Tóm tắt
- Trong khi đó, cũng theo khảo sát của chúng tôi, nhiều dự án nhà ở thương mại nằm tại những vị trí trung tâm thành phố với hạ tầng giao thông khá thuận lợi, tiện ích nội khu được các doanh nghiệp (DN) đầu tư khá tốt… nhưng lại có mức giá ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn một số dự án nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố.
- Nếu như nhà ở xã hội có giá từ 8-10 triệu đồng/m2 thì mới có thể giải quyết được nhu cầu mua nhà đang rất cao của người nghèo.
Theo khảo sát của chúng tôi, dự án nhà ở xã hội Jamona Apartment của công ty Sacomreal được chào bán với giá 14,7 triệu đồng/m2, đã bao gồm thuế VAT và 2% phí bảo trì. Một nhân viên kinh doanh dự án này cho biết thêm phía công ty sẽ “bao” toàn bộ các thủ tục pháp lý cần thiết để khách hàng được vay gói tín dụng 30.000 tỷ đồng. Khách hàng chỉ việc làm giấy tờ chứng minh tình trạng chưa có nhà ở và đủ khả năng trả nợ ngân hàng.
Dự án nhà ở xã hội của công ty Hoàng Quân là HQC Plaza có mức giá 14,7 triệu đồng/m2, dự án HQC Hóc Môn đang có giá bán 14,2 triệu đồng/m2, được ngân hàng BIDV hỗ trợ vay vốn đến 20 năm. Một doanh nghiệp khác có dự án nhà ở xã hội nằm tại quận 12 lại có mức giá chào bán “nhỉnh” hơn là 15 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, cũng theo khảo sát của chúng tôi, nhiều dự án nhà ở thương mại nằm tại những vị trí trung tâm thành phố với hạ tầng giao thông khá thuận lợi, tiện ích nội khu được các doanh nghiệp (DN) đầu tư khá tốt… nhưng lại có mức giá ngang bằng hoặc thậm chí rẻ hơn một số dự án nhà ở xã hội hiện nay trên địa bàn thành phố. Đặc biệt, đa số các dự án thương mại này đều có sự hỗ trợ vay vốn khá tốt, thời hạn vay đến 15 năm từ nhiều ngân hàng.
Cụ thể, nằm tại trung tâm quận 2, dự án Citihome của tập đoàn Kiến Á hiện có giá chào bán là 14,2 triệu đồng/m2. Dự án Linh Trung Apartment nằm tại quận Thủ Đức có giá bán cũng khá cạnh tranh là 14,6 triệu đồng/m2, khách hàng sẽ được bàn giao nhà vào quý 4/2015 này. Một số dự án nhà ở thương mại của công ty Tổ chức nhà quốc gia (N.H.O) đang trong quá trình xây dựng cũng sẽ có giá bán ở tầm 15 triệu đồng/m2.
Một số dự án khác có giá 15-16 triệu đồng/m2 đáng chú ý như dự án An Gia Star có giá 15,8 triệu đồng/m2; dự án 8x Rainbow của công ty Hưng Thịnh 15,6 triệu đồng/m2; Sunview của Đất Xanh, chuỗi dự án Ehome của Nam Long, một số dự án của công ty Lê Thành cũng bán với giá 15-15,5 triệu đồng/m2…
Bà Phạm Thanh Hiền, đại diện Viện Nghiên cứu phát triển Tp. HCM cho rằng: “Không chỉ thiếu nguồn cung về nhà ở xã hội, giá nhà ở xã hội cũng đang ở mức cao ngất ngưởng khiến người thu nhập thấp không thể tiếp cận nhà ở. Quy định về mức thu nhập cũng như sự hạn chế trong việc vay gói 30.000 tỷ đã không ủng hộ người thu nhập thấp”.
Theo ông Nguyễn Văn Đực, Phó Giám đốc Công ty Đất Lành, thực tế cho thấy chương trình nhà ở xã hội được khởi động từ rất lâu nhưng đến nay đến không mang lại hiệu quả cao. Chính quyền địa phương mạnh tay đôn đốc, doanh nghiệp cứ thoái lui vì tỷ lệ lợi nhuận quá thấp. Bất cập nằm ở chỗ, nhà ở xã hội phải tốt nhưng giá phải rẻ, đầy đủ tiện ích, cho nên đầu tư vào nhà ở xã hội thật sự không hấp dẫn các nhà đầu tư.
“Tp.HCM phải nói là quá khan hiếm nhà ở giá rẻ. Gọi là nhà ở xã hội mà có giá bán ngang bằng với nhà ở thương mại, trong khi DN làm nhà ở xã hội được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ, người thu nhập thấp muốn mua được nhà thì phải trải qua quá nhiều thủ tục rườm rà. Nếu như nhà ở xã hội có giá từ 8-10 triệu đồng/m2 thì mới có thể giải quyết được nhu cầu mua nhà đang rất cao của người nghèo”, ông Đực nói.
Một số DN kinh doanh BĐS trong nước cho rằng, mặc dù đã có nhiều chính sách tháo gỡ và giải cứu thị trường nhưng các cơ chế chính sách này chưa thật sự hấp dẫn DN tham xây dựng nhà ở xã hội, DN chưa tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi khác. Trong khí đó, DN phải đầu tư với nguồn vốn lớn nhưng thu hồi vốn chậm, lợi lợi nhuận thấp cộng với công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn… nên giá thành sản phẩm đến tay người dân không thể nào nằm dưới 12 triệu đồng/m2 như mong muốn của đai đa số người thu nhập thấp được.
Ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc điều hành Công ty CP Xây dựng SG, khuyến nghị rằng cần có những quy định thoáng cho phép DN kinh doanh BĐS thiết lập các kênh huy động vốn mới để đầu tư vào lĩnh vực này, chứ không thể phụ thuộc vào mỗi ngân hàng hoặc gói tín dụng của Chính phủ. Luật cũng nên cho phép DN đa dạng hóa các loại hình sản phẩm nhà ở xã hội, chẳng hạn như bán, cho thuê, thuê mua và hình thức cho vay mua nhà phù hợp với điều kiện của từng loại khách hàng.
Tiếp thị & Tiêu dùng - tiepthitieudung.com. All Right Reserved
Tiếp thị & Tiêu dùng - Cập nhật thông tin mới nhất về giá cả, thị trường, mua sắm...
tiepthitieudung.com giữ bản quyền trên website này
Liên hệ: [email protected]