nội, thời điểm giữa năm 2014 giá đất lên vùn vụt, còn nửa đầu 2015 thì lừng khừng bão hòa.
Sự lấn cấn của nhà đầu tư non trẻ này xuất phát từ thực tế “vỡ mộng vì đất vàng” giai đoạn 2010-2011 tại vùng đất Nội Bài – Nhật Tân. Được biết, năm 2010, đất làng xã Đông Anh được “cò” đất môi giới thành công với giá ngót nghét 40 triệu đồng/m2. Nhưng từ cuối 2011 tới 2014, các lô đất, thửa đất vuông vắn vị trí đẹp nơi đây duy trì ở biên độ 10-12 triệu đồng/m2, song thanh khoản hoàn toàn thưa vắng.
Những vùng đất ven các cây cầu vắt ngang sông đang vào tầm ngắm của các nhà đầu tư
Hay như biểu đồ giá đất thị trường khu vực ven chân cầu Nhật Tân mới đây còn “cao vút” tới ngưỡng 70-80 triệu đồng/m2. Vậy mà đến giữa quý II/2015, dưới bàn tay nhào nặn của môi giới sở tại hay hiệu ứng lan truyền rỉ tai liên quan tới những dự án đình đám trong khu vực (Vườn Đào, Ciputra, tái định cư Ciputra…) đang rầm rập “về đích”, vì vậy đất ven cầu Nhật Tân leo thang theo cấp số nhân 20-40-60-80 triệu đồng/m2 tùy vị trí.
Còn giá thổ cư trong ngõ nhỏ vừa một xe taxi 4 chỗ khu Xuân La, Phú Gia, Xuân Đỉnh leo tới 50 triệu đồng/m2. Nhưng nhiều người dân sinh sống tại địa bàn cho biết, đó hầu hết là người mua đất từ thời 2011 khi cầu chưa hoàn thiện, giờ tranh thủ cầu đã thông để thoát hàng.
Tầm nhìn căn cơ
Vào thời điểm cầu Nhật Tân còn trên bản vẽ, nhiều địa bàn như Vĩnh Ngọc, Hải Bối giá đất chỉ ở mức 11-14 triệu đồng/m2 (đường ngõ dẫn vào lô đất khoảng 2-3m). Giờ cũng những BĐS đó, nhưng giá vẫn chưa có dấu hiệu tích cực.
Những người am hiểu bản chất của vấn đề cho rằng, nguyên nhân chính là lộ trình của cầu Nhật Tân đi thẳng tới sân bay Nội Bài mà không có đường nhánh, hay đường ngang khổ lớn rẽ nhánh.
Trên thực tế, nhiều cá nhân đang chấp nhận bỏ cơ hội mua rẻ đất ở chân cầu Nhật Tân để tìm tới chân trời khác. Chẳng hạn, khu vực quanh cầu Đông Trù (qua cầu tới địa bàn Quận Long Biên) chỉ cách cầu Nhật Tân chừng 5km, trong vài tháng qua đã đón hàng loạt giao dịch thành công đất thổ cư.
Trong đó, không ít khách hàng ngoại tỉnh mua để ở với lý do đất ở đấy giá rẻ hơn so với vùng Xuân La hay Phú Thượng; hơn nữa, giá cả sinh hoạt cũng rẻ.
Còn việc đầu tư đúng nghĩa “tìm kiếm lợi nhuận” thì xã Cổ Loa mới thực đáng chú ý. Vào thời điểm thông tin Hội trợ triển lãm Giảng Võ chuyển về với quy mô 300 ha, cùng với đó Khu di tích Cổ Loa được công bố quy hoạch với hạng mục cây xanh hồ nước hấp dẫn, kèm theo tỷ lệ mật độ dân cư ít biến động, một loạt ô đất rộng trên dưới 100m2 đã được thu mua với giá chưa tới 10 triệu đồng/m2.
Bà Hòa, đại diện nhóm nhà đầu tư ở khu vực Sóc Sơn, Đông Anh cho biết, cứ có dự án quy mô tầm quốc gia được quy hoạch chi tiết, hay những đồ án mang tính văn hóa truyền thống tìm về là đủ để xuống tiền mua. Thậm chí, ngay cả khi không sang nhượng với giá kỳ vọng, bà sẽ xây thành trang trại nghỉ dưỡng hoặc để ở cũng là lựa chọn hợp lý.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]