Những dự án trên đã giúp thị trường nội địa có thêm nhiều thương hiệu quốc tế ở nhiều phân khúc khác nhau. Theo CBRE, trong năm 2016 Tp.HCM có thêm 17 nhãn hiệu quốc tế nổi tiếng mới vào thị trường, tăng gần gấp 3 lần so với năm ngoái. Cũng trong năm qua, thị trường đã chứng kiến sự mở rộng mạnh mẽ của các nhà bán lẻ trong nước, chẳng hạn như Vincom và Co.opMart cùng với các nhà bán lẻ nước ngoài, như Aeon, Lotte, Ilahui Miniso.
Do trong quý IV không có nguồn cung bất động sản bán lẻ nào ra mắt thị trường nên tỷ lệ trống đã được cải thiện so với trước.
Về giá chào thuê, trong năm qua chỉ có một dự án khai trương tại khu vực trung tâm là Saigon Centre giai đoạn II. Điều này khiến giá thuê trung bình tầng trệt và tầng 1 của khu vực CBD tăng tới 15,4% so với cùng kỳ năm 2015. CBRE nhận định, vị trí đắc địa, nguồn cung hạn chế và sự gia nhập của nhiều nhãn hiệu mới chính là những yếu tố giúp tỷ lệ cho thuê tăng mạnh.
Trong khi đó, tại khu vực ngoài trung tâm, giá thuê trung bình không thay đổi nhiều. Cụ thể, giá thuê chỉ tăng 1,2% so với quý trước và 0,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Dự báo tình hình hoạt động của thị trường mặt bằng bán lẻ Tp.HCM trong năm 2017. Nguồn: CBRE
Giá thuê tại khu trung tâm sẽ tăng tiếp
Dự kiến trong khoảng 3 năm tới, thành phố sẽ có thêm khoảng 500.000 m2 diện tích bán lẻ thực thuê, trong số đó có khoảng 55% đang được xây dựng, phần còn lại vẫn đang trong giai đoạn lên kế hoạch.
Sự gia tăng nguồn cung trong tương lai ở khu vực ngoài trung tâm, như Vincom Central Park, Su Van Hanh Shopping Centre (năm 2017), Crescent Mall Phase 2, Riviera Point (năm 2018) dự kiến sẽ khiến cho giá thuê giảm, trung bình khoảng 2% trong hai năm tiếp theo. Tức là phải đến năm 2019-2020, khi các dự án mới được tung ra tại khu trung tâm (như Spirit of Saigon, Tax Plaza), thì giá thuê trung bình mới tăng trở lại.
Dự báo nguồn cung mới của thị trường mặt bằng bán lẻ Tp.HCM. Nguồn: CBRE
Nếu không tính các dự án mới thì giá thuê tại khu trung tâm Tp.HCM dự kiến sẽ tăng từ 2-4% mỗi năm trong vòng hai năm tới. Trong khi đó, giá thuê tại các khu vực ngoài trung tâm được dự báo sẽ ổn định trong cùng thời kỳ.
Về tỉ lệ trống, nguồn cung dồi dào trong năm 2017 (180.000 m2 đang xây dựng) và trong năm 2018 (145.000 m2) có khả năng sẽ khiến tỉ lệ sàn trống tăng thêm 8-11%. Nhưng đến năm 2019 có thể tỉ lệ trống sẽ giảm vì nguồn cung tương lai hạn hẹp lại.
CBRE đánh giá, trong tương lai, ngoài những nhà bán lẻ Thái Lan vốn thống lĩnh hoạt động M&A gần đây thì các nhà bán lẻ đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc cũng như các nước phương Tây vẫn đang theo dõi thị trường Việt Nam chặt chẽ, vì Việt Nam có dân số trẻ với lối sống hiện đại và thói quen mua sắm ngày càng tăng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]