Chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2012 - 2020 và định hướng đến 2030 mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó, tạm dừng phát triển nhà ở thương mại nội thành, có nghĩa khu nội đô lịch sử gồm 4 quận nội thành cũ là Đống Đa, Hoàn Kiếm, Ba Đình, phía Bắc quận Hai Bà Trưng, và một phần phía Nam của quận Tây Hồ sẽ không xây mới dự án nhà ở thương mại.
Đặc biệt, đến năm 2015, tạm dừng phát triển nhà ở thương mại trong khu vực nội đô lịch sử đối với các dự án chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư hoặc chấp thuận đầu tư dự án. Thực hiện rà soát các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư trên toàn địa bàn TP theo quy định của pháp luật để xác định các dự án được tiếp tục triển khai, dự án cần điều chỉnh, các dự án tạm dừng và phải dừng.
Nâng tầng cao không phải là giải pháp tối ưu đối với việc xây mới lại chung cư cũ.
Thủ tướng cũng đề nghị UBND TP.Hà Nội kiểm tra, rà soát, phân loại các dự án phát triển nhà ở, khu đô thị mới đã được chấp thuận, cho phép đầu tư và số liệu về tồn kho bất động sản. Xác định các dự án phải điều chỉnh, dừng, tạm dừng hoặc tiếp tục triển khai.
"Lệnh cấm" được đưa ra một phần để đảm bảo mục tiêu giãn dân số tại các vùng lõi và mục tiêu Chính phủ đề ra là phải giảm dân số trong nội thành từ 1,2 triệu dân xuống còn 800 nghìn dân.
Trước đó, UBND TP.Hà Nội cũng đã đưa ra một bộ quy chế đề kiểm soát vấn đề tầng cao trong khu vực nội đô gồm 4 quận nội thành cũ (Ba Đình, Đống Đa, Hoàn Kiếm, phía bắc quận Hai Bà Trưng).
Theo dự thảo Quy chế, khu vực cho phép xây dựng cao tầng gồm: Đoạn từ Vành đai 2 - Nguyễn Chí Thanh; đoạn từ Nguyễn Chí Thanh - Láng Hạ; đoạn từ Láng Hạ - Hoàng Cầu; Nguyễn Lương Bằng - Phạm Ngọc Thạch; Phạm Ngọc Thạch - Giải Phóng có tầng cao tối đa từ 21-24 tầng.
Khu vực cầu Nhật Tân - vành đai 2-Xuân La; đoạn từ Xuân La - Hoàng Hoa Thám; Hoàng Hoa Thám - Đào Tấn; Cầu Giấy - Nguyễn Chí Thanh; Nguyễn Chí Thanh - Láng Hạ được xây dựng 24 - 27 tầng.
Một số tuyến khác được xây cao tầng 18-21 tầng tối đa gồm đường đê ven sông Hồng, một số tuyến đường xuyên tâm được cấp phép xây cao tầng gồm: Giảng Võ - Láng Hạ; Văn Cao - Liễu Giai - Nguyễn Chí Thanh; Tôn Đức Thắng - Nguyễn Lương Bằng - Tây Sơn; Giải Phóng - Lê Duẩn. Đường phố chính gồm: Hoàng Cầu - Hào Nam - Yên Lãng; Hàng Đậu - Phan Đình Phùng - Hoàng Hoa Thám; Lò Đúc - Kim Ngưu.
Theo bảng danh sách tổng hợp các khu chung cư cũ thuộc vào cấp nguy hiểm cần cải tạo, chỉnh trang thì số lượng các dự án này nằm rải rác các quận nội đô như khu C8, C4 Giảng Võ (Đống Đa); khu tập thể Quỳnh Mai (Hai Bà Trưng); cụm chung cư cũ khu Thành Công (Đống Đa).... Những dự án này đều nằm vị trí đắc địa trong khu vực nội đô. Nhiều ý kiến lo ngại, việc xin nâng tầng cao lên 22 - 27 tầng khi xây mới các chung cư cũ sẽ gây áp lực lớn về dân số đi ngược với chủ trương giảm tải dân số khu vực nội đô mà Chính phủ đề ra. Thêm vào đó, hạ tầng giao thông, hạ tầng cơ sở vốn đang quá tải.
Trao đổi với phóng viên trước đó, Chánh văn phòng UBND TP.Hà Nội, ông Nguyễn Thịnh Thành tỏ ra rất lo lắng về vấn đề này. Ông Thành cho biết, việc cải tạo chung cư cũ đang gặp rất nhiều vướng mắc. Nếu đề xuất nâng tầng cao thì lại đối mặt với áp lực về dân số, hạ tầng. Nếu không cho nâng tầng cao thì doanh nghiệp không có lợi nhuận nên họ không làm.
Ông Thành nhấn mạnh: "Việc giới hạn chiều cao đối với các dự án cải tạo chung cư cũ không phải là điều đáng lo nhất, mà quan trọng là chúng ta phải giải được bài toán làm thế nào để dân số không tăng lên. Bởi nếu dân số tăng rất khó để đảm bảo các chỉ tiêu về trường học, bệnh viện và hệ thống nước sạch... đáp ứng nhu cầu của người dân. Do vậy cần có giải pháp hợp lý để đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững".
Theo Batdongsan.com.vn
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]