Đã có hàng loạt dự án BĐS được ngân hàng ký hợp đồng bảo lãnh. Ảnh: Hoàng Hải/TTXVN
Quy định bảo lãnh giúp sàng lọc chủ đầu tư, bảo vệ người mua
Ngày 6/7 vừa qua, Công ty CP Địa ốc Dầu khí (PVL) đã chính thức khởi động dự án Khu chung cư Linh Tây Tower (quận Thủ Đức) sau thời gian bị đình trệ bởi những khó khăn chung của thị trường BĐS.
Công ty này đã ký kết hợp đồng bảo lãnh với Ngân hàng VPBank - Chi nhánh Vũng Tàu nhằm mục đích quản lý chặt chẽ dòng tiền thu từ khách hàng, cam kết bàn giao căn hộ trong vòng 18 tháng triển khai thi công dự án.
Trước đó, trong buổi mở bán đợt cuối 117 đất nền của dự án Jamona City (quận 7), Công ty CP Địa ốc Sài Gòn Thương Tín đã ký hợp đồng hợp tác với ngân hàng OCB, ACB, HDB nhằm bảo lãnh đối với việc kinh doanh BĐS hình thành trong tương lai theo quy định tại Điều 56 Luật Kinh doanh BĐS.
Cũng tại lễ ra mắt dự án The GoldView (quận 4), Công ty CP Đầu tư BĐS TNR Holdings Việt Nam đã ký hợp đồng hợp tác bảo lãnh với ngân hàng Maritime Bank.
Cùng thời điểm, Tập đoàn Novaland và Ngân hàng VPBank cũng đã ký kết bảo lãnh cho người mua nhà.
Giám đốc đầu tư và phát triển Novaland Bùi Hữu Phước cho biết, việc ký kết hợp đồng hợp tác bảo lãnh với VPBank sẽ đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, củng cố niềm tin cho khách hàng và chủ đầu tư, giúp thị trường BĐS phát triển minh bạch và bền vững hơn.
Ông Phan Ngọc Hòa, Phó TGĐ VPBank cho hay, từ lúc thị trường BĐS đóng băng (năm 2008) đến nay vẫn còn nhiều dự án bị chậm tiến độ, thậm chí không bàn giao nhà cho khách hàng như thỏa thuận đã ký trong hợp đồng.
Vì vậy, sau khi ký hợp đồng bảo lãnh cho người mua nhà, nếu xảy ra việc chủ đầu tư không bàn giao nhà theo tiến độ đã cam kết và người mua yêu cầu bồi thường thì VPBank sẽ có trách nhiệm hoàn lại cho người mua số tiền mà họ đã thanh toán và các khoản tiền khác được quy định trong hợp đồng.
Tương tự, Tập đoàn Đất Xanh cũng vừa ký hợp tác bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai với ngân hàng VietinBank, BIDV cho các dự án mà doanh nghiệp này sẽ đầu tư và giới thiệu trong 6 tháng cuối năm 2015.
Đại diện tập đoàn cho biết, những nội dung đổi mới của Luật Kinh doanh BĐS đã góp phần bảo vệ quyền lợi của người mua nhà. Bản thân chủ đầu tư dự án cũng được đặt trong vòng kiểm soát để thực hiện đúng các cam kết ngay từ khi triển khai và minh bạch trong việc công bố các thông tin về tiến độ, chất lượng xây dựng dự án.
Quy định mới của luật cũng góp phần thanh lọc những chủ đầu tư yếu kém về năng lực, qua đó chọn lọc và tìm ra những thương hiệu có uy tín, có khả năng dẫn dắt thị trường.
Một cái tên khác có thể kể tới là Hưng Thịnh Corp cũng vừa ký hợp đồng bảo lãnh với 5 ngân hàng để triển khai các dự án của công ty này, gồm ViettinBank, BIDV, SCB, Vietbank và Sacombank.
Ông Nguyễn Đình Trung, Chủ tịch HĐQT, kiêm TGĐ Hưng Thịnh Corp cho rằng, với việc ký kết hợp tác bảo lãnh với 5 ngân hàng kể trên, Hưng Thịnh Corp muốn khẳng định quyết tâm đảm bảo quyền lợi của người mua nhà, giữ vững niềm tin của khách hàng và các nhà đầu tư, góp phần giúp thị trường BĐS bền vững.
Đồng thời, việc các doanh nghiệp BĐS được ngân hàng ký kết hợp tác bảo lãnh còn giúp khẳng định thêm uy tín, thương hiệu bởi khi quyết định bảo lãnh, các ngân hàng đã phải thẩm định kỹ uy tín và năng lực của doanh nghiệp cũng như khả năng thanh khoản các dự án mà mình bảo lãnh.
Nhiều người nước ngoài tìm mua căn hộ
Ngày 1/7, ngay khi Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở có hiệu lực, Tập đoàn Novaland đã triển khai chương trình “100 căn hộ đầu tiên chào đón kiều bào và người nước ngoài” với nhiều ưu đãi áp dụng cho 4 dự án mà tập đoàn này đang triển khai gồm The Botanica, The Sun Avenue, Lucky Palace và Sunrise City View. Sau khi ra mắt, dự án The GoldView đã thu hút được gần 30 người nước ngoài.
Còn tại đợt mở bán dự án Vinhomes Central Park, Tập đoàn Vingroup cũng đã thu hút được hơn 400 khách nước ngoài, Việt kiều từ các nước tham quan, trong đó đã có 112 căn được đăng ký mua.
Một khách nước ngoài mua căn hộ cho biết, ông chọn mua căn hộ vì vị trí giao thông thuận lợi, dịch vụ tiện ích đi kèm, uy tín của chủ đầu tư cũng như nhờ luật sư tư vấn về chính sách cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam thông qua Luật Kinh doanh BĐS và Luật Nhà ở.
Bên cạnh những doanh nghiệp trực tiếp mở bán sản phẩm còn có các doanh nghiệp đang lên kế hoạch chuẩn bị thu hút lượng khách nước ngoài mua nhà. Trong chiến lược kinh doanh của mình, Công ty CP Kinh doanh Địa ốc Him Lam (Him Lam Land) đã triển khai dự án cao cấp tại quận 6 (Him Lam Chợ Lớn).
Ông Ngô Quang Phúc, Phó TGĐ Him Lam Land cho hay, hy vọng với Luật Nhà ở mới, các dự án của công ty sẽ có thêm lượng khách hàng nước ngoài nhất định. Vì thế công ty đã hướng dẫn nhân viên các kỹ năng tư vấn pháp lý, soạn thảo hợp đồng cho khách hàng nước ngoài.
Bà Dương Thùy Dung, Giám đốc Nghiên cứu thị trường và Tư vấn phát triển của Công ty CBRE Việt Nam cho biết, quy định cho người nước ngoài mua nhà tại Việt Nam chưa tác động tức thì đến thị trường mặc dù các đạo luật này đã tạo cơ hội công bằng hơn do họ đang có tâm lý xem xét, theo dõi sau thời gian dài thị trường BĐS trong nước đình trệ.
Tại Tp.HCM, quận 2 vẫn là khu vực được người nước ngoài tìm mua căn hộ nhiều nhất, chiếm đa số là phân khúc cao cấp.
“Trong vài tuần trở lại đây, mỗi ngày CBRE nhận được hàng chục email của người nước ngoài hỏi về các thông tin liên quan đến thị trường BĐS Việt Nam, trong đó có vấn đề mua căn hộ cho thuê lại. Để thu hút người nước ngoài tham gia vào thị trường, ngoài việc minh bạch thông tin, giới doanh nghiệp BĐS cũng cần chủ động, tăng cường tiếp thị hình ảnh của mình ra nước ngoài,” bà Dương Thùy Dung cho biết.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]