Rộn ràng săn đất gần khu công nghiệp
Đất nền, đất thổ cư ở gần các KCN luôn là sản phẩm được ưa chuộng tại Bình Dương. Đây là thị trường tập trung nhiều khu công nghiệp lớn nhất nhì phía Nam nên khi các hiệp định thương mại được thông qua, giao dịch mua bán khu vực này sôi động lên hẳn.
Mua một thửa đất thổ cư tại khu vực Dĩ An giáp ranh thành phố với giá 1,7 tỷ từ tháng 9/2015, ông Đỗ Xuân Cường vừa sang nhượng lại cho một khách hàng Hà Nội với giá 2,3 tỷ. Như vậy, chỉ sau 7 tháng ông đã kiếm được hơn 600 triệu với mảnh đất này. Thay vì để tiền chết, ông tiếp tục lùng mua một số thửa đất ở khu vực Tân Đông Hiệp. Theo dự đoán của ông Cường, hiện giá bán khu này chỉ tầm 600 – 1 tỷ, lại tập trung nhiều khu công nghiệp và công nhân nên chắc chắn không lo đầu ra. “Nếu thị trường tiếp tục thuận lợi, sau 6-8 tháng tôi bán ra lời cũng sẽ được 200-300 triệu, ít thì cũng 70-100 triệu. Tính sao vẫn hơn đầu tư kinh doanh”, ông Cường tự tin.
Đất nền, thổ cư tại Dĩ An, Bình Dương đang rất 'có giá'. Ảnh: internet
Cạnh đó có một số quán cà phê là đại bản doanh của khá nhiều môi giới tự do. Hầu hết các môi giới tiếp khách, giới thiệu nhà đều tập trung ở khu vực này. Ngồi gần 2 tiếng, tiếp xúc với một môi giới tự do, anh này cho PV biết, ai nói gì thì nói chứ nhà đất Bình Dương chưa từng hạ nhiệt. Kẻ mua người bán tấp nập, giá bán cũng tăng chứ chưa hề thấy giảm suốt từ 2014 đến giờ. Nhìn chung khách mua là người bản xứ không nhiều nhưng nhà đầu tư từ Tp.HCM, Hà Nội thì không thiếu. Các khu vực gần Dĩ An, Thuận An, khu giáp ranh Tp.HCM, Đồng Nai lúc nào đất cũng có giá. Giá bán cứ qua vài tháng lại sẽ điều chỉnh.
Theo quan sát của PV, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn, môi giới này nhận khá nhiều cuộc điện thoại, giới thiệu có, tìm mua có nhưng chủ yếu vẫn là đất gần khu công nghiệp như Sóng Thần, VSIP, Tân Tạo…, một số dự án mới cũng được giới thiệu nhưng nếu xa khu kinh tế thì khách không mặn mà.
Trực tiếp theo chân anh Thành, một môi giới dẫn khách đi xem đất, anh này cho biết, dù chưa chốt được giao dịch nhưng bằng con mắt nhà nghề anh biết khách đã chấm mảnh nào và không ưa mảnh nào. Nhà đầu tư Tp.HCM họ quan tâm nhiều nhất là vị trí hạ tầng hiện tại, còn giới đầu tư Hà Nội thì thích những khu mà trong 5-6 năm nữa có tiềm năng phát triển lớn. Một số người mua để dành, một số thích sang tay nhanh, còn một số thì thích mua để kinh doanh buôn bán hay xây trọ. Dù là nhu cầu gì thì đất gần KCN, khu dân cư hiện hữu vẫn được ưa chuộng hơn hết.
Kết quả khảo sát của Batdongsan.com.vn cũng cho thấy, hiện các khu đất thổ cư ở gần kề Đại Lộ Bình Dương, tuyến Huỳnh Văn Lũy đang có xu hướng tăng giá ít nhất 5 -10% so với thời điểm cuối 2015. Cụ thể, ra tết giá đất ở các khu này khoảng 3,5 - 4 triệu/m2, nay nhích lên tầm 4 - 6,5 triệu/m2. Khu nào gần chợ, gần đường giá còn lên từ 7-10 triệu/m2. Theo một số môi giới, nhiều khu đất nông nghiệp bỏ hoang trước đó hiện đã bán ra với giá tăng thêm 5-7%. Đất nào lên thổ cư xong thì có khi tăng hơn 50%. Người mua chủ yếu là để xây nhà trọ, nhà xưởng. Tại một số KCN nhỏ chưa có nhiều khách thuê, quanh khu vực này đất trống còn nhiều nhưng khi được hỏi thì hầu hết môi giới cho biết đã có người mua và chủ đất dự định xây dựng trong năm nay.
Vắng khách tìm mua khu thành phố mới
Dù cơ sở hạ tầng đã cơ bản hoàn thiện nhưng thành phố mới Bình Dương vẫn vắng dân về ở. Ảnh: internet
Trái ngược với đất gần KCN, khu vực Thành phố mới Bình Dương hầu như rất ít nhận được nhu cầu tìm mua, ký gửi. Hạ tầng và dịch vụ của khu này đã hoàn thiện, chất lượng sống cũng rất tốt nên người mua chủ yếu là người có nhu cầu ở thực, giới đầu tư không còn mặn mà như trước đây. Cách đây 7-8 năm, một ngày có khi có đến 40-50 giao dịch tìm mua đất khu thành phố mới, hiện nay các sàn giao dịch chỉ còn lác đác 5-6 bóng khách. Nguyên nhân khiến khu vực này không còn sức hút là do, tuy hạ tầng đã xong, trung tâm hành chính cũng hoạt động nhưng các khu công nghiệp vẫn chưa vận hành, bóng dân thưa thớt, nhà đầu tư nếu mua để xây dựng nhà trọ hay quán ăn cũng không biết phục vụ đối tượng nào.
Nhìn chung, Thành phố mới Bình Dương sau nhiều năm đầu tư phát triển đã lộ rõ nhiều bất cập. Nhiều khu phố hoàn thiện vắng người ở, bỏ hoang, xuống cấp…cho thấy giữa quy hoạch, tầm nhìn và thực tế vẫn còn khoảng cách quá xa. Tình trạng này một phần là do giá bán BĐS tại đây vào thời cao điểm lên tới 8 – 9 tỷ đồng/căn, thậm chí do thị trường nóng sốt nên giá nào cũng có người mua. Còn hiện tại mức giá này quá cao so với mặt bằng chung. Trong khi đó, phần đông dân cư của Bình Dương là công nhân và người có thu nhập trung bình nên chưa thể tiếp cận khu vực này để sinh sống.
Theo ông Hà Văn Thanh, đại diện công ty BĐS Nhà Bình Dương, qua thời sốt đất thì rất khó để tìm thấy khách hàng chịu chi 5-7 tỷ để mua đất. Xu hướng mua nhà đất Bình Dương thời gian qua nghiêng mạnh vào các sản phẩm giá bình dân, nếu không tính nhà phố khu vực trung tâm thì những nền đất hay căn hộ có giá bán từ 500 triệu – 1,1 tỷ là sản phẩm bán chạy, còn ở mức cao hơn thì rất khó bán. Tuy nhiên ông Thanh cũng cho rằng, đến thời điểm hiện tại hầu hết chủ các khu đất ở Thành phố mới không có ý định mua bán. Đối với những nhà đầu tư ngắn hạn có nhu cầu đẩy hàng thì họ đã bán tháo từ trước đó mấy năm rồi. Các chủ đất còn lại mua tích lũy và để dành, họ không có nhu cầu đầu tư và cũng không có ý định bán ra vào thời điểm này. Dù gì thì hạ tầng của Thành phố mới đã hoàn thiện, khu vực này không sớm thì muộn cũng sẽ phát triển nên nếu có ý định an cư thì không ai vội bán ra vào lúc này.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]